Mô hình kinh tế Ðể Nông Nghiệp Phát Huy Vai Trò Trụ Đỡ Nền Kinh Tế

Ðể Nông Nghiệp Phát Huy Vai Trò Trụ Đỡ Nền Kinh Tế

Publish date Friday. June 28th, 2013

Ðể Nông Nghiệp Phát Huy Vai Trò Trụ Đỡ Nền Kinh Tế

Trong hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 tại hội trường của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế liên tiếp gặp khó khăn, nông nghiệp đang giữ vai trò quan trọng, góp phần "cứu" tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực này thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của toàn ngành.

Ðầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Ðáng đã nêu ý kiến hết sức tâm huyết, xác đáng và gây xúc động: "Nếu trong tình hình khó khăn này mà lương thực khan hiếm, mất mùa, đói kém thì đất nước và xã hội sẽ rơi vào tình trạng phức tạp như thế nào? Nông dân Việt Nam làm ra đủ loại nông sản, chẳng những nuôi sống toàn dân tộc mà còn dư để xuất khẩu.

Nhưng họ, những người sản xuất chân chất đó chưa từng đóng góp một đồng nào vào "khối u" nợ xấu ngân hàng hay hàng tồn kho. Một lần nữa trong lịch sử dân tộc, khi đất nước khó khăn nông dân lại âm thầm làm chỗ dựa vững chắc cho đất nước, cho cách mạng. Ơn nghĩa đó phải được đền đáp xứng đáng vì đó là đạo lý cao nhất. Tái cơ cấu đầu tư và đầu tư công cần thấm nhuần đạo lý đó. Ngành ngân hàng càng không nên quên đạo lý đó". Thực tế, tính trên các mặt cụ thể như xuất khẩu, giá cả, lao động việc làm, ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Tính riêng năm 2012, có bảy trong tổng số 21 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, trong đó gạo, thủy sản, cà-phê... là những mặt hàng xuất khẩu chiếm vị trí hàng đầu thế giới. Ngoài ra, chỉ tính mười tháng đầu năm, xuất siêu của toàn ngành đạt mức 8,74 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại, kiềm chế nhập siêu của cả nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp, nhà máy công nghiệp, dịch vụ thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công thì nông nghiệp lại trở thành điểm trở về cho những lao động thất nghiệp, giảm sức ép về công ăn việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Sự tăng trưởng của nông nghiệp thời gian qua là không thể phủ nhận. Nhưng, theo đại biểu Quốc hội tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Hữu Ðức: Không thể chỉ đánh giá tăng trưởng nông nghiệp qua quy mô sản xuất, kim ngạch xuất khẩu mà phải hướng đến lợi nhuận của người nông dân qua từng mùa vụ. Ðiều này, hiện chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Trong chuyến công tác tại Cần Thơ, chúng tôi đến tận ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ khảo sát về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa trên địa bàn và tính mức lợi nhuận người trồng lúa thu được. Thực tế hiện nay toàn huyện mới có hơn 120 máy gặt đập liên hợp và 182 lò sấy. Vào thời điểm thu hoạch rộ lúa thì số máy đó không đủ bảo đảm phục vụ nông dân trong vùng.

Chính vì thế, chất lượng lúa thu hoạch không đồng đều, kéo theo giá thu mua bị hạ thấp. Cũng tại đây, anh Nguyễn Việt Quân cho hay: Vụ hè thu vừa qua, nhà anh có 2,4 ha lúa, với giá bán 4.400 đồng/kg lúa tươi, năng suất 5,2 tấn/ha, trừ chi phí sản xuất, lời lãi là không đáng kể. Không chỉ lúa gạo, tôm sú và cá tra - hai mặt hàng chủ lực của xuất khẩu thủy sản, hằng năm đem về cho đất nước hàng tỷ USD nhưng người nông dân vẫn chưa được hưởng thành quả xứng đáng. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay giá cá tra thành phẩm từ 24 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/kg, nhưng giá thu mua của các doanh nghiệp chỉ ở mức 20 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ dân thua lỗ nặng đã buộc phải "treo ao", đồng thời gánh thêm hàng trăm triệu đồng nợ ngân hàng. Trong một lần trao đổi ý kiến với chúng tôi,

Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long Lê Văn Bảnh cho rằng: Nước ta xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới trong nhiều năm nay nhưng người dân trồng lúa lại không giàu thứ hai thế giới. Ngược lại, họ là nhóm đối tượng có thu nhập thấp nhất xã hội. Trên đầm cá, đìa tôm, nông dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt nhưng giá sản phẩm vẫn thấp, thậm chí không bằng giá thành sản xuất. Vì vậy, nông nghiệp dù đang phát huy vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế nhưng những người trực tiếp sản xuất lại chưa được hưởng lợi từ những giá trị ấy.

Nguyên nhân do hao hụt sau thu hoạch vẫn ở mức cao, trong khi đầu ra cho sản phẩm còn hết sức bấp bênh. Chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm vẫn chỉ là mong mỏi chứ chưa được thực hiện một cách hiệu quả trong các ngành hàng. Sâu xa hơn, do mức đầu tư cho nông nghiệp còn rất hạn chế, đầu tư trực tiếp cho nông dân lại càng thấp, phần lớn là "tự thân vận động" cho nên khó có thể đầu tư sản xuất lớn và tạo ra lợi nhuận cao.  

Cần tăng vốn và tính khả thi trong chính sách

Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân là vấn đề được quan tâm nhất trong ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần này. Ðại biểu tỉnh Quảng Bình Hoàng Ðăng Quang phân tích: "Khi kinh tế đất nước khó khăn, nông nghiệp là trụ đỡ, song đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn thấp. Nhiều năm liền nông nghiệp liên tục tăng trưởng giảm.

Giai đoạn 1995 - 2005, nông nghiệp tăng trưởng 4%, đến nay giảm xuống chỉ còn khoảng 2,48%. Với tiến độ như vậy, dự báo đến năm 2020, nông nghiệp đất nước sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Vì vậy, cần có một chiến lược đầu tư dài hạn, năm sau cao hơn năm trước và phải cân đối giữa các vùng miền".

Thực tế, trong giai đoạn 2006 - 2011, mức đầu tư của Nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân mới chỉ đáp ứng khoảng 55 đến 60% yêu cầu vốn cho phát triển. Số vốn tín dụng Nhà nước đã đầu tư cho tam nông cũng mới đạt gần 25% tổng số vốn tín dụng đầu tư cho nền kinh tế. Nguồn vốn ít, chính sách để đưa vốn đến với nông nghiệp, nông thôn lại vừa thiếu vừa thừa, khó áp dụng vào thực tế cuộc sống, một lần nữa lại là lực cản cho phát triển nông nghiệp.

Ở Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh tôm sú đã gây thiệt hại cho nông dân hơn 4.000 tỷ đồng, kéo theo nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu. Nhưng những người nuôi tôm lại hoàn toàn không nằm trong diện được hưởng cơ chế ưu đãi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1149, ngày 8-8-2012, về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản. Trong khi đó, mặt hàng cá tra dù có tên trong danh sách được hưởng vốn vay ưu đãi nhưng do chủ trương triển khai chậm và ràng buộc các điều kiện về thế chấp tài sản, cho nên doanh nghiệp và nông dân không thể tiếp cận được nguồn vốn.

Mặt hàng lúa gạo cũng không phải là ngoại lệ. Vụ lúa hè thu năm 2012, khi Chính phủ chưa có chính sách thu mua tạm trữ, nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải bấm bụng bán giá thấp để lo nhiều khoản chi tiêu hằng ngày. Khi Chính phủ có chính sách tạm trữ, giá lúa tăng thì gần như nông dân đã bán hết lúa. Chính sách đến chậm, vô tình chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp mua dự trữ hoặc doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm cho rằng: Rõ ràng, tôm sú, cá tra, lúa gạo là ba mặt hàng chiến lược của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại đang có nguy cơ tụt hậu, thụt lùi bởi sản xuất doanh nghiệp trong vùng bị "teo tóp", nội lực sản xuất của người dân đã giảm sút. Chính vì vậy, cần có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng cường vốn đầu tư. Ðáng chú ý, cần làm thế nào đưa các chính sách ưu đãi về vốn đến nhanh với nông dân và doanh nghiệp mà không bị các rào cản kỹ thuật từ phía ngân hàng làm khó dễ.

Bên cạnh sự bất cập của chính sách đầu tư, việc phân bổ đầu tư cũng còn dàn trải, kéo dài thời gian, không hiệu quả, dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí. Nhiều chương trình đầu tư chưa phù hợp với vùng miền, cho nên cũng không phát huy tác dụng. Ví như tại các tỉnh miền núi phía bắc, mặc dù Chính phủ đã có Quyết định 102/2009/QÐ-TTg về trợ giá nhưng do địa hình chia cắt cho nên việc vận chuyển giống mới về các địa bàn vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn, giá thành tăng cao, mức trợ giá không đủ cho nên đồng bào không được hưởng lợi là bao.

Như vậy, trong nông nghiệp hiện nay vừa thiếu nguồn vốn đầu tư, vừa thiếu các chính sách có khả năng áp dụng vào thực tế một cách linh hoạt và hiệu quả. Vì vậy, tái cấu trúc đầu tư cho nông nghiệp không chỉ là tăng nguồn vốn mà còn cần xem xét việc ban hành các chính sách về thuế, vốn vay, ưu đãi lãi suất, bảo hiểm nông nghiệp với những điều kiện hợp lý, triển khai dễ dàng, thuận lợi. Trong cơ cấu đầu tư cần quan tâm cơ giới hóa, bảo quản, chế biến, giảm thất thoát sau thu hoạch để gia tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, chuyển một nền nông nghiệp từ giá trị gia tăng thấp, khai thác tài nguyên sẵn có sang giá trị gia tăng cao, đem lại thu nhập ổn định và ngày càng cao cho nông dân.


Cây Lúa Lai Trên Đất Mường Ảng Cây Lúa Lai Trên Đất Mường Ảng Hiệu Quả Ở Một Chi Hội Nghề Nghiệp Hiệu Quả Ở Một Chi Hội Nghề Nghiệp