Giá đường Trung Quốc bình ổn trong đại dịch COVID-19
Vượt qua đợt hạn hán mùa thu 2019, ngành đường Trung Quốc đang dần hồi phục nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, giúp giá mía ổn định và nông dân giữ được lợi nhuận dù diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp.
Chính phủ tích cực hỗ trợ ngành đường
Niên vụ 2020/21, lượng đường mía sản xuất tại Trung Quốc dự đoán đạt 9,3 triệu tấn, tăng 450.000 tấn so với niên vụ trước do không còn hạn hán và giá mía ổn định.
Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, ngành đường có thể đối phó với sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ do dịch COVID-19.
Tháng 4/2020, Chính phủ tỉnh Quảng Tây – nơi sản xuất 70% sản lượng đường mía tại Trung Quốc, công bố kế hoạch hoạt động ba năm nhằm hiện đại hóa ngành công nghiệp đường địa phương.
Dự kiến, Quảng Tây sẽ tăng năng suất lên 5 tấn mía/mu (1mu = 0,067ha) bằng cách cơ giới hóa ít nhất hai phần ba các hoạt động trồng và thu hoạch.
Đồng thời, kế hoạch cũng bao gồm việc hỗ trợ nông dân 24 USD để trồng mía và khoảng 48 USD khi thu hoạch. Chính quyền tỉnh Quảng Tây tiếp tục khuyến khích hợp đồng canh tác – dựa vào thị trường để sản xuất đường hiệu quả.
Trong niên vụ 2019/2020, sản xuất đường mía đạt 8,8 triệu tấn, giảm gần 700.000 tấn so với số liệu dự đoán chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Sự sụt giảm này bắt nguồn từ đợt hạn hán mùa thu 2019, tại hai tỉnh có số lượng đường mía lớn nhất Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam (chiếm hơn 90%).
Giá đường mía bình ổn trong đại dịch COVID-19, phần lớn là do giá mua mía được định trước giữa nông dân và các nhà máy. Điều này khiến nhiều nông dân cho rằng cây mía có thể bảo đảm nguồn thu nhập ổn định.
Để hòa vốn trong điều kiện thị trường hiện nay, các nhà máy cần bán đường tinh luyện với giá 762 USD - 790 USD để bù đắp cho chi phí sản xuất và quản lí, tương đương với giá mua mía khoảng 69 - 73 USD.
Trong niên vụ 2019/2020, giá đường mía tại Trung Quốc được dự đoán đạt trên điểm hòa vốn, cho phép ngành công nghiệp xay xát tại Quảng Tây giữ được lợi nhuận.
Niên vụ 2020/2021, lượng đường từ củ cải dự đoán đạt 1,45 triệu tấn, tăng 50.000 tấn so với niên vụ trước, dựa trên kì vọng các điều kiện giá cả thuận lợi khiến nông dân mở rộng diện tích canh tác mới tại khu tự trị Nội Mông, vượt qua Tân Cương để trở thành vùng sản xuất củ cải đường lớn nhất quốc gia.
Khác với các vùng trồng mía ở miền Nam, vùng trồng củ cải đường phía Bắc Trung Quốc thích hợp với canh tác qui mô lớn, mức cơ giới hóa cao giúp giảm chi phí lao động. Điều này cho thấy ngành công nghiệp đường từ củ cải mang lại lợi nhuận cao hơn, thúc đẩy mở rộng sản xuất.
Sản lượng đường củ cải niên vụ 2019/2020 ước tính đạt 1,4 triệu tấn, gồm khu Nội Mông 720.000 tấn và Tân Cương khoảng 580.000 tấn, theo Hiệp hội đường Trung Quốc.
Giá mua của cải đường được định trước trong hợp đồng giữa các nhà máy đường tư nhân và nông dân. Trong niên vụ 2020/2021, giá mua trung bình ước tính theo khu vực dự kiến tăng nhẹ hoặc ổn định.
Nhìn chung tổng sản lượng đường trong niên vụ 2020/2021 dự đoán đạt 10,7 triệu tấn, tăng 500.000 tấn, do khôi phục trong sản xuất đường mía tại miền Nam Trung Quốc và gia tăng sản xuất đường củ cải tại miền bắc.
Tuy nhiên khó có thể dự đoán được giá đường trong năm nay do tiêu thụ trong nước không ổn định, dịch COVID-19 khiến giá đường giảm, tình hình cung cầu đường tại Brazil và Ấn Độ cũng như thay đổi giá dầu có thể ảnh hưởng tới giá đường Trung Quốc.
Nhu cầu đường có thể giảm nếu dịch bệnh kéo dài
Mức tiêu thụ đường trong niên vụ 2020/2021 dự báo đạt 15,2 triệu tấn, không thay đổi nhiều so với niên vụ trước do dịch COVID-19 khiến thị trường bất ổn. Một số chuyên gia cho rằng mức tiêu thụ có thể giảm xuống còn 14,4 triệu tấn nếu dịch bệnh còn kéo dài, song có thể dần phục hồi vào cuối năm 2020.
Nhập khẩu đường trong niên vụ 2020/2021 dự tính đạt 4,2 triệu tấn so với niên vụ trước nếu các biện pháp bảo hộ đối với nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch kết thúc vào tháng 5/2020. Ngược lại, khối lượng xuất khẩu ước đạt 200.000 tấn, chủ yếu đưa sang Hàn Quốc và Mông Cổ.
Trung Quốc áp dụng hạn ngạch thuế suất (TRQ) đối với đường nhập khẩu chủ yếu từ Brazil, Cuba và Thái Lan. Mức thuế trong hạn ngạch là 15% đối với gần 2 triệu tấn đường, thấp hơn một nửa tổng lượng nhập khẩu. Khoảng 70% TRQ trong hạn ngạch được phân bổ cho các Doanh nghiệp Nhà nước (SOEs).
Trong mùa dịch COVID-19, Trung Quốc thiết lập các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ đối với khách du lịch và hàng hóa nhập khẩu. Do đó, đường nhập lậu giảm đáng kể.
Dự trữ đường trong niên vụ 2020/2021 đạt 3,8 triệu tấn, giảm 500.000 tấn theo số liệu ước tính mới nhất.
Trung Quốc hiện chưa công bố số liệu chính thức, song nhiều nguồn tin dự đoán, khối lượng này có xu hướng giảm để cân bằng khoảng cách giữa tiêu dùng và sản xuất trong nước. Dự trữ đường cho niên vụ 2019/2020 không thay đổi ở mức 4,3 triệu tấn.
Hàng năm, Trung Quốc sản xuất 11 - 12 triệu tấn các sản phẩm làm ngọt từ tinh bột. Trong năm 2019, giá ngô cao và nhu cầu tiêu thụ sụt giảm khiến thị trường các chất làm ngọt hạn chế sản xuất. Diễn biến này có thể tiếp tục trong năm 2020 do dịch COVID-19.
Chính phủ cũng hạn chế phát triển đường hóa học nhằm bảo vệ ngành đường trong nước, giải quyết vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao