Dùng đậu nành thay thế bột cá trong ương cá lăng chấm
Nghiên cứu cung cấp tỷ lệ đậu nành để thay thế bột cá trong ương giống cá lăng chấm mà không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cá.
Cá lăng chấm có tên khoa học là Hemibagrus guttatus là loài cá có giá trị kinh tế của miền Bắc Việt Nam. Thịt cá lăng chấm mềm, ít xương dăm, được coi là loại cá đặc sản nước ngọt của miền Bắc. Trong những năm 1960- 1970 sản lượng cá lăng chấm chiếm một tỉ trọng khá lớn của sản lượng cá đánh bắt tự nhiên của một số tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, sản lượng cá lăng chấm trong tự nhiên đã giảm sút nghiêm trọng. Cá lăng chấm có tên trong Sách đỏ Việt Nam do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố vào năm 2000 và được xếp vào mức nguy cấp bậc V, cần phải bảo vệ gấp. Trong các loài thuộc họ Bagridae thì cá lăng chấm H. guttatus là loài có kích thước lớn nhất, phân bố rộng rãi ở thượng lưu và trung lưu các sông suối lớn ở miền Bắc nước ta.
Trước thực trạng trên, từ năm 2002-2008 Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã tiến hành các nghiên cứu nhằm xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng chấm với mục đích tái tạo nguồn lợi và đưa cá lăng chấm trở thành đối tượng nuôi đặc sản. Việc nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống cá lăng chấm có ý nghĩa quan trọng, không những giúp chủ động về con giống trong sản xuất mà còn giảm áp lực khai thác ngoài tự nhiên; là một trong những biện pháp hiệu quả giúp bảo vệ đối tượng có giá trị kinh tế cao này. Tuy nhiên, trong quá trình ương nuôi tỷ lệ cá bị dị hình như vẹo thân, cong lưng, dị hình đầu vẫn còn cao.
Cá lăng chấm là đặc sản cá nước ngọt của miền Bắc.
Dị hình xương là vấn đề chính của các trại sản xuất và ương nuôi giống cá lăng chấm (Divanach et al. 1996), có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cá giống nhưng dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng. Hơn nữa việc sử dụng nguồn nguyên liệu bột cá cũng đang gặp nhiều khó khăn: không chủ động được nguồn nguyên liệu, giá bột cá ngày càng tăng, môi trường nuôi nhanh bị ô nhiễm bởi lượng thức ăn thừa, nên việc tìm được nguồn nguyên liệu thay thế bột cá cũng là vấn đề cần quan tâm.
Đậu nành là nguồn nguyên liệu phổ biến sẵn có tại Việt Nam. Thêm vào đó đậu nành còn có giá trị dinh dưỡng cao đặc biệt là protein dễ hấp thụ. Trong các công thức thức ăn truyền thống đậu nành thường là nguyên liệu được lựa chọn để thay thế bột cá mà vẫn đảm bảo hàm lượng protein trong thức ăn. Kết quả nghiên cứu phần nào hoàn thiện quy trình ương nuôi cá giống lăng chấm hiện nay.
Nghiên cứu ứng dụng đậu nành vào quá trình sản xuất giống cá lăng chấm
Thí nghiệm thiết kế để so sánh 3 công thức thức ăn:
- Công thức 1 chứa 0% đậu nành
- Công thức 2 chứa 4% đậu nành
- Công thức 3 chứa 10% đậu nành
Kết quả
Khối lượng trung bình của cá sau 30 ngày thí nghiệm ở nghiệm thức 0% đậu nành nhỏ hơn so với hai nghiệm thức 4% đậu nành và 10% đậu nành. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về khối lượng của cá giữa các nghiệm thức sử dụng đậu nành.
Hệ số chuyển hóa thức ăn của 3 loại thức ăn không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, tỉ lệ sống ở nghiệm thức bổ sung đậu nành 4% có tỉ lệ sống 83% cao hơn so với nghiệm thức không bổ sung (68%) và nghiệm thức bổ sung 10% (67%). Ngoài ra, ở nghiệm thức bổ sung 10% đậu nành vào khẩu phần ăn của cá lăng chấm cho thấy tỉ lệ dị hình cao nhất 8% và nghiệm thức sử dụng thức ăn không chứa đậu nành là thấp nhất 6,3%, tỉ lê dị hình xương cá ở thức ăn chứa 4% đậu nành là 7,2%.
Kết quả từ nghiên cứu thấy được có thể thay 4% bột cá trong thức ăn bằng đậu nành mà không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống, tăng trưởng, nhưng tỉ lệ dị hình còn cao. Do đó, trong quá trình ương giống cần bổ sung thêm canxi, photpho và vitamin C vào khẩu phần ăn của cá lăng chấm để giảm thiểu dị hình trong quá trình ương góp phần duy trì nguồn lợi của loài cá quý hiếm này.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao