Giải pháp công nghệ trong nuôi tôm trên cát
Nuôi tôm trên cát được xác định là một nhóm mũi nhọn của chương trình phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam. Với lợi nhuận ước tính từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, việc nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao được xem là hướng đi phù hợp để giúp người dân miền Trung.
Mô hình nuôi tôm trên cát
Khai phá tiềm năng
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản năm 2015, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các tỉnh miền Trung được bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ XXI, khi mô hình nuôi tôm trên cát tại xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi được quảng bá và nhân rộng. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi tôm trên cát thời kỳ đầu còn chậm do năng suất đạt thấp (2 - 3 tấn/ha), đồng thời gặp phải những khó khăn, vướng mắc về tác động tiêu cực của hình thức nuôi này đối với môi trường sinh thái như phá rừng, cạn kiệt nước ngầm... Đến thời kỳ áp dụng công nghệ nuôi mới như thâm canh ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, tái sử dụng nước, công nghệ bioflocs... năng suất nuôi tăng lên gấp 5 - 6 lần, trung bình đạt 13 - 15 tấn/ha, đặc biệt cao ở những nơi nuôi thâm canh công nghệ cao cho năng suất tới 70 - 100 tấn/ha thì nuôi trên cát ở miền Trung không ngừng gia tăng cả về diện tích và sản lượng.
Thống kê đến năm 2016 cho thấy, khu vực miền Trung có 3.734 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tăng trưởng trung bình khoảng 7,5%/năm (giai đoạn 2010 - 2016); sản lượng đạt 41.705 tấn, tăng trưởng bình quân 5%/năm. Nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế đã chủ động hoàn toàn công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm công nghệ cao đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát cũng đang tạo nên nhiều áp lực môi trường ở các địa phương ven biển miền Trung, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đối mặt với những khó khăn thách thức lớn như: suy thoái môi trường vùng nuôi (cạn kiệt nguồn nước ngọt và nước ngầm, ô nhiễm môi trường biển và nước ngầm do chất thải, nhiễm mặn nước ngầm…), dịch bệnh (bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp…), lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu NTTS III, việc nuôi tôm trên cát, nhất là phát triển nuôi với quy mô lớn vẫn còn tiềm ẩn các tác động phát sinh gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Trong đó, một số tác động phát sinh trong nuôi tôm trên cát có thể gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh cần được quan tâm gồm: Ô nhiễm môi trường ao nuôi do thức ăn tôm, thuốc và hóa chất; Ô nhiễm môi trường biển ven bờ và nước ngầm do chất thải từ hoạt động nuôi; Cạn kiệt nguồn nước ngọt và ngước ngầm; Thu hẹp diện tích rừng phòng hộ… Chính vì vậy, cần có giải pháp khắc phục những hạn chế này để tận dụng tiềm năng lợi thế nghề nuôi này.
“Điểm danh” mô hình điểm
Nằm trong vùng nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, HTX Thủy sản Xuân Thành (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang đánh thức và khơi dậy tiềm năng nuôi tôm công nghệ cao trên cát, đưa con tôm thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Với tổng diện tích hơn 12 ha, chia thành 31 hồ nuôi, 8 hồ ươm giống tôm thẻ chân trắng; nhờ được đầu tư bài bản, áp dụng thành công quy trình chăn nuôi hiện đại, năng suất bình quân của HTX đạt 30 - 35 tấn/ha.
Đại diện HTX cho biết, HTX không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình cải tạo ao đầm mà chất lượng con giống cũng đặc biệt được chú trọng. Trước khi thả, các điều kiện về môi trường, độ pH, độ kiềm, độ mặn... được kiểm tra kỹ càng, kịp thời điều chỉnh để tránh gây sốc cho tôm. Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của HTX luôn bám sát ao nuôi, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật cao. HTX trực tiếp hướng dẫn cho thành viên, hộ liên kết các phương thức sản xuất an toàn, từ xử lý ao nuôi, gieo giống, đến chăm sóc, thu hoạch. Vụ tôm đầu năm 2018, HTX Xuân Thành thả 15 triệu con tôm giống thẻ chân trắng, tăng 4 triệu con so cùng kỳ năm 2017. Để có giống tôm chất lượng cao, HTX trực tiếp ký hợp đồng với Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam và Tập đoàn Việt - Úc. Năng suất cao, giá thành ổn định giúp HTX thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ thành viên với mức thu nhập bình quân năm 2017 là 150 - 200 triệu đồng.
Ghi nhận tại vùng nuôi tôm xã Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, hai năm nay, nhất là các vụ nuôi đầu năm, hoặc vụ thu hoạch trong dịp Tết, sản lượng tôm đạt khá cao, bình quân 8 - 9 tấn/hồ (3.000 m2), năng suất bình quân trên 25 tấn/ha; phần lớn các hộ nuôi đều có lãi từ vài trăm triệu đến trên 500 triệu đồng/vụ/hồ. Quy hoạch tổng thể nuôi tôm trên cát toàn huyện Phong Điền với diện tích 898,84 ha. Đến nay, huyện đã phê duyệt quy hoạch bổ sung và quy hoạch chi tiết hạ tầng nuôi thủy sản trên cát ven biển xã Điền Hòa 56,78 ha, xã Phong Hải 166,55 ha và xã Điền Hương 386,16 ha.
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm trên cát cho năng suất và sản lượng cao, tập trung ở các huyện ven biển, như: Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia của tỉnh Thanh Hóa. Với những ưu điểm như chủ động được mùa vụ, thu hoạch dễ dàng, rủi ro thấp... nhiều mô hình đã phát triển theo hướng bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao. Anh Trần Văn Lợi, thôn Tân, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương là một điển hình tiêu biểu khi đầu tư 20 tỷ đồng làm mô hình nuôi tôm trên cát. Đến nay, mỗi vụ sản lượng trung bình đạt 200 - 250 tấn, trừ chi phí anh thu lãi gần 10 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động, với thu nhập 5 - 9 triệu đồng/người. Trung bình 1 năm, gia đình anh Hội nuôi 2 vụ, sản lượng trung bình 60 tấn/năm, trừ chi phí, anh thu về 700 triệu đồng.
>> Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có gần 99.000 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng khoảng 427.000 tấn tôm thương phẩm mỗi năm, mang lại một nguồn thu nhập lớn cho ngư dân ven biển.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao