Tin nông nghiệp Giá tiêu cao kỷ lục, người trồng đỏ mắt tìm công hái

Giá tiêu cao kỷ lục, người trồng đỏ mắt tìm công hái

Author Trần Đáng, publish date Thursday. February 16th, 2017

Giá tiêu cao kỷ lục, người trồng đỏ mắt tìm công hái

Thiếu nhân công thu hái trầm trọng khi tiêu đang vào vụ thu hoạch đang khiến nhiều người trồng tiêu hết sức lo lắng. Nếu thu hoạch trễ vụ, nhiều rủi ro sẽ chực chờ vườn tiêu...

Trong ảnh: Ông Thạch Mười (Xuân Lộc, Đồng Nai) phải tự tay hái tiêu do chưa tìm được công hái.  Ảnh: T.T

Giá cao kỷ lục, công hái vẫn biệt tăm

Vừa đón tết xong, ông Trần Thanh Bình – nông dân đang trồng 1ha tiêu tại ấp Nhân Hòa (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu), phải chạy đôn chạy đáo tìm công hái khi vườn tiêu đang chín đỏ. “Tui trồng chỉ hơn 1.000 gốc tiêu mà đã đi tìm công hái đỏ mắt rồi, không biết người ta trồng cả chục ha thì lấy đâu ra công hái” - ông Bình mệt mỏi nói.

Cách Xuyên Mộc không xa là huyện Cẩm Mỹ – một huyện có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh Đồng Nai với gần 5.000ha. Ông Võ Văn Đủ - nông dân trồng hơn 6ha tiêu ở xã Lâm San, từ sau tết đến nay cũng đã đôn đáo chạy lo công hái. Ông Đủ cho biết, trước đây lao động nhàn rỗi ở địa phương nhiều nên chỉ đánh tiếng cần người hái tiêu thì có ngay, nhưng nay tìm mãi không ra. “Công hái tiêu bây giờ khó tìm quá, tui qua xã bên cũng không có. Chỉ người nhà thì sao hái xuể. Mỗi sào tiêu phải mất đến hai người hái” - ông Đủ than.

Theo ông Đủ, vụ tiêu thu hoạch từ trước tết nửa tháng cho đến hết tháng Giêng âm lịch. Vì thiếu công hái nên hiện các hộ trồng tiêu phải thu hoạch cầm chừng. “Mấy năm trước cũng khan hiếm lao động, nhưng nếu trả giá cao vẫn tìm được người làm. Còn bây giờ, dù có nâng tiền công cũng không tìm ra người làm” - ông Đủ cho biết.

Còn nhớ, vụ tiêu năm rồi, công hái tiêu ở Đồng Nai được trả180.000 đồng/ngày, bao cả ăn trưa, thì bây giờ nhiều nhà vườn trồng tiêu đã nâng mức giá lên 250.000 – 300.000 đồng/ngày, bao cả ăn trưa, vẫn khó kiếm công hái.

Chỉ với 1ha tiêu, ông Thạch Mười (Xuân Lộc, Đồng Nai) cũng khó tìm ra công hái. “Người nhiều thì chẳng nói gì, tôi chỉ có 1ha tiêu mà từ tết đến giờ cũng chưa tìm được công hái. Mấy ngày nay gia đình tôi cứ thay phiên nhau hái tiêu để không kéo dài thời vụ” - ông Thứ cho biết.

Bệnh chết nhanh, chết chậm chực chờ

Lý giải cho công hái tiêu ngày càng thiếu hụt, ông Lê Quốc Việt – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc cho rằng, đa số công hái tiêu lâu nay là người dân từ các tỉnh đến sinh sống trên địa bàn. Tết đến, họ về quê nên chưa vào kịp để tham gia hái tiêu. Cùng lúc ấy, một phần thanh niên trên địa bàn không còn chí thú làm nông mà chuyển qua làm công nhân cho các khu công nghiệp…

Lâu nay, trước tình trạng nông dân trồng tiêu ồ ạt ngoài  quy hoạch, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu khuyến cáo nông dân phải chuyển sang sản xuất tiêu bền vững với các tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP để dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, giờ mới thấy, thiếu công hái là một vấn đề lớn đối với ngành trồng tiêu.

Hiện tỉnh Đồng Nai có hơn 13.000ha, còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 9.000ha tiêu. Cơ giới hóa với cây tiêu chỉ mới dừng ở việc trang bị hệ thống tưới tiết kiệm, còn việc hái tiêu vẫn thủ công.

Nhiều người cho rằng, hái tiêu trễ vụ chỉ ảnh hưởng tới năng suất vụ sau. Tuy nhiên, ông Đoàn Trung Ngọc – một nông dân với nhiều năm kinh nghiệm trồng tiêu ở Đồng Nai, cho rằng việc hái tiêu trễ vụ thậm chí rủi ro cho vườn tiêu lớn hơn nhiều so với sụt giảm năng suất. Theo ông Ngọc, hái tiêu trễ vụ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe dây tiêu. Bởi khi đó, thay vì thu hái xong dây tiêu được nông dân thúc phân “bồi bổ” thì chúng vẫn tiếp tục phải nuôi trái. “Việc dây tiêu yếu đồng nghĩa với việc bộ rễ yếu. Mà bộ rễ yếu gặp mưa dầm thất thường như hiện nay sẽ đối diện với bệnh chết nhanh, chết chậm” - ông Ngọc cho biết. 


Giá chuối 'rớt' đáy, nông dân bỏ chín vườn hoặc cho gia súc ăn Giá chuối 'rớt' đáy, nông dân bỏ chín… “Trái đắng” từ trồng chuối theo phong trào “Trái đắng” từ trồng chuối theo phong trào