Mô hình kinh tế Đón Lúa Đông Xuân Chín Sớm

Đón Lúa Đông Xuân Chín Sớm

Publish date Wednesday. December 18th, 2013

Đón Lúa Đông Xuân Chín Sớm

Vụ lúa đông xuân (ĐX) chín sớm ở các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL đang bắt đầu. Lúa gạo hàng hóa xuất khẩu không còn nhiều, giá cả giao dịch ở mức khá cao. Tuy nhiên, vào lúc này đồng lúa ở bên kia biên giới Campuchia vào mùa thu hoạch, một số thương lái có thêm nguồn hàng kinh doanh.

Thêm nguồn cung

Qua 3 vụ lúa chính trong năm, ở vùng ĐBSCL vào thời điểm này giống như mùa giáp hạt. Lúa ĐX vừa mới gieo sạ, tới Tết Nguyên đán mới thu hoạch. Tuy nhiên, dân thương lái cho rằng, nguồn cung lúa-gạo không bao giờ dứt. Ở vùng ĐBSCL hầu như lúc nào cũng có lúa đứng chân trên đồng và thu hoạch rải đều trong năm. Hiện nay lúa thu đông trong đê bao ở An Giang đang thu hoạch muộn.

Một số địa phương có vùng lúa mùa, lúa-tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu bắt đầu gặt. Và cho đến lúc này, lúa cũ từ vụ ĐX, hè thu 2013 của tư nhân kinh doanh hay nông dân có vốn ví bồ trữ chờ giá vẫn còn. Thời điểm này, lúa giá cao các chủ vựa đến lúc phải bán ra, bởi chỉ còn chừng một tháng nữa lúa ĐX sớm tới sẽ vào mùa thu hoạch. Mặt khác, lúa ở Campuchia đang bán qua tay thương lái vùng biên các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, trong đó có một số thương lái vận chuyển về tới Thốt Nốt xay xát để bán chợ nội địa.

Thời vụ thu hoạch lúa ở cận vùng biên giới Campuchia tạo nguồn cung ước lượng chỉ cao điểm khoảng một tháng. Mấy năm trước, vào lúc này thương lái lên vùng biên Hồng Ngự (Đồng Tháp) hay Tịnh Biên (An Giang) mua chuyển về khoảng vài trăm tấn/ngày.

Hiện thời, lúa mới IR50404 bên kia biên giới giá 4.900 đồng/kg, thương lái mua về hơn 5.100 đồng/kg. Một số thương nhân mua gạo bán tiểu ngạch chọn lúa Sóc chế biến ra gạo đặc sản bán 11.000 đồng/kg và lúa mùa xay ra gạo thơm hương lài 14.500 đồng/kg, bán lẻ 16.000-17.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại thị trường gạo nội địa, dân hàng xáo mua lúa, xay xát cung ứng gạo chợ cho các đầu mối quanh khu vực "chợ gạo" Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết, từ đầu tháng 12-2013 (tháng 11 âm lịch), dân kinh doanh gạo nội địa bắt đầu tìm nguồn hàng chạy chợ Tết. Gạo bán chợ Tết phải là gạo thơm, ngon cơm như Jasmine, Tài Nguyên, Một Bụi, gạo ST, Nàng Thơm Chợ Đào…

Do năm nay thị trường lúa-gạo vào "giờ chót" cuối năm diễn biến khác thường, gạo xuất tiểu ngạch hút hàng. Hơn nữa, sau siêu bão Haiyan, Philippines tăng số lượng nhập khẩu gạo. Đó là lúc kho hàng của các doanh nghiệp (DN) cấp tập thu mua bổ sung gia tăng số lượng lúa gạo theo hợp đồng. Nhưng hết mùa, nguồn lúa nguyên liệu giảm, giá gạo đứng mức cao và chỉ giảm nhẹ 100-200 đồng/kg trong những ngày gần đây khi các DN xuất khẩu giảm nhịp độ thu mua.

Bài toán tạm trữ lúa

Theo dân chuyên kinh doanh mặt hàng gạo nội địa, cho rằng: "Khi các đầu mối xuất khẩu hút lúa gạo nguyên liệu vì tăng mạnh theo nhu cầu xuất khẩu, giá lúa trong vùng tăng cao, nhất là kể từ sau vụ lúa thu đông. Vào lúc này nông dân không có lúa nhiều để bán nên hưởng lợi chẳng bao nhiêu.

Nhưng thương lái còn nhờ vào lượng lúa cũ tạm trữ trong dân. Hiện nay, lúa cũ ĐX hạt dài thường từ 6.000-6.200 đồng/kg, lúa IR50404 cũ bán giá 6.200 đồng/kg, tăng so với cuối vụ ĐX bình quân 1.000 đồng/kg. Đáng lưu ý lúa Jasmine cũ vụ ĐX có giá cao nhất 8.000 đồng/kg, lúa Jasmine vụ HT 7.800-7.900 đồng/kg.

Một nông dân có vốn trữ lúa từ vụ ĐX vừa qua đến nay bán ra, tính toán: Nếu vựa lúa từ tháng 2 đến tháng 10, sau hơn 9 tháng chịu đựng tốn hao chi phí kho bãi, hao hụt, bốc xếp hàng và lãi suất vay ngân hàng…tổng cộng khoảng 800 đồng/kg thì mức chênh lệch trên 1.000 đồng/kg vẫn có lãi. Tuy nhiên, rủi ro lớn và khó dự đoán nhu cầu thị trường ở một số nước nhập khẩu gạo, nhất là trong điều kiện thời tiết không gặp biến động ngoài ý muốn (thiên tai bão lụt, thất mùa)...

Lãnh đạo một DN tại vùng lúa rộng lớn ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), phân tích: Vừa qua vào lúc thu hoạch lúa thu đông sớm, gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc đang hút hàng. Lúa thường hạt dài kéo theo nhóng giá tăng lên 5.700 đồng/kg, nhưng sau đó hàng đi Trung Quốc tạm ngừng mua, giá lúa thu đông giảm còn 5.400-5.500 đồng/kg. Một số vùng nông dân thu hoạch lúa thu đông sớm có lãi khoảng 20%, nhưng về sau và gần cuối vụ, nước lên việc thu hoạch bị động, giảm lãi còn 10-15%.

Tuy vậy, đối với mặt hàng lúa thơm Jasmine vụ ĐX chất lượng tốt nhất giá 6.200-6.300 đồng/kg. Một số người tính toán, chủ động nguồn vốn đã tạm trữ, từ tháng 2 đến tháng 6-2013 giá không tăng, kể từ tháng 7-2013 giá lên 6.500 đồng/kg, tháng 8, tháng 9 tăng lên 6.900-7.000 đồng/kg và đến cuối tháng 10, tháng 11 giá vượt mức 7.400-7.500 đồng/kg trở lên.

Qua chuyển động thị trường giá cả cho thấy lúa vụ thu đông do dễ bắt nhịp thị trường trước mùa giáp hạt nên nông dân không ai trữ. Nhưng lúa tốt vụ ĐX là bài toán khả thi cho những DN có kho và vốn tạm trữ lúa. Một lợi thế giao dịch khi gặp thị trường giá tốt.

Tạm trữ lúa-gạo vừa qua có ý kiến cho đó là giải pháp tình thế. Song, thực tế cho thấy tạm trữ còn đóng vai trò điều tiết cung-cầu hữu ích và cần tính toán trong việc quản lý điều hành sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo. Chính nhờ có nguồn cung từ nguồn tạm trữ, và lúa gạo qua giao thương vùng biên gia tăng tạo thế cân bằng.

Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, nhận định: "Hiện nay giá lúa gạo tuy đang ở mức cao nhưng thị trường bão hòa. Dự báo khó biến động tăng giá cao hơn ít nhất từ nay cho tới Tết, hiện nay phần lớn các DN đủ chỉ tiêu giao hàng đợt 1 xuất sang Philippines.

Hơn nữa, hàng đang tập trung tại cảng nhiều, áp lực thu mua không lớn. Trong khi hàng xuất tiểu ngạch lựa chọn "hàng đẹp" như gạo hạt dài, gạo OM6976, gạo Sóc…để thu mua và mặt hàng gạo ngon bán chợ Tết thương lái chọn nguồn cung từ vùng trồng lúa thơm, lúa mùa ở Sóc Trăng, Bạc Liêu"...


Những “Ao Cá Bác Hồ” Năm Xưa Những “Ao Cá Bác Hồ” Năm Xưa Củ Mì Rớt Giá, Thương Lái Và Người Trồng Đều Lao Đao Củ Mì Rớt Giá, Thương Lái Và Người…