Mô hình kinh tế Đồng Băng Sông Cửu Long Buông Quản Lý Phân Bón!

Đồng Băng Sông Cửu Long Buông Quản Lý Phân Bón!

Publish date Thursday. October 23rd, 2014

Đồng Băng Sông Cửu Long Buông Quản Lý Phân Bón!

Từ đầu năm đến nay, nông dân vùng ĐBSCL đã SX 3 vụ lúa (ĐX, HT và TĐ) với hàng trăm ngàn tấn phân bón đã được tiêu thụ. Thế nhưng không ít địa phương mới chỉ triển khai được duy nhất 1 đợt kiểm tra về thị trường phân bón!

* Ngành Công thương lúng túng trong kiểm tra, quản lý phân bón

Điều này khiến nông dân bất an mỗi khi vào vụ vì nếu lỡ mua phải phân bón giả, kém chất lượng thì thiệt hại kép: tiền mất, lúa thất.

Lại bắt đầu nỗi lo

Nông dân ĐBSCL đang chuẩn bị bắt tay vào SX vụ lúa ĐX 2014-2015. Theo kế hoạch, vụ này toàn khu vực sẽ gieo sạ khoảng 1,6 triệu ha lúa. Mặc dù lũ mới đạt đỉnh và đang rút chậm nhưng một số tỉnh như: Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu… những khu vực nằm trong vùng đê bao an toàn nông dân đã tranh thủ xuống giống sớm.

Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo các địa phương cần tranh thủ rút nước, tập trung xuống giống lúa ĐX chính vụ trong tháng 11 tới, những nơi trũng, nước ngập sâu chưa thể gieo sạ ngay thì chậm nhất trong tháng 12 phải kết thúc gieo sạ nhằm tránh bị hạn, mặn cuối vụ.

Nhiều nông dân tỏ ra lo âu khi thị trường phân bón rất bát nháo, hàng thật, giả lẫn lộn, trong khi việc thanh, kiểm tra bị buông lỏng. Ông Lưu Quang Định, ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, cho biết, vùng này đất gò cao nên nông dân thường tranh thủ xuống giống sớm. Gia đình ông Định có 5 công đất cũng đang tất bật chuẩn bị vào vụ.

Ông Định tâm sự: “Phân bón trên thị trường có rất nhiều mặt hàng, mà loại nào cũng được giới thiệu tốt cả, công nghệ nước ngoài. Chỉ khi mua về sử dụng thấy không hiệu quả nông dân mới biết đó là hàng giả. Lúc đó thì mọi chuyện đã rồi, chỉ có nước ngậm bồ hòn làm ngọt, chứ biết kiện cáo ai bây giờ”.

Cùng tâm trạng, ông Trần Tấn Hoàng, ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ vừa ra đại lý mua gần 20 bao phân cho 2,5 ha lúa mà cứ hồi hộp: “Lỡ mua phải phân giả hay kém chất lượng là thất mùa ngay”. Vì vậy, ông Hoàng quyết định chọn mua phân của những Cty lớn, đã quen sử dụng những năm qua cho ăn chắc.

Không chỉ nông dân mà ngay cả đại lý cũng tỏ ra bất an trước nạn phân bón giả, kém chất lượng. Ông Trương Công Điệu, chủ đại lý VTNN Tám Điệu, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết, năm nay có rất nhiều Cty phân bón ra đời mang nhiều tên rất mới trên thị trường. Và cứ đến đầu vụ là nhân viên Cty phân bón mới ra lò chạy rảo quanh các đại lý ở vùng nông thôn để chào hàng với giá cực “mềm”.

Không chỉ vậy, họ còn đưa ra mức chiết khấu phần trăm rất hấp dẫn, có khi lên đến 40-50% cho lô hàng. Năm nào ông Điệu cũng mua vào đầy kho trên 500 tấn phân các loại để bán cho nông dân. Để giữ uy tín với nông dân, ông luôn phớt lờ những Cty phân bón mới và chọn Cty truyền thống có sản phẩm chất lượng để mua vào, tránh “ôm” phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Anh Nguyễn Văn Luyến, một hộ dân trồng lúa ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, cho biết: “Mình từng là nạn nhân của Cty SX phân bón giả. Do trước đây không hiểu nhiều về phân bón, cứ thích phân rẻ, vì nghĩ sẽ đỡ được chi phí nên nhiều vụ mua phải phân giả, ảnh hưởng tới cả vụ mùa”.

Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, anh Luyến cũng như nhiều nông dân khác ở đây đã nắm được các chiêu trò của bọn bán phân giả nên giảm bớt được thiệt hại, đỡ “tiền mất tật mang”.

Các thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về vấn nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL, đã giúp nông dân rút được kinh nghiệm, hạn chế sử dụng các loại phân trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Khó khăn khâu quản lý

Do có sự thay đổi cơ quan quản lý (từ Bộ NN-PTNT sang Bộ Công thương) về phân vô cơ nên các địa phương ở ĐBSCL đang rất lúng túng và có phần buông lỏng trong việc thanh, kiểm tra thị trường phân bón.

Ông Đỗ Văn Dũng, PGĐ Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Cần Thơ cho hay, từ đầu năm đến nay, Chi cục không được giao nhiệm vụ chức năng rõ ràng để thanh và kiểm tra về mặt hàng phân bón trên địa bàn. Chính vì vậy mà nhiều tháng ròng thị trường phân bón gần như bị bỏ ngỏ trước sự diễn biến rất bát nháo mà chưa có ai đứng ra quản lý.

Theo ông Dũng, Nghị định 163 của Chính phủ về xử phạt phân bón và thuốc BVTV ra đời chưa phân rõ ràng giữa Bộ Công thương với Bộ NN-PTNT dẫn đến chuyện đùn đẩy trách nhiệm, không ai đứng ra kiểm tra phân bón trong thời gian qua.

Quy định của pháp luật về quản lý và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm chưa thật rành mạch, còn đan xen nhiều văn bản pháp luật về thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm thuộc nhiều ngành quản lý khác nhau. Điều này làm cho người thực thi rất khó áp dụng.

Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng ở TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra 27 vụ, lấy tổng số 33 mẫu phân bón đi kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện 16 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt trên 521 triệu đồng.

Theo kế hoạch, vụ ĐX 2014-2015, tỉnh Cà Mau sẽ gieo sạ khoảng 91.000 ha lúa, bao gồm cả diện tích lúa mùa và mô hình lúa - tôm. Để đảm bảo về chất lượng VTNN, đơn vị quản lý đã triển khai một số đợt thanh, kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm.

Ông Đỗ Gia Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Công thương Cà Mau cho biết, trong lĩnh vực kiểm tra nông nghiệp – thủy sản, từ đầu năm đến nay, Đội kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra 25 đợt, có 52 cơ sở được kiểm tra, phát hiện 41 vụ vi phạm.

Đơn vị đã lấy 59 mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng. Trong đó có 3 mẫu phân không đạt chất lượng và 1 mẫu phân bón giả. Riêng các đợt kiểm tra tháng 9 vừa qua đã phát hiện 2 mẫu phân bón không đạt chất lượng so với hàm lượng công bố trên nhãn.

Tại Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Công thương mới chỉ phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức được 1 đợt thanh, kiểm tra về phân bón. Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức nên không rõ tình hình vi phạm cụ thể như thế nào.

Còn về quản lý mặt hàng phân hữu cơ, Thanh tra Sở NN-PTNT đã kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm. Đáng lo ngại là có tình trạng Cty làm giả chính mặt hàng của mình, lừa bán cho nông dân.

Cụ thể Đoàn Thanh tra Sở NN-PTNT Kiên Giang lấy mẫu tại cửa hàng Ngọc Điệp, ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, Giồng Riềng, Kiên Giang sản phẩm “Phân vi sinh xử lý giống 3 Siêu” do Cty TNHH Siêu Phân Bón (địa chỉ: D 62, đường 56, khu đô thị Phú An, P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) sản xuất để kiểm tra chất lượng.

Tại cửa hàng Tính Ngân, ấp Ngọc An, xã Ngọc Chúc, Giồng Riềng, Kiên Giang, Đoàn Thanh tra lấy mẫu “Phân bón lá Humate – HP” do Cty TNHH MTV Công nghệ sinh học ứng dụng nông nghiệp Hồng Phát (địa chỉ: số 9, xã Vị Thắng, Vị Thủy, Hậu Giang) sản xuất, để kiểm tra chất lượng.

Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ, mẫu “Phân vi sinh xử lý giống 3 Siêu” có hàm lượng Azospirilum – SP; Bacillus thấp hơn nhiều so với công bố (theo quy định hàm lượng 70% trở xuống là hàng giả, không có giá trị sử dụng, công dụng).

Tương tự, mẫu “Phân bón lá Humate – HP” có hàm lượng Axit Humic là 5,28%, tỷ trọng 0,97 g/ml, trong khi hàm lượng công bố Axit Humic là 15%, tỷ trọng 1,1-1,2 g/ml.

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Đoàn thanh tra Sở NN-PTNT Kiên Giang đã mời đại diện hai Cty nói trên đến làm việc và cả hai đã thừa nhận hành vi vi phạm về kinh doanh sản phẩm phân bón giả, không có giá trị sử dụng, công dụng.

Do cả 2 Cty nói trên đều có trụ sở ngoài địa bàn tỉnh Kiên Giang, nên ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang đã gửi văn bản đến Cục Trồng trọt, Thanh tra Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT Cần Thơ và Hậu Giang đề nghị có biện pháp quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc Cty TNHH Siêu Phân Bón và Cty TNHH MTV Công nghệ sinh học ứng dụng nông nghiệp Hồng Phát trực tiếp đưa sản phẩm giả ra thị trường, gây thiệt hại cho nhà nông.


Hội Thảo “Phát Triển Nghề Nuôi Chim Yến Bền Vững” Hội Thảo “Phát Triển Nghề Nuôi Chim Yến… ​Doanh Nghiệp Bất Động Sản Sống Nhờ Mía, Phân Bón ​Doanh Nghiệp Bất Động Sản Sống Nhờ Mía,…