Mô hình kinh tế Đột Phá Từ Giống Lúa Lai KC06-1

Đột Phá Từ Giống Lúa Lai KC06-1

Publish date Tuesday. March 3rd, 2015

Đột Phá Từ Giống Lúa Lai KC06-1

Nhiều người vẫn nghĩ, lúa lai chỉ giúp giải quyết vấn đề an ninh lương thực khi cho năng suất rất cao so với giống lúa thuần nhưng lại rất kém về chất lượng, dễ nhiễm sâu bệnh. Thế nhưng, suy nghĩ này không còn đúng khi các nhà khoa học trong nước từng bước cải thiện, làm cho hạt gạo dài, dẻo, ít bạc bụng mà còn thơm và chịu hạn, mặn, kháng nhiều sâu bệnh.

3 năm và 10 năm

Trên cánh đồng 13ha ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An (nằm trong vùng Đồng Tháp Mười), anh Trần Văn Chín cho biết, mặc dù Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) hợp đồng bảo hiểm và bao giá khi anh trồng giống lúa lai KC06-1 vụ đông xuân 2014 - 2015, nhưng anh vẫn hồi hộp vì đây là lần đầu tiên anh trồng lúa lai.

Thời gian đầu, cây lúa phát triển không khỏe như giống đối chứng OM4900, nhưng sau đó, ưu thế của giống lúa lai KC06-1 phát huy hiệu quả, lượng nhánh sinh sôi mạnh hơn, giúp số bông lúa trên bụi nhiều hơn, hạt chắc hơn, ít hạt lép. Nhưng điều anh ấn tượng là giống lúa này không bị bệnh đạo ôn, loại bệnh phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với giống lúa đối chứng OM4900, anh phải xịt ba lần để diệt đạo ôn nhưng với KC06-1 không cần phun dù có vài điểm bị nhiễm nhưng rồi biến mất. Ngay cả với rầy nâu, vụ đông xuân này anh phun ba lần trên giống OM4900 nhưng với giống KC06-1, chỉ phun thuốc một lần để cắt giai đoạn sinh trưởng rầy nâu trên đồng ruộng. Còn khoảng 10 ngày nữa mới thu hoạch, nhưng với số bông và độ dài bông anh tin rằng sẽ thu được trên 10 tấn, thậm chí 11 tấn lúa tươi/ha so với giống lúa thơm OM4900 chỉ khoảng hơn 8 tấn lúa tươi/ha.

Trong khi đó trà lúa KC06-1 của bác Nguyễn Văn Thắng cùng 18 hộ với hơn 9ha ở ấp Ngãi Thạnh, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long trồng bên cạnh giống đối chứng IR50404 (phổ biến) lại tỏ ra ưu thế vượt trội. Nhiều nơi lúa IR50404 bị ngã đổ do thân bị yếu, trong khi với giống KC06-1 vẫn đứng vững dù số tép nhiều hơn và mỗi chùm hạt dài hơn. Lấy ngẫu nhiên đếm, số hạt KC06-1 mỗi nhánh gần 120 hạt lại chắc so với gần 70 hạt của giống IR50404. Bác Thắng cho biết, cả vụ không phun thuốc trị bệnh đạo ôn so với ba lần phun thuốc trên giống IR50404.

Trên con đường gập ghềnh vào sâu vùng tứ giác Long Xuyên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang là cánh đồng lúa 200ha, anh Nguyễn Thành An dành 20ha trồng giống lúa lai F1 KC06-1, 10ha giống thương phẩm KC06-1, còn lại trồng chủ yếu lúa Nhật Bản, loại hạt tròn cho một doanh nghiệp đã hợp đồng để xuất khẩu. Anh An nhìn nhận, giống lúa lai này về năng suất, độ thơm, kháng sâu bệnh và chịu phèn mặn đều tốt hơn giống đối chứng.

Thạc sĩ Dương Thành Tài, Phó Tổng Giám đốc SSC, người chịu trách nhiệm thực hiện cho biết, đề tài KC06.24/11-15 làm theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học - Công nghệ, từ năm 2013 đến 2015 với yêu cầu, phải tạo ra giống lúa lai F1 không chỉ năng suất cao, hạt dài, ít bạc bụng, kháng sâu bệnh mà còn phải thơm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và phải có quy trình sản xuất giống F1 ổn định.

Thật không dễ dàng trong thời gian chỉ 3 năm có thể tạo ra giống lúa lai với hàng loạt yêu cầu như vậy. Để nhận đề tài hóc búa này, SSC và bản thân ông Dương Thành Tài đã phải nghiên cứu, chọn lọc, sưu tầm để có nguồn gen nguyên liệu như trên trong 10 năm.

Triển vọng cho vùng lúa ĐBSCL

Dù sau vụ hè thu 2015 mới đủ 4 vụ trồng liên tiếp cho việc đánh giá và nghiệm thu đề tài, nhưng người trong cuộc hiểu rằng, đề tài KC06.24/11-15 đã đi đúng hướng. Tuần qua, tại buổi hội thảo đề tài này ở huyện Tri Tôn, tỉnh An giang, mùi cơm từ hạt gạo KC06-1 đang nấu thơm lừng cả hội trường làm mọi người cồn cào khi quá buổi trưa.

Theo ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Kiên Giang, vụ đông xuân lạnh, nhiều sương mù làm bệnh đạo ôn phát triển, các giống lúa thuần tốn chi phí khá cao để phòng trị, nhưng các giống KC06 không sử dụng thuốc, chứng tỏ kháng cao. Lúa vẫn phát triển trên vùng đất phèn nặng, có khả năng phát triển vùng tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau.

GS-TS Bùi Thị Trâm, nhà lai tạo lúa lai nổi tiếng cho rằng, các giống KC06(-1,-2,-3…) chứng minh lúa lai không chỉ phù hợp ở vùng ôn đới mà cả vùng nhiệt đới nếu kiên trì nghiên cứu lai tạo. Các giống này chống chịu sâu bệnh, phèn mặn tốt mở ra triển vọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng ĐBSCL khi giống này cho thấy tiềm năng đưa vào vùng phèn mặn vừa mới khai hoang.

Ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng phía Nam, cho rằng, trong 5 dòng của KC06, có 3 dòng là giống trung bình sớm KC06-1, -2, -3, nên có đối chứng với giống ST (loại gạo thơm xuất khẩu).

Riêng với nhóm ngắn ngày KC06-4, -5 so sánh với IR 50404. PGS-TS Trần Duy Quý, Thư ký Ban Chủ nhiệm Chương trình KC06, Văn phòng Ban Chủ nhiệm chương trình Bộ KH-CN cho biết, đề tài này rất khó, đây là kết quả từ quá trình nghiên cứu lâu năm. 5 giống của SSC đưa ra khảo nghiệm đảm bảo đúng mục tiêu đề tài là năng suất cao, chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và chống chịu được một số sâu bệnh phổ biến. Tất cả mô hình đều đáp ứng yêu cầu. Hy vọng sẽ chọn ra được 2 giống để có thể đưa vào sản xuất đại trà như các giống lúa thuần cho vùng ĐBSCL.


Nông Dân Tây Ninh Tranh Thủ Xuống Giống Khoai Mì Nông Dân Tây Ninh Tranh Thủ Xuống Giống… Khẩn Trương Thực Hiện Mua Tạm Trữ 1 Triệu Tấn Quy Gạo Vụ Đông Xuân 2014-2015 Khẩn Trương Thực Hiện Mua Tạm Trữ 1…