Đón Luồng Cá Tết
Thành thói quen, gà gáy canh ba, ngư dân Nguyễn Văn Huyến (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) ngồi dậy để kịp chuyến biển mới...
* Trúng-thất khó lường
Con tàu công suất hơn 20CV của ông Huyến lướt nhẹ trên sông Ông Đốc, khi trăng còn treo trên đỉnh đầu. Tới mé biển chưa đầy 5 giờ sáng. Đây cũng là lúc cá cơm kéo đàn từ biển vào bờ, ông Huyến và những ngư dân cùng nghề "hốt" những mẻ lưới nặng trĩu.
Trò chuyện với chúng tôi sau cả ngày lao động mệt nhọc, ông Huyến cho hay cá cơm xuất hiện nhiều từ giữa tháng 7 âm lịch hằng năm, có khi kéo dài đến cận Tết hoặc ra Giêng. Nhiều nhất là khi gió nồm đông se sắt theo cái lạnh từ biển cả, có đàn lên tới cả tấn. "Những lúc may mắn gặp đàn cá lớn như vậy thì tha hồ mà hốt bạc" – ông Huyến chia sẻ.
Do cá xuất hiện theo mùa vụ và theo sản lượng tự nhiên nên nghề khai thác cá cơm như ông Huyến cũng khá bấp bênh. Kinh nghiệm giúp ông Huyến đón trúng luồng cá, trúng nhiều hơn thất. Ông cho hay hơn tháng nay, bình quân mỗi ngày cũng khai thác được khoảng 1 tấn cá, trừ chi phí và ăn chia với người làm công đi cùng theo tàu cũng còn lời vài triệu đồng.
Tại miền biển Sông Đốc, cùng nghề khai thác cá cơm như ông Huyến có trên dưới 50 tàu. Đây là hình thức khai thác ven bờ, phù hợp với những ghe công suất nhỏ, mỗi chuyến biển gói gọn trong ngày, thường từ mờ sáng đến xế trưa. Ngư dân Trần Thanh Quang, bạn cùng nghề của ông Huyến chia sẻ, cá cơm có 3 loại phổ biến là cá cơm bún (cá cơm nhỏ và trắng như cọng bún); cá cơm đầu nhọn và cá cơm đầu bằng. Giá cá cơm cũng lần lượt theo thứ tự ấy. Lộc trời cho, vùng biển Sông Đốc này ít khi gặp cá cơm bún, thường chỉ 2 loại rẻ tiền còn lại.
Tại một số miền biển khác của Cà Mau như: Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Rạch Tàu (huyện Ngọc Hiển), Tân Thuận (huyện Đầm Dơi), Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời),… cá cơm cũng đang vào vụ. Tùy vào sức gió và đặc thù của từng vùng biển mà ngư dân có cách "đón luồng" cá cơm từ biển vào đất liền để thu được thành quả cao nhất.
Có tàu khai thác một ngày thu lời 3-4 triệu đồng, thậm chí trên 10 triệu đồng nhưng có khi phải chịu lỗ chi phí. "Đó là những lúc giong ghe theo luồng cá cơm nhưng biển động bất ngờ - ngư dân Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Khánh Hội, huyện U Minh), có tàu khai thác cá cơm ven tuyến Vàm Giáo Bảy-Ba Hòn, cho biết.
* Giá ổn vì cầu lớn hơn cung
Các doanh nghiệp thu mua và sơ chế cá cơm hoạt động sôi nổi theo mùa khai thác cá. Tại miền biển sầm uất bậc nhất của Cà Mau là Sông Đốc, cá cơm tươi sau khi thu mua, qua công đoạn làm sạch được cho vô lò hấp rồi mang ra phơi chật ních cả các khoảng đất trống ven con lộ nhựa độc đạo về miền biển này. Khách phương xa lần đầu đến Sông Đốc sẽ ngửi được mùi thơm lừng đặc thù của cá cơm ngay từ khi còn cách trung tâm miền biển hơn 2km.
Dân trong nghề tiết lộ rằng, để được một ký cá cơm khô phải tốn trên 3 ký cá tươi. Với giá đầu ra từ 45 – 50 ngàn đồng/kg như hiện nay, doanh nghiệp thu mua cá cơm tươi của ngư dân từ 8-10 ngàn đồng mỗi ký (tùy chất lượng). Anh Trần Quốc Khải, chủ một cơ sở thu mua và sơ chế cá cơm ở miền biển Sông Đốc, nói: "Vào vụ chưa lâu nhưng mỗi ngày chúng tôi thu mua cả chục tấn cá tươi, giá đầu vào cao hơn khoảng 2 ngàn đồng mỗi ký so với cùng kỳ năm trước, ngư dân bán được giá rất phấn khởi".
Theo lời ông Khải, đầu ra của mặt hàng cá cơm 3 năm gần đây khá ổn định và thông thoáng nhiều hơn so với trước. Một phần là bởi doanh nghiệp đầu tư, cải tiến trang thiết bị… để cho ra lò những mẻ cá cơm khô an toàn vệ sinh và đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp cũng chú trọng bao bì, nhãn mác sản phẩm xuất xứ hàng hóa nhằm xây dựng tên tuổi và thương hiệu uy tín ổn định lâu dài trên thị trường. "Nhờ quan tâm về mặt chất lượng mà cá cơm của doanh nghiệp Bích Khải không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất được cho một vài đối tác ngoài nước, chủ yếu là thị trường Trung Quốc" – ông Khải nói.
Anh Phạm Văn Tình, thương lái thu mua cá cơm khô ở miền biển Sông Đốc cho hay anh chuyên gom hàng cung cấp cho thị trường miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, trong đó Tây Nguyên là đầu ra giàu tiềm năng cho cá cơm, đặc biệt là cá cơm bún và cá cơm đầu nhọn. "Vào mùa cá chưa lâu nên thị trường hút hàng, có bao nhiêu cũng bán hết và giá cả cũng nhỉnh hơn so với trước. Kinh nghiệm cho thấy thời điểm Tết giá cả luôn tăng" – anh Tình, cho biết.
Nguồn bài viết: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=72&id=156933
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao