Giá cá tra nửa đầu năm 2019: Xu hướng suy yếu dần sau 1 năm tăng nóng
Hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đang xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Tại Hậu Giang, nhiều xã viên tại hợp tác xã Thủy sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy) cho biết, giá cá tra bất ngờ tuột dốc, giá giảm mạnh nhưng doanh nghiệp và thương lái không thu mua.
Theo Giám đốc hợp tác Thủy sản Đại Thắng, thương lái hỏi mua cá nguyên liệu chỉ với giá 19.000 đồng/kg, nếu đồng ý bán theo giá này, hợp tác xã chỉ có lỗ. Hiện hợp tác xã còn khoảng 100 tấn cá tra, trong đó cá trên 1 kg/con còn nhiều; cá khoảng 800-900 g/con đang bị xã viên bỏ đói vì sợ cho ăn tốn tiền mà không bán được.
Một hộ gia đình có 2 ao nuôi tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chia sẻ, gia đình vừa bán 275 tấn cá tra. Trong khi giá thành nuôi cá tra khoảng 22.000 đồng/kg, thì nay gia đình bán cho công ty giá 20.000 đồng/kg để cắt lỗ vì nếu để cá trong ao thì tốn thêm tiền thức ăn, vì vậy mà gia đình lỗ gần 600 triệu đồng. Tuy nhiên, mặc dù thua lỗ, nhưng gia đình đang chuẩn bị thả nuôi vụ mới vì giá con giống đang rất rẻ và hy vọng đến vụ thu hoạch tới giá cá tăng trở lại, cộng với giá thành thấp sẽ gỡ lại phần lỗ 600 triệu đồng.
Cũng theo một hộ gia đình nuôi cá tra ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho hay, hiện một số doanh nghiệp chấp nhận mua cá tra tại ao với giá khoảng 19.500 đồng/kg, kèm điều kiện 20 ngày sau mới trả tiền. Riêng những hộ nuôi cá nhỏ lẻ bị ép giá còn khoảng 18.000 đồng/kg. So với giá thành sản xuất khoảng 27.000 - 28.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Lý do là lúc thả nuôi thì cá giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc trị bệnh cho cá đều tăng khá cao; hộ nào nuôi khéo lắm hoặc ít hao hụt thì cũng lỗ dưới 4.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra đang hết sức khó. Nguyên nhân là do hiệu quả kinh tế của ngành hàng trong 2 năm 2017-2018 khá cao, người dân ồ ạt đào ao thả cá, các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng vùng nuôi. Trong khi đó, một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Myanmar và cả Trung Quốc đã bắt đầu nuôi cá tra. Dự kiến trong năm 2019, tổng sản lượng cá tra nguyên liệu của những nước này đạt khoảng 1,3-1,4 triệu tấn, tương đương với Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết tiêu thụ cá tra tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc đang giảm sâu do thuế chống phá giá hoặc các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu chính ngạch dẫn đến tình trạng ứ đọng nguồn cung. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết đều có vùng nuôi riêng hoặc liên kết với các hợp tác xã thì những doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ dân nuôi bên ngoài đang có cá tra đến đợt thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn do giá cá đã rớt xuống chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân đang kêu bán với giá chỉ 18.000 - 18.500 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa chịu mua.
Đặc thù của cá tra là càng quá lứa (vượt kích cỡ) càng khó bán hoặc bán với giá rất rẻ, người nuôi khi đó càng lỗ nặng. Do đó, Hiệp hội Cá tra đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Tổng cục Thủy sản đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các thị trường truyền thống là Mỹ, Trung Quốc, đồng thời tìm cách tháo gỡ khó khăn để dòng hàng xuất khẩu cá tra khởi động trở lại.
Bên cạnh đó, hiệp hội đề xuất Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương khảo sát lại diện tích thả nuôi. Các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài phải cùng doanh nghiệp xuất khẩu làm việc với các đối tác để có phương án gỡ vướng phù hợp. Được biết, Bộ NN-PTNT đã làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ một số vướng mắc nhưng chỉ mới trên lý thuyết, thực tế xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn chưa thông. Cùng với đó, các ngân hàng nên kéo dài hạn mức tín dụng trung hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu mua hết lượng cá tồn trong dân.
Theo Bộ (NN-PTNT, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong nửa đầu năm 2019 có xu hướng suy yếu dần sau một năm liên tục tăng nóng: giảm gần 16.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018, giảm gần 10.000 đồng/kg so với đầu năm nay và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua.
Giá cá tra xuống thấp nhưng sản lượng vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi cá tra đạt 3.934 ha (tăng 8,9%), sản lượng ước đạt 644.600 tấn (tăng 7,7%) so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn: Đồng Tháp ước đạt 204.900 tấn (tăng 6,4%), An Giang 175.400 tấn (tăng 13%), Cần Thơ 87.900 tấn (tăng 7,5%).
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao