Giá Thấp Gây Khó Cho Nông Dân Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng
Những ngày gần đây, giá tôm thẻ chân trắng (TTCT) liên tục rớt giá mạnh khiến nông dân nuôi đối tượng thủy sản này lao đao. Trong khi đó, giá tôm sú gần đây dù có sụt giảm đôi chút, nhưng vẫn nằm ở mức cao.
Tôm thẻ chân trắng rớt giá mạnh
Những tháng đầu năm nay, tình hình nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong tháng 2-3 thời tiết lạnh nên tôm bị bệnh đốm trắng, đỏ thân nhiều và đến tháng 4 thời tiết nắng nóng, nên dịch bệnh hoại tử gan tụy lại tiếp tục hoành hành trên tôm nuôi. Dù vậy, giá TTCT từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm, đặc biệt trong vòng 1 tháng trở lại đây giá TTCT liên tục rớt giá không phanh, nên nông dân vô cùng khốn khó.
Ông Lê Thanh Phong, chủ cơ sở nuôi TTCT khoảng 03 hecta ở ấp Tân Xuân, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, hiện nay giá TTCT loại 100 con/kg được thương lái thu mua với giá 73.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 60 con/kg giá 110.000 - 115.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành nuôi TTCT đến cỡ 100 con/kg đã trên 70.000 đồng/kg, còn tôm cỡ 60-70 con/kg giá thành cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo ông Phong, so với cuối năm 2013, giá TTCT hiện nay đã giảm gần 50%, ao TTCT của ông Phong hiện nay khoảng 103 con/kg, giờ đây chỉ bán hòa vốn nên ông phải cố gắng nuôi đến khi tôm đạt cỡ 60-70 con/kg mới mong bán tôm lời được 20.000 đồng/kg.
"Năm ngoái, các ao nuôi TTCT của tôi cho doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lời được hơn 50% thì năm nay với giá tôm thời điểm này nếu nuôi tốt lắm cũng chỉ lời 5.000 đồng/kg. Do giá tôm giảm nên tôi cũng như những nông dân nuôi tôm khác phải tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm chạy quạt, giảm nhân công, thậm chí giảm cho ăn,...", ông Phong chia sẻ.
Không nên kỳ vọng vào giá tôm ảo
Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, giá TTCT năm 2013 khá do các các nước cung cấp TTCT lớn nhất thế giới là Thái Lan, Trung Quốc "mất mùa", vì ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm (EMS) hoành hành trên tôm, chứ không phải là giá tôm thực.
Ông Trần Văn Vinh, chủ trại nuôi tôm trong nhà ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, cách đây 2 tuần ông xuất bán TTCT loại 100 con/kg với giá 83.000 đồng/kg, nhưng hiện nay thương lái báo giá tôm loại này chỉ còn 70.000 đồng/kg. Theo ông Vinh, giá tôm hiện nay là "chạm đáy" rồi, bởi nếu giá tôm rớt nữa thì nông dân nuôi tôm sẽ bỏ nghề hết.
Về nguyên nhân giá TTCT giảm mạnh trong thời gian gần đây, ông Vinh nhận định là do thị trường trong nước trầm lắng, số thương lái đến địa phương thu mua tôm rất ít nên nông dân không thể nâng giá bán. Trong khi đó, cuối năm ngoái thương lái thu mua tôm rất nhiều nên nông dân có thể khảo sát giá với nhiều lái tôm khác nhau để chọn thương lái thu mua tôm với giá cao nhất.
Ông Phạm Khánh Ly cho rằng, thời gian gần đây giá TTCT giảm thấp là do các nước sản xuất TTCT lớn nhất thế giới trong năm ngoái bị giảm tới 50% sản lượng tôm do hội chứng tôm chết sớm thì hiện nay đã phục hồi, sản lượng tôm trên thị trường tôm thế giới tăng trở lại.
Bên cạnh đó, các thị trường EU, Nhật Bản đã cảnh báo dư lượng kháng sinh Oxytetracyline trong tôm Việt Nam vượt mức cho phép và Nhật Bản đang tăng cường kiểm tra 100% lô tôm Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này về chỉ tiêu Oxytetracyline dẫn đến xuất khẩu khó khăn.
Mặt khác, hiện nay tình trạng các thương lái thu mua tôm TTCT nguyên liệu xuất khẩu ồ ạt sang Trung Quốc như năm ngoái không còn nữa. Trong khi đó, nông dân trong nước đang đua nhau chuyển sang nuôi TTCT khiến sản lượng đối tượng tôm này tăng mạnh.
Cần cân nhắc chọn đối tượng thả nuôi
"Quan điểm của ngành là vẫn tiếp tục giữ diện tích thả nuôi tôm sú hiện có, nhất là các diện tích nuôi tôm quảng cạnh cải tiến, tôm lúa, tôm rừng nhưng cũng không bỏ qua cơ hội tôm thẻ chân trắng", ông Phạm Khánh Ly cho biết.
Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam là quốc gia đi sau trong nuôi TTCT so với các nước sản xuất tôm thẻ chân trắng khác trên thế giới nên kỹ thuật nuôi không bằng, năng suất thấp hơn. Mặt khác, giá nhân công Việt Nam mắc hơn, việc chọn lọc giống TTCT không bằng Thái Lan dẫn đến giá thành sản xuất cao hơn làm cho lợi thế cạnh tranh thấp hơn so với Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ. Trong khi đó ta có truyền thống sản xuất tôm sú, là nguồn cung cấp tôm sú lớn trên thế giới và hiện nay chỉ còn Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia còn nuôi tôm sú trong khi thị trường tiêu thụ tôm sú trên thế giới vẫn còn đáng kể.
Trước tình hình này, ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khuyến cáo, diễn biến giá tôm thời gian qua cho thấy giá TTCT có xu hướng giảm mạnh, trong khi tôm sú vẫn khá ổn định ở mức cao. Hơn nữa, Việt Nam có truyền thống và lợi thế về sản xuất tôm sú nên bà con nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh nên cân nhắc trong việc chọn đối tượng nuôi sao cho có hiệu quả cao nhất.
Theo số liệu báo cáo từ các xã có nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đến nay toàn tỉnh có 3.484 ha tôm thả nuôi với hơn 1.074 triệu giống, đạt 92,2% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh là 1.310.8 ha và diện tích nuôi TTCT thâm canh là 156,8 ha, chiếm 84,7% diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh của tỉnh; diện tích nuôi quảng canh cải tiến là 2.017 ha với 86,6 triệu giống, chiếm 100% diện tích nuôi quảng canh cải tiến của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 274 ha với sản lượng hơn 2.069 tấn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao