Gạo Campuchia đối thủ mới nổi của gạo Việt
Thêm đối thủ
Theo ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II), năm nay, Việt Nam dự báo sẽ đứng hàng thứ 4 thế giới về sản xuất lúa gạo, sau Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan. Ngoài các “đối thủ” truyền thống này, điều đáng lo ngại là gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mới nổi, trong đó có gạo Campuchia.
Thông tin từ trang tin chuyên về lúa gạo Oryza.com, một phái đoàn thương mại Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Thương mại nước này dẫn đầu sẽ thăm và làm việc với Chính phủ và doanh nghiệp Campuchia, thảo luận về việc tăng cường hợp tác xuất nhập khẩu gạo giữa hai nước. Theo đó, Campuchia sẽ đưa ra các thỏa thuận để có thể tăng mức hạn ngạch xuất khẩu gạo vào Trung Quốc trong năm nay và những năm tới. Chính phủ nước này cũng hy vọng xuất khẩu vào Trung Quốc khoảng 200.000 tấn gạo từ tháng 5 năm nay đến tháng 4.2016, tăng hơn 100.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tại các thị trường truyền thống khác, gạo trắng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt. Ông Huỳnh Thế Năng ước tính, trong năm 2014, nếu nhu cầu gạo của thị trường châu Phi khoảng 14 triệu tấn, thì thị phần của Việt Nam chỉ còn khoảng 900.000 tấn, giảm 60% so với năm 2013. Lý do giảm bên cạnh việc Thái Lan xả gạo tồn kho, còn là do tính cạnh tranh của gạo Việt thua xa so với các đối thủ. Về giá, mặc dù gạo của Pakistan, Ấn Độ cao hơn Việt Nam 15 – 20 USD/tấn cho cùng loại gạo, nhưng quãng đường vận chuyển từ hai nước này tới châu Phi lại gần hơn Việt Nam.
“Hơn nữa, các nước châu Phi đã không “ăn” gạo IR 50404. Thay vào đó, họ chuộng giống IR 64 nhưng từ 2008 đến nay, giống lúa này hoàn toàn biến mất khỏi ĐBSCL, các giống lúa tương tự cũng không có” - ông Năng phân tích.
Phải tổ chức lại sản xuất
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Campuchia năm nay sẽ sản xuất khoảng 4,7 triệu tấn gạo trắng các loại, xuất khẩu ước khoảng 1,1 triệu tấn, tăng cao so với mức 387.000 tấn trong năm 2014, trở thành đối thủ mới của các nước xuất khẩu gạo.
Trong 4 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu của Campuchia cũng đã đạt hơn 201.000 tấn các loại, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc - vốn là thị trường truyền thống của Việt Nam chiếm hơn 33% tổng số gạo xuất khẩu của Campuchia.
Chính vì thế, theo ông Huỳnh Thế Năng, trước hết phải tổ chức sản xuất lại sản xuất từ khâu giống. Theo đó, phải nâng tỷ lệ nông dân sử dụng giống xác nhận lên mức 70 – 80%. Đồng thời, phải tổ chức lại hệ thống canh tác, giúp nông dân sản xuất theo các biện pháp kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm nhằm tăng chất lượng gạo, giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương, thủy lợi ở các tỉnh vùng ĐBSCL hiện cũng cần được cải tạo, mở rộng, phục vụ việc vận chuyển lúa gạo với số lượng lớn.
Một vấn đề nữa là, Việt Nam cần nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng xuất khẩu gạo trắng, không thương hiệu. Vấn đề này mới đây cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, sẽ có 3 loại gạo đặc sản tại vùng ĐBSCL gồm giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản được chọn để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương, hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao