Tin thủy sản EU sẽ thanh tra toàn diện vấn đề an toàn thực phẩm thủy sản nuôi Việt Nam

EU sẽ thanh tra toàn diện vấn đề an toàn thực phẩm thủy sản nuôi Việt Nam

Author Sơn Trang, publish date Wednesday. August 10th, 2016

EU sẽ thanh tra toàn diện vấn đề an toàn thực phẩm thủy sản nuôi Việt Nam

Từ năm 2014 đến nay, EU đã 2 lần gửi công thư tới cơ quan thẩm quyền của Việt Nam để cảnh báo về tình hình ATTP ở thủy sản có nguồn gốc từ Việt Nam.

Cụ thể, ngày 9/12/2014, Tổng vụ Sức khỏe và ATTP (DG SANTE) của Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư gửi cơ quan thẩm quyền Việt Nam thông báo rằng trong năm 2014, đã có tới 48 lô thủy sản của 16 doanh nghiệp Việt Nam bị EU cảnh báo về hóa chất, kháng sinh.

Với số lô hàng bị cảnh báo cao như vậy, DG SANTE khẳng định đây là vấn đề rất nghiêm trọng liên quan đến hệ thống kiểm soát ATTP của Việt Nam, và yêu cầu Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) nhanh chóng điều tra nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả.

Tháng 1/2015, NAFIQAD đã có công thư gửi DG SANTE, cung cấp nguyên nhân các lô hàng vi phạm các quy định về hóa chất, kháng sinh và thông báo các biện pháp cấp bách do Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị trực thuộc thực hiện để kiểm soát tình hình. Nhờ đó, DG SANTE đã chưa thực hiện các biện pháp khẩn cấp đối với thực phẩm thủy sản NK từ Việt Nam.

Nhờ đó, trong mấy năm qua, tình hình ATTP trong thủy sản XK sang EU đã có nhiều cải thiện. Nếu như trong năm 2014, có 91 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo ATTP ở EU, thì sang năm 2015 chỉ còn 47 lô và 6 tháng đầu năm 2016 là 13 lô.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền EU vẫn tỏ ra quan ngại với ATTP thủy sản Việt Nam, nhất là dư lượng hóa chất, kháng sinh. Bởi trong 6 tháng đầu năm nay, tuy chỉ có 6 lô hàng thủy sản bị EU cảnh báo hóa chất, kháng sinh, nhưng về tỷ lệ thì chiếm tới gần 50% tổng số lô hàng thủy sản bị cảnh báo ATTP ở thị trường này. Đây là một con số đáng lo ngại, vì trong năm 2015, tỷ lệ lô hàng thủy sản bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh ở EU đã giảm mạnh xuống còn 29% so với mức 54,9% của năm 2014.

Đó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho vào tháng 5 vừa rồi, DG SANTE lại có công thư gửi NAFIQAD, cảnh báo rằng biện pháp kiểm soát hóa chất, kháng sinh của Việt Nam vẫn chưa thực sự có hiệu quả, chưa kiểm soát tốt việc phân phối và sử dụng thuốc thú y, không tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc, không kiểm soát tốt việc sử dụng hóa chất cấm.

Cũng trong công thư này, DG SANTE đã yêu cầu Việt Nam phải thực hiện ngay những biện pháp cần thiết để đảm bảo ATTP các lô hàng thủy sản XK sang EU và cảnh báo sẽ đưa ra khỏi danh sách được phép XK vào EU cơ sở chế biến có lô hàng thủy sản bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh cấm.

Theo ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng NAFIQAD, EU đang tăng cường kiểm soát thủy sản NK từ Việt Nam. Đặc biệt, thông tin từ DG SANTE cho hay, trong năm 2017, EU sẽ tiến hành thanh tra toàn diện và tổng thể hệ thống kiểm soát dư lượng chất độc hại trong thủy sản nuôi ở Việt Nam.


Chế biến tôm xuất khẩu

Theo đó, tất cả các khâu liên quan đến ATTP trong nuôi thủy sản đều được thanh tra, từ cấp phép cho lưu hành thức ăn thủy sản, thuốc thú y, sản phẩm phục vụ nuôi thủy sản, sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi…, tới việc đảm bảo ATTP trong quá trình chế biến ở các nhà máy.

Trước tình hình đó, NAFIQAD đã đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét ban hành quyết định ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản sản xuất từ các cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo hóa chất, kháng sinh.

Việc cấp chứng thư sẽ được thực hiện trở lại khi doanh nghiệp có báo cáo điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục được thẩm tra phù hợp. Các cơ quan có liên quan thuộc Bộ NN-PTNT, chính quyền các tỉnh, TP cần triển khai quyết liệt hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi thủy sản…

Ông Ngô Hồng Phong cho rằng các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc tự kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong các lô hàng thủy sản XK.


Loạn thị trường thuốc thú y thủy sản ai bồi thường cho nông dân? Loạn thị trường thuốc thú y thủy sản… 70% cá rô phi bố mẹ đang thoái hóa 70% cá rô phi bố mẹ đang thoái…