Mô hình kinh tế Giá Lúa Giảm Lợi Nhuận Thấp

Giá Lúa Giảm Lợi Nhuận Thấp

Publish date Tuesday. February 10th, 2015

Giá Lúa Giảm Lợi Nhuận Thấp

Tính đến tuần đầu của tháng 2/2015, Sóc Trăng đã thu hoạch được trên 75.000 ha lúa đông xuân, bằng 53% diện tích gieo trồng. Do đặc điểm từng vùng sinh thái, nên thời gian xuống giống giữa các địa phương chênh lệch nhau khá xa. Diễn biến thị trường trong vụ lúa này cho thấy: Thu hoạch sớm có nhiều lợi thế về giá, vì khoảng 3 tuần này lúa rớt giá mạnh.

Do đặc thù về thổ nhưỡng, thời vụ xuống giống lúa đông xuân 2014 - 2015 giữa các vùng sinh thái ở Sóc Trăng chênh lệch nhau khá xa. Ở mỗi thời điểm, diễn biến tình hình thời tiết và dịch hại khác nhau, vì vậy năng suất của các trà lúa này cũng không đồng đều. Giá lúa trên thị trường cũng có nhiều biến động với các đợt tăng, giảm bất thường, từ đó bình quân mức lợi nhuận của bà con nông dân trong vụ lúa này có sự khác biệt.

Xuống giống lúa đông xuân sớm, thời tiết thuận lợi, áp dụng theo quy trình kỹ thuật ngành nông nghiệp khuyến cáo, năng suất lúa IR 50404 hơn 1,2 tấn/ 1 công 1.3000 m2, giá bán vào giữa tháng 12/2014 là 5.200 đồng 1 kg lúa tươi, ông Giang Văn Đầy đạt lợi nhuận cao. Sau khi thu hoạch, ông hào hứng xuống giống lấp vụ xuân hè. Ông Đầy cho biết: “Nhờ tôi thực hiện đúng kỹ thuật, phun thuốc bón phân hợp lý, chi phí sản xuất giảm, trừ chi phí lợi nhuận đạt trên 2,5 triệu đồng/công 1.300 m2”.

Hơn 50.000 ha lúa đông xuân xuống giống sớm ở Sóc Trăng được thu hoạch trong tháng 12/2014 và đầu tháng 1/2015 đạt năng suất bình quân từ 6,5 tấn đến 6,7 tấn lúa khô 1 ha. Giá bán 1 kg lúa tươi tại ruộng dao động từ 4.600 đồng đến 5.200 đồng, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng bình quân lợi nhuận đạt từ 40% đến 57% trên vốn đầu tư.

Trong khi đó, các trà lúa thu hoạch sau năng suất giảm, đáng lo ngại là giá lúa ngày càng giảm mạnh từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg. Nếu như gần 2 tháng trước, lúa IR 50404 được mua tại ruộng với giá từ 5.000 đồng đến 5.200 đồng 1 kg thì hiện nay giảm xuống còn 4.100 đồng đến 4.300 đồng 1 kg, lúa thơm nhẹ như OM 4900 cũng giảm từ 5.000 đồng xuống còn 4.300 đồng/kg.

Theo khảo sát của phòng trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Sóc Trăng, khâu tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh có 3 thành phần tham gia, đó là thương lái trực tiếp mua lúa của nông dân, môi giới thu mua lúa còn gọi là cò lúa và doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với nông dân thông qua các cánh đồng lúa sản xuất tập trung. Sản lượng lúa tiêu thụ chủ yếu là qua thương lái. Vụ này, ở các địa phương đang thu hoạch lúa, có khoảng 284 lượt thương lái và 164 cò lúa trong và ngoài tỉnh đến ruộng giao dịch mua bán với bà con nông dân.

Thông thường, trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần, thương lái đến khảo sát từng ruộng lúa, thỏa thuận giá với nông dân và đặt cọc mỗi công từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng để mua lúa. Thời gian gần đây, tình trạng thương lái bỏ tiền cọc, không mua lúa như cam kết ban đầu xảy ra rất phổ biến.

Ông Lâm Si, người dân ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề cho biết: “Ba ngày trước thương lái vào cắt giá 4900 đặt cọc 1 công 200.000 đồng, giá lúa xuống, lái bỏ cọc, bà con đồng ý giảm xuống 4.800 đồng/kg nhưng lái cũng không chịu mua”.

Qua kết quả tính toán của Bộ Tài Chính, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 ở Sóc Trăng là 3.662 đồng/kg. Còn theo tính toán của nhiều bà con nông dân trong tỉnh: chi phí sản xuất của vụ lúa này từ 22 triệu đến 23 triệu đồng 1 ha. Nếu tính bình quân 1 ha 7 tấn lúa tươi thì giá bán thấp nhất phải được 4.700 đồng 1 kg để đạt lợi nhuận 10 triệu đồng 1 ha. Nhưng hiện các giống lúa thường, lúa thơm nhẹ đang ở dưới mức giá này.

Ông Quách Phú, nông dân ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú chia sẻ: “Vật tư ngày càng tăng, chi phí dặm giá công lao động ngày một tăng, năng suất giảm do thời tiết, giá cả cũng giảm. Vụ này nông dân huề đến lỗ vốn, bà con nông dân làm lúa bây giờ bấp bênh quá”.

Thông tin từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (gọi tắt là VFA), giá lúa liên tục giảm dù nguồn cung từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa nhiều vì chưa vào vụ thu hoạch rộ. Dự báo, thị trường lúa gạo trong quý 1/2015 chưa có dấu hiệu khởi sắc vì chưa có nhiều hợp đồng xuất khẩu.

Năm 2015 tình hình xuất khẩu gạo nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn vì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước xuất khẩu lớn trên thế giới đặt mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu từ 5% trở lên so với năm 2015. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xâm nhập sâu vào thị trường thế giới nhằm đạt chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nay là 6,7 triệu tấn của VFA đề ra.

Tuy giá lúa giảm, nhưng đến thời điểm này đầu ra vẫn thông thoáng, không xảy ra tình trạng lúa bị ứ động không tiêu thụ được. Tết đang đến gần, bên những đồng lúa chín vàng, bà con nông dân mong muốn giá lúa nhích lên để có niềm vui xuân thật trọn vẹn.


Lúa Đông Xuân Sớm Mất Mùa, Rớt Giá Lúa Đông Xuân Sớm Mất Mùa, Rớt Giá Hội Thảo Hội Thảo "Chiến Lược Phát Triển Cây Mắc…