Mô hình kinh tế Gia Tăng Nguy Cơ Bùng Phát Cúm Gia Cầm

Gia Tăng Nguy Cơ Bùng Phát Cúm Gia Cầm

Publish date Saturday. June 1st, 2013

Gia Tăng Nguy Cơ Bùng Phát Cúm Gia Cầm

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Phòng Phạm Văn Công cho biết: “Hiện có 2 lỗ hổng lớn tăng nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, đó là tình trạng gia cầm giống nhập lậu Trung Quốc len lỏi về các vùng quê, lẫn vào đàn chăn nuôi và sự gia tăng của đàn vịt mùa vụ trên các tuyến kênh mương”.

Gia cầm nhập lậu giá rẻ len lỏi về vùng chăn nuôi

Đầu tháng 5/2013, khi đi qua địa bàn xã Liên Khê (Thủy Nguyên), chúng tôi quan sát thấy một xe máy chở gà giống, ngan và vịt giống 1 ngày tuổi bán cho hộ chăn nuôi ngay trên đường đi. Giá bán 8000 đồng/con, trong khi giá giống gia cầm từ các Trung tâm sản xuất giống có uy tín và Công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ là 20 - 25 nghìn đồng/con. Khi được hỏi, người bán vội vàng che phủ kín lồng đựng gia cầm, dắt xe đi thẳng. Theo một số hộ dân ở khu vực này thì thời điểm tháng 3 đến nay, tại địa bàn xã xuất hiện khá nhiều xe máy đi bán rong giống gia cầm với giá rẻ hơn các cơ sở sản xuất có uy tín tới 30-40%. Tuy nhiên, một số hộ mua về chăn nuôi phát hiện chỉ sau 20 ngày nuôi, gà và vịt chết khá nhiều.

Bà Nguyễn Văn Thắc, ở xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy) cho biết: “Thời gian gần đây, tôi thấy thường có 3 - 4 người đi xe đạp chở lồng gà giống đi bán rong trong xã. Giá khoảng 7000 đồng/con. Thấy giá rẻ, nhiều hộ dân trong xã mua về nuôi. Tôi cũng đang định mua khoảng 40 con về nuôi thả vườn nhưng hơi lo vì giá gà giống rẻ hơn một nửa so với giống tôi vẫn mua ở Công ty Lượng Huệ. Hỏi thì người bán rong bảo là giống gà lùn Bắc Giang”.

Bác Nguyễn Văn Trường, một nông dân chăn nuôi ở xã Trung Hà (Thủy Nguyên) than thở: “Sau Tết tôi nhập 100 con gà mua ở người bán rong, nuôi đến tháng 3 thì khoảng 20% đàn chết rải rác. Số còn lại đến nay mới đạt hơn 1 kg/con, thức ăn tiêu tốn nhiều, tính ra đến 4 kg cám cho 1 kg tăng trọng. Khi mới mua, người bán rong cũng bảo giống gà thả vườn ở Bắc Giang. Khi mới về, gà đẹp mã, ăn rào rào như “tằm ăn rỗi”. Nhưng sau gà con kém ăn dần, xù lông, đi ỉa, ướt đít và chết mỗi hôm cả chục con. Đợt tới, chắc gia đình tôi sẽ không tham rẻ mua giống gà chíp Tàu nữa mà chuyển sang nuôi các giống gà trong nước có uy tín, được tiêm phòng đầy đủ, dù đắt hơn một tý nhưng chất lượng bảo đảm”.

Theo anh Bùi Văn Luyện, Chi cục Phó Chi cục Thú y Hải Phòng, từ đầu tháng 4 đến nay, lực lượng thú y liên tục phát hiện các trường hợp vận chuyển gia cầm giống, gia cầm thải loại, trứng gia cầm nhập lậu có nguồn gốc Trung Quốc về thành phố. Có những ngày lực lượng thú y bắt được liên tiếp nhiều vụ vận chuyển gia cầm trái phép. Số gia cầm nhập lậu sau khi về các điểm trung chuyển sẽ được xé lẻ bán rong về các vùng quê với giá rẻ. Việc sử dụng giống gia cầm nhập lậu, giá rẻ để chăn nuôi sẽ tăng cao nguy cơ dịch bệnh, lây lan vi rút gia cầm mới H7N9, người chăn nuôi bị thiệt hại lớn.

Vịt chạy đồng ngày càng nhiều

Thời điểm gần đây, tại nhiều khu vực kênh mương tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, người dân ồ ạt nuôi vịt thả đồng. Theo nhiều hộ dân nuôi vịt ở khu vực kênh trục chính của xã Mỹ Đức (An Lão), hiện họ đang mở rộng chăn nuôi vịt với quy mô lớn, chuẩn bị cho thị trường dịp Tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng 5 âm lịch. Nhiều hộ thấy vịt giống bán rong rẻ nên nuôi gối vụ cả vịt con để sau khi bán vịt thịt dịp 5/5 âm lịch xong sẽ có đàn vịt mới.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng dịch tễ, Chi cục thú y Hải Phòng cho rằng: “Điều đáng lo ngại là năm nay người dân nuôi vịt thời vụ không theo phương pháp truyền thống (nuôi thả sau khi thu hoạch 2 vụ lúa mà cứ thấy giá vịt giống rẻ là họ nhập nuôi, nuôi thả ngay tại kênh mương chung. Trên một đoạn mương ngắn, nhiều hộ dân nuôi quy mô lớn lên đến hàng chục nghìn con. Để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, ngoài mua giống vịt không rõ nguồn gốc, vịt Trung Quốc nhập lậu với giá rẻ, họ cho vịt ăn các loại thức ăn tận dụng, thậm chí cả bã bia.

Trong khi môi trường nuôi không bảo đảm; sử dụng thức ăn chưa đáp ứng yêu cầu, khiến sức đề kháng của gia cầm kém, gặp thời tiết bất thuận là sẽ phát dịch. Điều mà Chi cục thú y lo lắng hơn cả là việc khó quản lý các đàn vịt chạy đồng, vịt nuôi thời vụ sau thu hoạch lúa xuân vì phần lớn các đàn này chưa được tiêm phòng vắc- xin do người dân vừa nuôi bổ sung. Thêm vào đó, đàn vịt mùa vụ thường được thả rông kiếm ăn khắp các cánh đồng, kênh mương nên khó kiểm soát. Vịt lại là loại mang virút tiềm ẩn, nhưng có con không phát biểu hiện bệnh. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh vịt, đặc biệt là thói quen ăn tiết canh vịt đúng mùa vịt đang ngày càng phổ biến ở các địa phương cũng sẽ khiến dịch bệnh có cơ hội lan rộng".

Theo phản ánh của nhiều địa phương, đàn vịt chạy đồng năm nay có số lượng lớn hơn nhiều so với mọi năm do lao động công nghiệp thiếu việc làm về quê chăn nuôi khá đông. Trong khi đó, các địa phương và người dân hiện khá chủ quan với việc phòng, chống dịch cúm gia cầm.


Chuyển Đổi Đất Trồng Lúa Năng Suất Thấp Sang Trồng Ngô Chuyển Đổi Đất Trồng Lúa Năng Suất Thấp… Dịch Lở Mồm Long Móng Lây Lan Đến Nam Giang (Quảng Nam) Dịch Lở Mồm Long Móng Lây Lan Đến…