Mô hình kinh tế Giảm nóng xây nhà nuôi chim yến

Giảm nóng xây nhà nuôi chim yến

Publish date Thursday. May 14th, 2015

Giảm nóng xây nhà nuôi chim yến

Nguyên nhân chính có lẽ là do là do khả năng phát triển đàn của chim yến không theo kịp với tốc độ xây nhà nuôi trong giai đoạn quá “nóng” vừa qua.

Một thời, nhiều người đánh giá rằng, thu hút đầu tư vào địa bàn TX. Gò Công mạnh nhất là vào lĩnh vực xây nhà dẫn dụ và nuôi chim yến. Bởi nếu tính toán sơ bộ có thể thấy rằng, mỗi căn nhà nuôi chim yến có vốn đầu tư ít nhất là phải 1,5 tỷ đồng nhưng thường là trên 2 tỷ đồng/căn.

Thống kê sơ bộ, ở TX. Gò Công giờ đây có 281 căn nhà nuôi chim yến, nên tổng vốn đầu tư cho nhà nuôi chim yến trên địa bàn thị xã cũng dao động từ 420 - 560 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ. Nhưng vấn đề đáng bàn ở đây không phải là số vốn đầu tư đã thu hút được vào lĩnh vực này mà cái chính là ở hiệu quả đầu tư đạt được đến mức độ nào.

Bởi thực tế cho thấy rằng, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, việc xây nhà nuôi chim yến được thực hiện rầm rộ ở các huyện phía Đông, tập trung nhất là ở TX. Gò Công nhiều nhất là ở phường 1, phường 4, xã Long Chánh và Long Hòa và trở thành địa phương có số lượng nhà nuôi chim yến đứng đầu tỉnh; với quy mô mỗi nhà nuôi chim yến ngày càng lớn, có nhà lên đến 5 - 6 tầng. TX. Gò Công là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng nghề nuôi chim yến nhanh nhất của tỉnh.

Ông Trần Thanh Hoàng cho rằng, phong trào nuôi yến chỉ manh nha ở TX. Gò Công cách đây vài năm, bắt đầu từ Dinh Tỉnh trưởng (cũ) và chợ Gò Công, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển rất nhanh. Theo những người nuôi, yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực tế lượng tổ yến đã thu hoạch cũng như hiệu quả cụ thể thì người nuôi vẫn chưa cho biết con số chính xác

Phong trào nuôi chim yến một thời cũng đã lan nhanh sang các xã ven sông Tiền thuộc huyện Gò Công Tây. Nghề nuôi yến phát triển cũng hơn 10 năm nay và ông Mười Thiết, xã Long Bình là người đầu tiên nuôi yến trong vùng. Đến nay, toàn huyện có trên 50 cơ sở nuôi yến ở Long Bình, Long Vĩnh, Bình Tân, Thạnh Nhựt; trong đó xã Long Bình có đến khoảng 40 cơ sở nuôi.

Còn theo thống kê của Sở NN&PTNT gần đây, trên địa bàn tỉnh hiện có 450 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến, tập trung chủ yếu trên địa bàn TX. Gò Công, Gò Công Tây, Tân Phú Đông… Điều đáng lưu tâm là, đến thời điểm hiện nay chưa có khảo sát cụ thể nào về hiệu quả kinh tế của các nhà nuôi chim yến, bởi người nuôi không cung cấp thông tin chính xác. Đây cũng là vấn đề khó trong công tác quản lý.

Nhưng theo đánh giá sơ bộ, nhìn chung các nhà nuôi chim yến đều phát huy hiệu quả nhưng vấn đề là thời gian thu hồi vốn nhanh hay chậm mà thôi. Bởi khi đã có chim yến vào làm tổ chắc chắn sẽ nhân đàn nhưng chỉ phụ thuộc vào thời gian nhanh hay chậm.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, các huyện ven biển phía Đông có điều kiện phát triển nghề nuôi chim yến nhờ điều kiện thủy văn thích hợp, có diện tích rừng ngập mặn, gần biển, nguồn thức ăn dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến chủ yếu là cơi nới xây chung với nhà ở của con người, xen lẫn trong khu dân cư, nơi dẫn dụ và gây nuôi chim yến lại mất vệ sinh, có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt đối với virut cúm gia cầm.

Trước thực trạng nuôi chim yến nuôi chim yến diễn ra một cách ồ ạt thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tiến hành khảo sát để đi đến ban hành các quy định về nuôi chim yến, xác định, động vật hoang dã này là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý, là bộ phận quan trọng tạo nên cân bằng sinh thái.

Tuy nhiên, động vật hoang dã cũng là nguồn lây lan một số dịch bệnh nguy hiểm cho con người nên cần quy hoạch vùng nuôi và quản lý chặt chẽ. Theo ông Trần Thanh Hoàng, mới đây Sở NN&PTNT cũng đã liên kết với tỉnh Khánh Hòa nhằm thực hiện quy hoạch lại vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu quản lý và kiểm soát một cách tốt hơn.


Triển vọng từ mô hình nuôi hươu lấy nhung Triển vọng từ mô hình nuôi hươu lấy… Phòng bệnh cho gia súc trong thời tiết nắng nóng Phòng bệnh cho gia súc trong thời tiết…