Giảm Giá Thành Thức Ăn Nuôi Thủy Sản
Có thể nói thức ăn thủy sản Việt Nam đang nằm trong sự “thống trị” của các doanh nghiệp nước ngoài, khi nắm giữ tới 80% thị phần. Thức ăn cho tôm là sự “độc bá” gần như 100% của Uni-President, Grobest (Đài Loan), CP (Thái Lan), Tomboy (Pháp)… Với thức ăn cho cá tra, Cargill (Mỹ), Green Feed, Proconco (liên doanh với Pháp), Anova… cũng chiếm tới trên 60-70%.
Sự “phong tỏa” không ngừng
Tôm là thế mạnh bậc nhất trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhưng thị trường thức ăn cho tôm hoàn toàn lọt vào tay các DN nước ngoài. Diện tích nuôi tôm ngày càng mở rộng, nhu cầu thức ăn cho tôm ngày càng lớn nhưng DN trong nước không thể chen chân. Tình hình cũng tương tự đối với cá tra, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo đánh giá của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện sản xuất thức ăn cho cá tra góp mặt tên tuổi của vài DN Việt Nam như Việt Thắng, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Cỏ Mây… Các DN này tồn tại được nhờ từ lâu đã có chu trình sản xuất khép kín từ thức ăn, con giống cho đến tiêu thụ sản phẩm chứ không phải nhờ sự phân phối ra thị trường.
Trong khi đó, các DN nước ngoài liên tục có kế hoạch phát triển, xây dựng thêm nhà máy và mở rộng quy mô sang các lĩnh vực tiệm cận. Đại diện Công ty Uni-President Việt Nam cho biết, hiện thức ăn dành cho tôm của Công ty chiếm 30-35% thị phần, thức ăn dành cho cá da trơn chiếm gần 10% thị trường Việt Nam. Và riêng 3 “ông lớn” là Uni-President Việt Nam, Grobest và C.P Việt Nam đã chiếm tới 70-80% thị phần thức ăn cho tôm.
Với 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, hàng năm Uni-President Việt Nam cung cấp sản lượng 300.000 tấn/năm. Công ty Green Feed cũng đã tăng vốn đầu tư lên 80 triệu USD (lúc đầu là 25 triệu USD), với kế hoạch ngoài 4 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản hiện nay, họ sẽ đầu tư mạnh vào sản xuất con giống thủy sản chất lượng cao để cung cấp cho thị trường Việt Nam trong năm nay. Riêng Công ty C.P Việt Nam, Tổng Giám đốc Sooksunt Jiumjaiswanglerg đã tuyên bố rằng, ngoài việc mỗi năm cho ra đời 1 - 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sắp tới họ sẽ còn lấn sân sang lĩnh vực chế biến thủy sản, với việc xây dựng mới nhà máy chế biến tôm ở Huế và nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại Bến Tre.
Áp lực lớn lên người nuôi
Cơ chế thị trường, DN có thị phần càng lớn, càng dễ thống lĩnh về giá. Và từ đầu năm đến nay, giá thức ăn thủy sản tăng tới 6 – 7 lần, mỗi lần 200 – 300 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi lẫn thủy sản từ trước đến nay chỉ có một chiều tăng chứ chưa hề giảm. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, trong nuôi cá tra, thức ăn chiếm tới 80% giá thành. Nhưng quản lý nhà nước thời gian qua đã bỏ qua những doanh nghiệp sản xuất thức ăn dẫn đến giá tăng liên tục, từ đầu năm đến giờ đã tăng hơn 35%. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi cá tra.
Thực tế cho thấy, mặc dù giá cá tra, tôm nguyên liệu tăng lên nhưng người nông dân vẫn khó lòng mặn mà với việc nuôi trồng hai loại thủy sản đang được ưa chuộng này. Nhiều diện tích nuôi tôm, cá tra tại ĐBSCL liên tục giảm.
Nguyên nhân là do các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn, giá cá giống tăng mạnh khiến chi phí đầu tư nhảy vọt. Theo các nông dân nuôi cá tra ở tỉnh Tiền Giang, để đầu tư được 100 tấn cá tra cần tới 2,2 tỷ đồng (trung bình 1 hecta cho sản lượng 300 tấn). Mặt khác do “dư chấn” của những vụ nuôi cá thua lỗ năm 2008-2009 nên nhiều người dân thiếu vốn sản xuất.
Do đó hiện nay ở Tiền Giang, diện tích nuôi cá tra chủ yếu là của doanh nghiệp chế biến thủy sản thuê ao của dân để chủ động nguồn nguyên liệu. Nhiều nông dân nuôi tôm cũng luôn trong tình trạng thắc thỏm với mỗi khi giá thức ăn tăng. Theo ông Võ Hồng Ngoãn, “Vua tôm” Bạc Liêu, tôm là đối tượng nuôi cho năng suất, lợi nhuận cao nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro, và sự thất bại dễ dẫn đến trắng tay, khiến người nuôi khánh kiệt. Vì thế, các yếu tố đầu vào như thức ăn, con giống mà không ổn định thì người nông dân không dám mạo hiểm với đối tượng nuôi này.
Theo đại diện một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản thì hiện nay có tình trạng một số doanh nghiệp thức ăn của Trung Quốc chiết khấu cho đại lý từ 5.500-6.000 đồng/kg, làm cho nhiều DN sản xuất thức ăn băn khoăn và mong muốn Nhà nước can thiệp vì đây cũng là lý do khiến giá thức ăn tăng trong thời gian qua.
Chung tay bình ổn giá đầu vào
Trước tình trạng giá thức ăn thủy sản liên tục tăng cao và luôn chịu chi phối từ các DN sản xuất thức ăn nước ngoài, thì vấn đề đặt ra là bình ổn giá thức ăn trên thị trường. Đây là niềm mong mỏi lớn của rất nhiều người nông dân. Tuy nhiên, để làm được điều này lại không dễ.
Theo ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, về luật, Nhà nước không can thiệp sâu vào doanh nghiệp kinh doanh, mà chỉ khuyến cáo. Bộ NN&PTNT khuyến cáo xem lại giá thức ăn chăn nuôi có hợp lý hay không, các công ty viện lý do giá nguyên liệu, lạm phát tăng… nhưng không hợp lý. Họ đã đưa ra giá mặt bằng chung và người nuôi phải chấp nhận. Vì vậy, khi khuyến cáo, các doanh nghiệp không nghe thì cần vận động tẩy chay đối với những sản phẩm tăng giá không hợp lý, chất lượng không đảm bảo.
Tuy nhiên, trên thực tế, thói quen tẩy chay hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người nông dân, vốn ít xảy ra, thậm chí là không. Vì thế, giải pháp bình ổn giá bằng phương pháp tẩy chay thực ra còn khá xa. Người nông dân vẫn cần một biện pháp mạnh mẽ hơn từ phía quản lý nhà nước để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao