Giá Cả Thanh Long Và Vấn Đề Quy Hoạch
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua việc sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong năm 2013 và đầu năm 2014, giá cả thanh long tăng cả chính vụ và trái vụ (giá bình quân chính vụ năm 2013 là 13.273 đồng/kg, trái vụ 17.210 đồng/kg).
Đến đầu năm 2014, giá thanh long tiếp tục tăng có lúc lên đến 27.000 đồng - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì mỗi ha thanh long lãi từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Đây cũng là lý do khiến diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.
Thời gian gần đây, khi thanh long Bình Thuận bắt đầu bước vào chính vụ, cũng là thời điểm vào mùa trái cây rộ tại các vùng trong và ngoài nước vào mùa thu hoạch. Cộng thêm những biến động của thị trường, khiến giá bán thanh long xuống thấp đột ngột. Theo ghi nhận của chúng tôi, thanh long bán “xô” tại vườn hiện chỉ còn 5.000 – 7.000 đồng/kg.
Do đang vào thời điểm thanh long chính vụ, giá thanh long lại quá thấp, nên hầu hết bà con đã vặt bỏ bông, trái non để dưỡng cành sau một thời gian dài chong điện. Mặt khác, thay vì việc mở rộng diện tích thanh long ồ ạt như trước đây, không ít hộ đã tạm dừng hoặc cân nhắc trước khi quyết định đầu tư xuống trụ để tránh rủi ro.
Rõ ràng, khi thanh long mang lại lợi nhuận cao cho người trồng, việc nhân rộng diện tích như một quy luật tất yếu. Ngược lại, khi giá thanh long hạ thấp, không mang lại lợi nhuận, họ sẽ tự nhận thức để chuyển đổi và không phát triển thêm diện tích...
Về phía ngành nông nghiệp tỉnh, mục tiêu đến năm 2020, diện tích thanh long ổn định 25.000 ha, 90% diện tích thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng ổn định từ 700.000 - 750.000 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long đến năm 2015 đạt 56 triệu USD/năm và đến năm 2020 đạt 100 triệu USD/năm. Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển thanh long theo hướng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại phục vụ tốt cho việc mở rộng thị trường cả trong nước và xuất khẩu...
Trong đó, cần quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch vùng trồng thanh long. Kiên quyết không cho phát triển thanh long trên đất lúa 2 - 3 vụ. Ngoài ra, cần phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm bằng cách tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, nhất là với các đối tượng mua bán trung gian (đầu nậu) để lập lại trật tự trong mua bán thanh long.
Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kho bảo quản dự trữ thanh long tại cửa khẩu và từng cơ sở kinh doanh, nhằm điều tiết sản lượng thanh long cung cấp ra thị trường khi thu hoạch rộ. Mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, việc tiêu thụ thanh long của tỉnh chủ yếu theo phương thức biên mậu với Trung Quốc nên rất bấp bênh, không có ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, nguy cơ rủi ro cao...
Vì vậy, tại hội nghị về “Sản xuất và phát triển thị trường thanh long bền vững” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ở Bình Thuận mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT làm việc Bộ Công Thương quan tâm giúp tỉnh Bình Thuận giới thiệu các doanh nghiệp phía nhập khẩu để ký kết hợp đồng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, nhằm giảm rủi ro. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long...
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao