Mô hình kinh tế FTA Việt Nam - Hàn Quốc cơ hội đã đến cho thủy sản Việt Nam

FTA Việt Nam - Hàn Quốc cơ hội đã đến cho thủy sản Việt Nam

Publish date Wednesday. May 13th, 2015

FTA Việt Nam - Hàn Quốc cơ hội đã đến cho thủy sản Việt Nam

Sau hơn 2 năm với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất toàn bộ nội dung Hiệp định VKFTA. Với những nội dung đã được thỏa thuận, Hiệp định này sẽ mang đến những tác động tích cực cho các DN XK thủy sản Việt Nam, nhất là XK tôm và mực, bạch tuộc.

Theo thỏa thuận, Hàn Quốc cam kết tự do hóa cho 97,2% tổng giá trị hàng nhập từ Việt Nam. Theo đó, phía Hàn Quốc sẽ cắt giảm thuế đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... Điều đáng nói là số dòng thuế Hàn Quốc cắt giảm cho Việt Nam lên tới 95,4% số dòng thuế, nhiều hơn số dòng thuế họ cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam (như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) khoảng 5%, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh, khả năng thâm nhập của hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc.

Năm 2014, Hàn Quốc là thị trường XK lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam với giá trị đạt 662,8 triệu USD, tăng 27,2% so với năm 2013. Ba tháng đầu năm 2015, Hàn Quốc đứng 5 (sau Mỹ; EU, Nhật Bản, Trung Quốc - HongKong) trong tổng thị trường XK quan trọng nhất với giá trị đạt 119,6 triệu USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, đây là thị trường XK ổn định và giàu tiềm năng của DN XK tôm, mực, bạch tuộc.

Ba tháng đầu năm 2015, mặc dù giá trị XK tôm sang Hàn Quốc giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2014 tương đương 51,33 triệu USD. Tuy nhiên, những lợi ích mà VKFTA sẽ đem lại trong những năm tới hứa hẹn XK sang thị trường này sẽ có nhiều tích cực hơn. Hiện nay, Việt Nam cũng đang là nguồn cung lớn nhất tôm tại Hàn Quốc chiếm gần 46% tổng giá trị NK của nước này, tiếp đó là Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh.

Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), hiện nay, giá tôm tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao hơn so với giá NK trung bình của Hàn Quốc, đồng thời cao hơn so với giá tôm của Ấn Độ, Bangladesh khoảng 1 USD/kg, cao hơn giá tôm của Indonesia từ 1,5-2 USD/kg và cao hơn giá tôm Trung Quốc 4-5 USD/kg. Sau FTA được ký kết, mức thuế suất ưu đãi tại thị trường Hàn Quốc sẽ giúp tăng sức cạnh tranh và giá bán của sản phẩm tôm tại nước này.

Theo VKFTA vừa mới được ký, Hàn Quốc cam kết sẽ miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên đến mức 15.000 tấn/năm. Không chỉ giảm thuế, cam kết còn giảm thiểu các hàng rào phi thuế, các yêu cầu về kỹ thuật... mà nhiều DN còn lo ngại hơn cả thuế. Đây là cơ hội tốt để các DN tôm đẩy mạnh XK hơn nữa vào thị trường này.

Hiện nay, Hàn Quốc đang là thị trường XK hàng đầu của mực, bạch tuộc Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/2015, Hàn Quốc chiếm đến 41,2%  XK mực, bạch tuộc của Việt Nam, tương đương 35,8 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động XK ảm đạm tại thị trường Nhật Bản và EU đang khiến các DN đẩy mạnh sang thị trường này. Nhu cầu NK bạch tuộc đông lạnh, khô muối hoặc ngâm nước muối gia tăng trong 2 năm trở lại đây và đầu năm 2015 đang là cơ hội cho DN Việt Nam tại thị trường này.

Trung Quốc và Việt Nam đang giành giật thị phần mực, bạch tuộc của Hàn Quốc, trong đó cả hai đều tập trung vào sản phẩm bạch tuộc đông lạnh. Tuy nhiên, do khó khăn hơn về nguồn nguyên liệu nên dù mức bảo hộ từ sản phẩm NK Việt Nam chỉ từ 0-5% còn với Trung Quốc là 10-15% nhưng DN Trung Quốc vẫn đang thắng thế nhờ nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh.

Thuế suất ưu đãi, sự minh bạch về hàng rào phi kỹ thuật dễ chịu hơn, các DN XK thủy sản Việt Nam đang và sẽ có nhiều lợi thế hơn nữa so với các đối thủ cạnh tranh lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Peru… Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, “cánh cửa” vào thị trường Hàn Quốc đã rộng mở hơn cho các DN Việt Nam nhưng trong thời gian tới những đòi hỏi khắt khe hơn về ATTP buộc cả Nhà nước và DN phải nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát dư lượng kháng sinh và đổi mới hơn hoạt động kinh doanh. Như các DN Trung Quốc, dù không có được lợi thế về thuế suất nhưng họ vẫn có nhiều cách để “làm chủ” thị trường.


Giá tôm Thái Lan và Mexico giảm thấp hơn chi phí sản xuất Giá tôm Thái Lan và Mexico giảm thấp… Giá tôm Mỹ chạm đáy, người mua vẫn thờ ơ Giá tôm Mỹ chạm đáy, người mua vẫn…