Mô hình kinh tế Dừa Vẫn Là Cây Trồng Chủ Lực Của Nhà Vườn Ở Bến Tre

Dừa Vẫn Là Cây Trồng Chủ Lực Của Nhà Vườn Ở Bến Tre

Publish date Friday. April 13th, 2012

Dừa Vẫn Là Cây Trồng Chủ Lực Của Nhà Vườn Ở Bến Tre

Đối với người làm vườn của tỉnh Bến Tre, trong vườn nhà mình ai cũng phải dành một phần đất để trồng dăm ba chục gốc dừa. Có lúc giá dừa cao ngất ngưỡng, có khi sụt giảm, đời sống người trồng dừa cũng chịu cảnh thăng trầm. Tuy nhiên, niềm tin với cây dừa của người quê dừa, lúc nào cũng thủy chung. Nhân Festival Dừa, tôi có dịp gặp hai người nông dân được cho là ông “Vua dừa” của địa phương, và hơn hết, họ luôn dành một “tình yêu” mãnh liệt cho cây dừa.

* “Bỏ cây gì thì bỏ, bỏ cây dừa là chết” - bác Nguyễn Văn Ngư, ở ấp Thới An, xã Châu Hòa (Giồng Trôm) tâm sự. Bác cho biết, vào những năm 90 của thế kỷ XX, khi chưa đắp bờ bao ngăn mặn, bác đã chọn cây dừa để trồng trên vùng đất mặn này. Nó đã gắn bó với bác từ ấy đến bây giờ, có nhiều niềm vui, cũng không ít nỗi buồn. Bác còn nhớ, thời gian này, dừa trái nhỏ đến mức đưa bàn nạo vào không được, chục dừa đổi không được chục gạo. Ấy vậy mà gia đình vẫn sống, nuôi mấy miệng ăn cũng nhờ cây dừa. Sau đó, có bờ bao khép kín, rồi cống đập Ba Lai ngăn mặn, trữ ngọt. Nói đến dừa của huyện Giồng Trôm, thì phải kể đến dừa Châu Hòa - như là thương hiệu trong giới thu mua. Dừa Châu Hòa trái to, đẹp mà cũng dày cơm. Giá bán lúc nào cũng cao hơn dừa của địa phương khác. Vào thời điểm dừa 130 - 140 ngàn đồng/chục, xã này cũng có cả chục nhà thu nhập từ 45 - 50 triệu đồng/lần thu hoạch dừa (1 tháng).

Bác Ngư còn cho biết thêm ý định: Mía đang chết, trồng cực quá mà tính ra còn lỗ công, phân thuốc. Cứ tình hình này, trong năm nay, chắc tôi cũng bỏ mía, trồng dừa. Hiện, bác còn khoảng 1 ha đất mía. Nếu bác chuyển sang trồng dừa, thì toàn bộ hơn 4 ha đất của bác sẽ trồng chuyên dừa.

* “Chắc trong năm nay, tôi cũng chuyển phần đất còn lại sang trồng dừa” là ý định của bác Ngô Văn Hội, ở ấp 2, xã Châu Bình (Giồng Trôm). Bác Hội có 4 ha đất, trong đó, đất trồng dừa chiếm 90%, có hơn 1 ha cho trái, phần còn lại sắp cho thu hoạch. Bác dự đoán, với tình hình mía rớt giá như vầy, vài năm nữa, Châu Bình cũng không còn đất trồng mía. Chắc hết vụ mía này, bác cũng trồng dừa trên phần đất còn lại. Tính ra, cây dừa vẫn “nhàn” hơn cây mía. Hiện, bác còn khoảng 7-8 công đất mía, bác bảo: “Trồng mía cực quá mà thu nhập cũng chẳng bao nhiêu. Tuy dừa khô có rớt giá như bây giờ, nhưng vẫn “ngon” hơn vì không nhọc công lắm”.

Tính đến cuối năm 2011, toàn huyện Giồng Trôm có gần 14 ngàn héc-ta dừa, chiếm hơn 50% diện tích đất trồng trọt của huyện. Hai xã Châu Bình và Châu Hòa là những địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất huyện. Với điều kiện thuận lợi có nhiều con rạch dẫn sâu vào đất vườn, rất thuận tiện cho việc vận chuyển, thu gom, mua bán và người dân địa phương có truyền thống và nhiều kinh nghiệm trồng dừa, tin chắc, cây dừa luôn có thế đứng vững vàng.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Dừa Đồng Gò (Giồng Trôm) cho biết, hiện Trung tâm không còn chú trọng nhiều đến việc lai tạo dừa, mà trọng tâm là nhân giống, ươm và chuyển giao. Bình quân hàng năm, Trung tâm cung ứng cho cả nước, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL, hơn 100 ngàn cây dừa giống các loại…


Cải Tiến Mới Về Kỹ Thuật Trồng Dâu Hạ Châu Của Một Nông Dân Cải Tiến Mới Về Kỹ Thuật Trồng Dâu… Mô Hình Trồng Sầu Riêng Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Trồng Sầu Riêng Đạt Hiệu Quả…