Dứt ruột phá bỏ vườn chè ô long
BáoThanh Niên số ra ngày 11.10 có bài Chè ô long khốn khó đã nêu lên tình trạng sản lượng chè ô long của tỉnh Lâm Đồng chủ yếu xuất khẩu vào Đài Loan, nhưng sau khi thị trường này “đóng băng” thì lập tức vùng chè lớn nhất nước này gặp khó.
Tồn kho chè ô long hiện lên đến 2.000 tấn thành phẩm.
Phá vườn, bỏ hái
Cuối tháng 10, PV Thanh Niên trở lại vùng chè lớn nhất tỉnh Lâm Đồng và ghi nhận tình cảnh khốn khó của người trồng chè nơi đây.
Ông Huỳnh Kim Tuyến (72 tuổi, ngụ P.Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc) cho hay ông đã có 20 năm gắn bó với cây chè và cũng là một trong những người đầu tiên trồng chè ô long ở vùng đất này. “Hiện 18 ha chè ô long của tôi đang “sống dở chết dở” vì bán không được.
Bình thường 1 năm tôi hái 6 đợt (khoảng 20 tấn/đợt) nhưng nay khó khăn quá, không có vốn đầu tư nên sản lượng chỉ còn 5 tấn/đợt.
Từ đầu năm đến nay, tôi hái 4 đợt nhưng chỉ bán được 1 đợt, còn lại phải thuê gia công sấy khô với giá 70.000 đồng/kg nhưng cũng không bán được và cũng không có tiền để lấy trà về, tồn kho đến 800 kg chè khô.
Hiện nay, tôi không thu hái nữa mà chỉ tưới nước, làm cỏ để giữ vườn chờ giá lên mới đầu tư, đồng thời tôi cũng đang rao bán vườn luôn chứ “dính với nó” khổ quá”, ông Tuyến ngậm ngùi.
Ông Phạm Văn Nguyện đã phá bỏ vườn chè ô long để trồng rau màu nhưng đang lo lắng không biết kết quả thế nào vì chưa có kinh nghiệm
Trong khi đó, thấy giá quá rẻ, nông dân Phạm Văn Nguyện (40 tuổi, xã Lộc Tân, H.Bảo Lâm) đã phá bỏ vườn chè ô long 2.500 m2 khoảng 10 năm tuổi của mình để chuyển sang trồng rau màu. “Giá chè hiện chỉ có 14.000 - 15.000 đồng/kg, nếu trừ công hái hết 4.000 đồng/kg thì chỉ có lỗ nặng, làm sao theo được.
Phá vườn chè tôi cũng tiếc dứt ruột nhưng không biết làm sao, trong khi chuyển qua trồng cây khác tôi chưa có kinh nghiệm nên không biết nó sẽ có kết quả như thế nào”, ông Nguyện tâm sự.
Còn ông Trần Văn Phi có 5 ha chè ô long ở H.Bảo Lâm thổ lộ: “5 ha chè ô long của tôi hái 1 đợt đạt 13 - 15 tấn và từ đầu năm đến nay tôi hái được 4 lứa, nhưng các công ty thu mua đều để nợ cả, khoảng hơn 1 tỉ đồng.
Nếu tình hình này kéo dài chừng 2 đợt nữa (khoảng 4 tháng), tôi nghĩ chắc sẽ có nhiều nông dân phá bỏ vườn chè để trồng cây khác”.
Xuất khẩu...
ký gửi
Bà Lê Thị Thanh Định, Phó giám đốc Công ty TNHH Fusheng (100% vốn Đài Loan, có trụ sở tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết công ty đang tồn kho đến 70 tấn, trong khi vẫn tiếp tục thu mua chè cho nông dân nên hiện mắc nợ nông dân khoảng 4 - 5 tỉ đồng.
“Để giải quyết khó khăn, không có cách nào khác, chúng tôi đã “năn nỉ” một khách hàng lâu năm ở Đài Loan để xuất khẩu theo dạng ký gửi để nhờ họ bán giúp chứ chưa biết giá cả bao nhiêu.
Hy vọng vào mùa thu khí hậu mát mẻ, người tiêu dùng sẽ uống trà nhiều hơn, mong rằng họ bán được chè cho mình…”, bà Định nói.
Ông Trần Ngọc Thuần, Tổng giám đốc Tổng công ty trà và cà phê Tâm Châu (TP.Bảo Lộc), nhìn nhận: “Mấu chốt của việc không xuất khẩu được là do phía Đài Loan nâng tiêu chuẩn chất lượng quá khắt khe (dư lượng fipronil cho phép chỉ 0,001 ppm, gần như bằng 0).
Hơn nữa, mức dư lượng này chúng tôi chỉ nghe người Đài Loan nói vậy chứ chưa thấy có văn bản chính thức nào từ cơ quan chức năng Đài Loan cả”.
Cũng theo ông Thuần, vùng chè nguyên liệu của công ty có khoảng 100 ha, bình quân hằng năm bán cho các công ty Đài Loan 50 - 60 tấn chè thành phẩm, nhưng từ đầu năm đến nay mới bán có 10 tấn.
“Không phải bán không được, nhưng họ mua với giá quá rẻ nên mình không bán.
Đoán trước tình hình này, mấy năm qua công ty chú trọng tiêu thụ nội địa và đạt kết quả 50 - 60 tấn chè thành phẩm/năm.
Định hướng sắp đến công ty sẽ đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước chứ không chú trọng lắm đến xuất khẩu, bởi khi họ có thị trường thì họ mua, còn ngược lại thì mình gánh hết”, ông Thuần nói.
Hôm nay họp tìm giải pháp
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nay ngành chè Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu chè thương phẩm do một số quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước tình hình này tỉnh đã có công văn gửi Hiệp hội Chè Việt Nam đề nghị chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới (có hàng rào kỹ thuật phù hợp) để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm chè.
Cũng theo ông Phạm S, hôm nay (3.11), tỉnh mời tất cả các doanh nghiệp chè ô long trên địa bàn cùng các cơ quan chức năng có liên quan họp bàn để đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chè.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao