Tin thủy sản Giải pháp nuôi cá lồng hiệu quả, bền vững

Giải pháp nuôi cá lồng hiệu quả, bền vững

Author Mai Chiến, publish date Tuesday. August 21st, 2018

Giải pháp nuôi cá lồng hiệu quả, bền vững

Tại diễn đàn, ban chủ tọa cùng ban cố vấn đã trả lời 25 câu hỏi của người dân. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề như sản xuất con giống, thức ăn...

Đoàn đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng của HTX Hợp Lực

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Sơn La vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi cá lồng hiệu quả cao, bền vững trên sông và hồ chứa vùng trung du miền núi phía Bắc” với sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ 5 tỉnh khu vực phía Bắc.  

Tiềm năng lớn

Theo Vụ nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), năm 2017, diện tích nuôi cá lồng, bè của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc khoảng 7.000 lồng (tăng gần 15% so với năm 2016); sản lượng đạt 9.690 tấn (tăng 17% so với năm 2016). Mặc dù, nuôi cá lồng, bè chưa tạo thành hàng hóa tập trung xuất khẩu nhưng mang lại hiệu quả xã hội rất lớn, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, giải quyết việc làm, giảm tệ nạn phá rừng.

Tỉnh Sơn La có khoảng trên 8.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 2.735ha ao, trên 500ha hồ đập lớn nhỏ, gần 500ha ruộng lúa có thể kết hợp nuôi cá. Có 2 con sông lớn là sông Đà và sông Mã, 35 dòng suối lớn nhỏ.

Ngoài ra, còn có hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La với diện tích mặt nước thuộc địa phận tỉnh Sơn La trên 20.000ha (hồ thủy điện Hòa Bình thuộc địa phận Sơn La 7.900ha, hồ thủy điện Sơn La 13.000ha), là tiềm năng lớn để phát triển thủy sản.

Với lợi thế về diện tích mặt nước, điều kiện khí hậu, nhiệt độ môi trường nước cũng như các điều kiện tự nhiên khác, hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La có thể phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá chép, trắm, chiên, lăng, nheo... đặc biệt là cá tầm.

Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.455ha, trong đó diện tích nuôi cá ao, hồ nhỏ là 3.282ha, nuôi cá ruộng 173ha. Số lượng nuôi cá lồng 6.570 lồng (tương đương với 950.000 m2 diện tích mặt lồng). Tổng sản lượng đạt 16.700 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng 15.660 tấn, khai thác 1.040 tấn) đảm bảo cung cấp khoảng 80% giống thủy sản sạch bệnh phục vụ sản xuất. Giá trị sản lượng thủy sản ước đạt 700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6.000 lao động.  

Giải đáp câu hỏi

Tại diễn đàn, ban chủ tọa cùng ban cố vấn đã trả lời 25 câu hỏi của người dân. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề như sản xuất con giống, thức ăn; phòng chống dịch bệnh, cách vệ sinh lồng bè, môi trường và chính sách hỗ trợ...

Anh Mùi Văn Thứng (Mộc Châu, Sơn La) hỏi: “Tại Mộc Châu, ở những vùng bán ngập, dòng nước không ổn định, lúc lên, lúc xuống, thi thoảng nguồn nước bị ô nhiễm, đục ngàu. Vậy, tôi hỏi ở những vùng này có nuôi được cá tầm không?”.

“Ở những vùng nước không ổn định, hay bị lũ lụt thì không nên nuôi, bởi cá tầm là loài sinh sống ở môi trường nước có nhiệt độ dưới 25°C và phải đảm bảo độ trong từ 30 - 40cm. Ngoài ra oxy hoà tan luôn lớn hơn hoặc bằng 5 mg/l”, chuyên gia tư vấn.

“Gia đình tôi có nuôi ao cá với 1.000m2, chủ yếu là cá trắm cỏ, hiện cá thường xuyên xuất hiện bệnh đầu đen, thân đen. Vậy cách trị bệnh này như thế nào”, anh Đinh Văn Ánh (Sơn La) hỏi.

Ban cố vấn trả lời: “Cá đang bị bệnh do vi khuẩn gây ra. Trường hợp này, gia đình cần kiểm tra lại chất lượng môi trường nước, có thể đang bị thiếu oxy, khí độc nhiều nên thân cá chuyển sang màu đen, mang cá bị sưng và có nhiều nhớt. Gia đình cần phải xử lý môi trường nước cả ao nuôi theo thuốc tím, muối… bằng cách hòa tan và té đều lên ao để xử lý môi trường. Ngoài ra, cho cá ăn bột tỏi với liều lượng phù hợp”.

“Hiện một số HTX trên địa bàn huyện đã nhận được hỗ trợ lồng cá theo Nghị quyết 88, Nghị quyết 57 của HĐND tỉnh, tuy nhiên còn một số HTX, các hộ chưa được hỗ trợ, mà Nghị quyết 76 của HĐND tỉnh ra đời thay thế Nghị quyết 88, Nghị quyết 57. Vậy chúng tôi có tiếp tục được hỗ trợ nữa không và phương thức hỗ trợ như thế nào?”, anh Lò Văn Đy (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) hỏi.

Với câu hỏi này, ông Nguyễn Hoài Thu, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai trả lời rằng: “Những thành viên trong HTX mà làm hồ sơ, đề nghị hỗ trợ trước thời điểm Nghị quyết 76 có hiệu lực thi hành đã được huyện tiếp nhận và đã trình lên UBND tỉnh thì vẫn được tiếp tục hưởng tiền hỗ trợ khi đã được UBND tỉnh phê duyệt. Còn những hộ, HTX làm tờ trình và xây dựng lồng cá sau thời điểm Nghị quyết 76 của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành thì không được hưởng chính sách chế độ hỗ trợ làm lồng cá nữa nhưng vẫn tiếp tục hưởng những chính sách khác theo Nhị quyết 76 của HĐND tỉnh”.  

Một số khuyến cáo

Tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, để hạn chế rủi ro, người nuôi cá lồng cần thực hiện tốt một số nội dung như thiết kế lồng phù hợp với điều kiện thực tế, khu vực nuôi, căn cứ vào dòng chảy, chất đáy nuôi và từ đó tính đến vật liệu làm lồng.

Lựa chọn chất lượng con giống tốt, mua ở cơ sở có uy tín, được kiểm dịch trước khi mua, mua giống khỏe mạnh, đều cỡ, không bệnh tật, không xây xát và có địa chỉ rõ ràng.

Thực hiện phòng trị bệnh tổng hợp để tăng sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách vệ sinh lồng định kỳ, bổ xung vitamin C, tỏi tươi và chế phẩm sinh học. Quản lý thức ăn, môi trường nuôi thật tốt.

Tổ chức liên kết theo chuỗi, không nuôi nhỏ lẻ, manh mún tự phát, tránh trường hợp không biết bán cho ai. Hay nói cách khác, bà con không nên nuôi theo kiểu “3 không” gồm không có hợp đồng tiêu thụ, không biết bán cho ai và cũng không biết giá bán bao nhiêu.

Ngoài ra, thực hiện tốt công thức 5 cao + 3 thấp: 5 cao (tốc độ sinh trưởng cao, tỷ lệ sống cao, năng suất cao, hiệu quả cao và số vụ thành công cao), 3 thấp (chi phí thức ăn thấp, giá thành thấp, thiệt hại thấp nhất).

Bên cạnh đó, người nuôi cá lồng cần thường xuyên bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn. Đây là tiến bộ kỹ thuật, vì nếu bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn sẽ giúp cá sinh trưởng nhanh, hạn chế bệnh về đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh…

Trước đó, đoàn đại biểu đã đi tham quan mô hình nuôi cá lồng của HTX Hợp Lực, TP Sơn La. Tại đây, anh Lâm Đức Độ, thành viên HTX Hợp Lực chia sẻ, năm 2015, HTX bắt đầu nuôi cá lồng với các đối tượng như cá nheo, lăng, trắm đen và bắt đầu thu hoạch sau 9 - 15 tháng nuôi. Mật độ trung bình 500 con/lồng.

Năm 2017, kết quả thu hoạch đạt trung bình khoảng 1,3 tấn/lồng, doanh thu bình quân đạt 85 triệu đồng/lồng, lợi nhuận bình quân đạt 21,5 triệu đồng/lồng. Hiện HTX đang nuôi 200 lồng. Thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.


Phía sau thực trạng ngành tôm thế giới Phía sau thực trạng ngành tôm thế giới Để vụ lúa song hành cùng vụ tôm Để vụ lúa song hành cùng vụ tôm