Giá gạo ngày 13/7/2020 giảm nhẹ, áp lực cạnh tranh xuất khẩu
Giá gạo nguyên liệu xuất khẩu hôm nay tiếp tục giảm nhẹ so với cuối tuần trước, nguồn cung gạo đang dần dần được cải thiện.
Theo Thesaigontime, xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay, nhưng rất có thể chúng ta không thể duy trì được kết quả này trong nửa cuối năm.
Trước hết, cho dù đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu trong nửa đầu năm, nhưng các số liệu thống kê và ước tính của các nhà quản lý cho thấy, tuy tổng khối lượng bảy mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu đạt 6,79 triệu tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ, nhưng tổng kim ngạch 13 mặt hàng nông, lâm và thủy sản chủ yếu chỉ đạt 17,6 tỷ USD, giảm 2,3%, chứng tỏ giá nông sản đồng loạt giảm sâu, nên dù lượng xuất khẩu tăng cũng không thể bù đắp được.
Trong bối cảnh như vậy, xuất khẩu gạo thực sự là một điểm sáng hiếm hoi. Đó là, với 3,54 triệu tấn, chỉ tăng 5,6% về lượng so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại tăng 19,4%, đạt gần 1,73 tỷ USD. Kết quả đáng mừng đó có phần đóng góp rất lớn của kỳ tích tháng 5, ngay sau khi việc kiểm soát xuất khẩu gạo bằng hạn ngạch được bãi bỏ. Với 954.000 tấn, đây là lượng gạo xuất khẩu kỷ lục chưa từng có trong lịch sử của Việt Nam, cao gấp 1,84 lần so với bình quân của cùng kỳ năm trước, còn giá thì đạt 516 USD/tấn, cao hơn 8,2%.
Tháng 6, sản lượng gạo xuất khẩu đã giảm xuống chỉ còn chưa bằng một nửa so với tháng 5 và giảm rất mạnh 24,7% so với cùng kỳ, giá cũng đã hạ nhiệt.
Có thể nói, mức sụt giảm rất mạnh về lượng gạo xuất khẩu kèm theo sự đi xuống về giá trong tháng 6 vừa qua như nói trên chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, những ngày tháng xuất khẩu gạo dễ dàng và được giá đã kết thúc. Còn trong những tháng tới, khó khăn sẽ còn tiếp tục lớn hơn nữa. Sở dĩ như vậy là bởi những lẽ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, khác với “thông lệ”, có nhiều yếu tố cộng hưởng khiến sức cạnh tranh của gạo Ấn Độ trên thị trường thế giới sắp tới sẽ tăng rất mạnh, đẩy cả cộng đồng xuất khẩu gạo châu Á vào tình thế khó và chúng ta cũng không phải là ngoại lệ.
Những thông tin từ Ấn Độ gần đây cho biết, nhờ lượng nước dồi dào trong mùa mưa năm nay và việc chính phủ tăng giá mua vào đối với lúa gạo và cả lúa mì trong niên vụ hiện nay, Ấn Độ đang hướng tới sản lượng kỷ lục “kép” cả lúa gạo và lúa mì. Không những vậy, kho dự trữ cả hai loại lương thực chủ yếu này của Ấn Độ cũng đang hướng tới kỷ lục “kép” trong năm nay. Bên cạnh đó, những diễn biến trên thị trường tài chính khiến giá gạo xuất khẩu tính bằng đô la Mỹ cũng rẻ hơn. Đây chính là những lý do khiến khoảng cách trong giá chào xuất khẩu gạo của Ấn Độ và của chúng ta, đặc biệt là của Thái Lan, rất “mênh mông”.
Điều này cũng giải thích tại sao lượng gạo Ấn Độ trúng thầu tại Philippines vừa qua lại lớn gấp rưỡi của Việt Nam, còn người Thái lại phải ra về tay không (nhưng sau đó thì Philippines lại hủy bỏ cuộc đấu thầu này với lý do nguồn cung của nước này đã đảm bảo). Bên cạnh đó, một nguồn thông tin khác cũng cho biết, vượt qua nhiều trở ngại, Malaysia đã đạt được thỏa thuận về một đơn hàng nhập khẩu kỷ lục 100.000 tấn gạo của Ấn Độ ngay trong tháng 5 vừa qua, cao gấp đôi so với lượng gạo trung bình hàng năm mà Malaysia đã nhập từ Ấn Độ trong năm năm qua.
Những điều nói trên có nghĩa là, với năng lực cạnh tranh vượt trội của mình, Ấn Độ đã, đang và sẽ còn tiếp tục “lấn sân” ở ngay cả nơi mà chúng ta có ưu thế cạnh tranh mạnh nhất trong nhiều năm qua.
Không những vậy, như các số liệu thống kê của Việt Nam cho thấy, Trung Đông và châu Phi chính là khu vực thị trường rất quan trọng giúp chúng ta đạt được những kết quả đáng mừng vừa qua, bởi tỷ trọng xuất khẩu trong năm tháng qua tại các thị trường này đã đạt 18,3% so với mức 12-14% trong năm năm trở lại đây.
Rõ ràng, trong điều kiện thị trường Đông Nam Á là “sân nhà” của chúng ta đã bị Ấn Độ “qua mặt” thì khả năng Ấn Độ giành giật thị trường châu Phi mà Việt Nam đã có được lại càng lớn hơn, bởi đây chính là “sân nhà” của Ấn Độ.
Với năng lực cạnh tranh như vậy, trong điều kiện Ấn Độ đang nhắm tới tái lập kỷ lục xuất khẩu 11 triệu tấn gạo trong niên vụ này, cao hơn 2 triệu tấn so với niên vụ vừa qua, rõ ràng đây sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Việt Nam trong những tháng tới.
Thứ hai, cho dù hiện vẫn đang thất thế so với chúng ta, nhưng chắc chắn Thái Lan cũng sẽ phải bằng mọi cách nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, cho nên sẽ gây sức ép lớn hơn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng tới.
Hạn hán gây mất mùa lúa trái vụ của Thái Lan đã kết thúc và nước này đang đứng trước triển vọng gia tăng sản lượng vụ lúa chính hiện nay do mưa nhiều hơn, cho nên tình trạng xuất khẩu gạo tụt dốc mạnh trong những tháng đầu năm chắc chắn sẽ được khắc phục trong những tháng tới. Rõ ràng, muốn tăng được thị phần, trước hết giá gạo của Thái Lan phải được kéo xuống để rút ngắn khoảng cách “mênh mông” nói trên.
Những điều nói trên có nghĩa là, áp lực cạnh tranh của đối thủ này đối với gạo xuất khẩu của nước ta trong những tháng tới chắc chắn sẽ lớn hơn những tháng đầu năm.
Về phần Việt Nam, do phấn khích có lẽ quá đà vì được mùa, trúng giá trong những tháng qua, kế hoạch gia tăng diện tích và sản lượng lúa sắp tới rất có thể đẩy chúng ta vào tình thế khó khăn trong việc cạnh tranh để giành giật thị trường xuất khẩu.
Nói tóm lại, trong điều kiện tổng cầu nhập khẩu gạo của thế giới năm nay vẫn đang được dự báo giảm, còn cả hai cường quốc xuất khẩu gạo số 1 và số 2 thế giới hiện đang chiếm trên dưới một nửa “rổ gạo xuất khẩu” của thế giới đều tăng tốc giành giật thị trường sau nhiều tháng trì trệ, cuộc cạnh tranh của chúng ta trong những tháng tới chắc chắn sẽ khó khăn hơn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao