Mô hình kinh tế Giá xấu, chưa có hợp đồng mua bán mới

Giá xấu, chưa có hợp đồng mua bán mới

Publish date Sunday. September 20th, 2015

Giá xấu, chưa có hợp đồng mua bán mới

Hình như nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam chưa chuẩn bị một kịch bản xấu nhất khi giá cà phê biến động xấu nhưng không xuất phát từ yếu tố cung-cầu. 

Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (nguồn: theice.com)

Nhu cầu mua chậm chạp

“Thị trường vẫn chưa bung lên được dù lượng bán ra cực ít, chứng tỏ nhu cầu mua mới chưa có,” một chuyên gia ngành hàng cà phê tại TPHCM cho biết.

Tháng Chín hàng năm thường là tháng hỏi mua hàng tích cực nhất trong năm vì sang tháng Mười là bắt đầu niên vụ mới, đặc biệt sau khi các nhà kinh doanh và rang xay Âu Mỹ thường quay về làm việc sau đợt nghỉ hè.

Hơn nữa đây cũng là lúc các cơ sở rang xay và bán lẻ cà phê chuẩn bị sản xuất phục vụ cho những dịp lễ tết cuối năm, mừng năm mới và cả mùa đông, mùa tiêu thụ chính của mặt hàng cà phê tại các vùng ôn đới.

Từ mức 34 triệu đồng/tấn, được cho là đáy sâu nhất tính đến nay của niên vụ hiện tại, giá cà phê nguyên liệu nhích lên dần, rồi chòng chành quanh mức 35 triệu đồng/tấn. “Ở các mức này, chẳng khuyến khích ai bán ra và thị trường khá trầm lặng, mua bán mới không nhiều nên hoạt động xuất khẩu trong tháng 9-2015 cũng không khác gì tháng Tám vừa qua,” một chủ đại lý thu mua cà phê tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho hay.

Thống kê của Tổng cục Hải quan ước lượng cà phê xuất khẩu của cả tháng 8-2015 chỉ chừng 92.000 tấn.

Mua bán chưa gặp nhau

Thị trường yên ắng do giá hai bên mua và bán xuất khẩu chưa gặp nhau: trong khi người mua trả cộng 40-50 đô la Mỹ/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) đối với cà phê robusta loại 2,5% đen bể thì bên bán đòi giá cộng 80 đô la/tấn cao hơn giá niêm yết cơ sở tháng 11-2015 trên sàn kỳ hạn London, nơi cà phê robusta thường sử dụng để làm giá tham chiếu.

Giải thích cho lý do này, vị chuyên gia cho rằng có thể do hàng đang còn nằm tại kho các đại lý thu mua có giá thành cao, giá mua vào trước đây quanh mức 40 triệu đồng/tấn, bán ra với giá hiện hành thì người bán lỗ ngang 5 triệu đồng/tấn chưa tính lãi ngân hàng, hao hụt tự nhiên, chi phí lưu kho…

Trong khi đó, áp lực hàng vụ mới đang mỗi ngày một cận kề, người mua muốn đợi giá thấp khi hàng ra nhiều hơn dù vẫn biết giá kỳ vọng của người bán còn cao vời vợi so với giá hiện nay.

Trước đây mọi người trông mong giá lên 39-40 triệu đồng/tấn thì nay đã có thể chấp nhận 38 triệu đồng/tấn, tương đương với 1.690 đô la Mỹ/tấn. Dựa trên giá đóng cửa mới nhất, hai bên còn cách nhau chừng 70-80 đô la Mỹ/tấn.

Hôm qua, phiên giao dịch cuối tuần, giá kỳ hạn sàn robusta London chốt mức 1.556 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên), giảm 4 đô la/tấn và sàn kỳ hạn arabica mức 118,35 xu/cân Anh (cts/lb) tăng 1.8 cts/lb so với cuối tuần trước.

Giá cà phê nguyên liệu sáng nay 19-9 tại một số nơi trên Tây Nguyên quanh mức 34,5 triệu đồng/tấn, mua bán tiếp tục chậm chạp.

Tồn kho tại các nước tiêu thụ tăng

Báo cáo tồn kho định kỳ hàng tháng của Hiệp hội Cà phê châu Âu (ECF) cho biết lượng cà phê nguyên liệu trong kho tại các cảng châu Âu tính đến hết tháng 7-2015 tăng 181.677 bao (60 kg x bao) so với tháng trước đó, đạt 11.909.433 bao.

Nếu tính thêm cà phê đang trên đường trung chuyển và hiện có sẵn tại các cơ sở sản xuất, lượng này có thể lên đến 16 triệu bao, tương đương với nhu cầu cho 4 tuần. Châu Âu là thị trường tiêu thụ cà phê truyền thống của thế giới và của Việt Nam.

Tính đến ngày 14-9, tồn kho cà phê đạt chuẩn trên sàn kỳ hạn robusta London đạt 205.950 tấn, tăng 1.140 tấn so với hai tuần trước đó, chủ yếu hàng có xuất xứ từ Brazil còn hàng từ Việt Nam chiếm tỷ lệ cực ít.

Cần chuẩn bị một kịch bản “giá xấu”

Giới kinh doanh hàng hóa nông sản tuần qua đón nhận tin mừng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định không tăng lãi suất đồng đô la Mỹ. Người ta tin rằng nếu lãi suất đồng đô la tăng, giá hàng hóa nguyên liệu nào dùng đồng đô la Mỹ để giao dịch sẽ phải xuống thấp do giá trị đồng đô la Mỹ cao hơn đồng nội tệ của nước sản xuất.

Lãi suất đồng đô la Mỹ hiện nay đang ở quanh mức rất thấp, từ 0-0,25%. Quyết định không tăng lãi suất có thể góp phần nào giúp giá cà phê trên các sàn kỳ hạn không giữ vững, dù đang ở vùng thấp nhất của cả niên vụ (xin xem biểu đồ trên).

“Dù qua phiên họp ngày 17-9, Fed quyết định không tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, giá cà phê trên các sàn kỳ hạn không giảm, các nhà xuất khẩu cà phê và hàng hóa nông sản dùng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền giao dịch cũng cần chuẩn bị một kịch bản xấu nhất: đàng nào Fed cũng tăng lãi suất không vào dịp cuối năm nay thì cũng đầu năm 2016,” vị chuyên gia nhận định.

Thật vậy, giá cà phê hiện nay đang thấp không những tại thị trường nội địa mà còn trên các sàn kỳ hạn.

Nếu như vào dịp cuối năm nay, Fed quyết định tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, ảnh hưởng của quyết định ấy lên giá cà phê là khá lớn vì bấy giờ không chỉ áp lực do bán tháo trên các sàn kỳ hạn, mà còn đúng cao điểm bán và xuất khẩu cà phê niên vụ mới 2015-16 sẽ bắt đầu nay mai.


Trái cây xuất khẩu còn nhiều thách thức Trái cây xuất khẩu còn nhiều thách thức Dừa xiêm Bến Tre giá rẻ đổ bộ vỉa hè Hà Nội Dừa xiêm Bến Tre giá rẻ đổ bộ…