Tin nông nghiệp Giảm rủi ro cho nông sản sạch

Giảm rủi ro cho nông sản sạch

Author M.Vinh, publish date Thursday. April 27th, 2017

Giảm rủi ro cho nông sản sạch

Người trồng rau bắt đầu an tâm đầu tư sản xuất sạch sau khi ký hợp đồng liên kết và bao tiêu với DN, không còn sợ cảnh được mùa mất giá như trước.

Sản xuất xà lách ứng dụng công nghệ thủy canh trong nông trại liên kết với VinEco tại Đà Lạt - Ảnh: Bảo Chi

Tại hội thảo “Lan tỏa mô hình sản xuất nông sản sạch” do Tập đoàn Vingroup tổ chức tại Đà Lạt ngày 25-4, nhiều nông dân cho rằng dù đôi lúc cảm giác “khó chịu” với các tiêu chí mà doanh nghiệp (DN) đưa ra, nhưng đồng thời cũng an tâm đầu tư sản xuất sạch sau khi ký hợp đồng liên kết và bao tiêu với DN, không còn sợ cảnh được mùa mất giá như trước.

Nằm trong nhóm nông dân đi đầu trong canh tác bưởi sạch ngay khi được VinEco ký hợp đồng thu mua bao tiêu dài hạn, ông Nguyễn Văn Bửng, chủ nhiệm HTX bưởi sạch Giồng Trôm (Bến Tre), khẳng định không nông dân nào muốn sản xuất kiểu chụp giựt, lạm dụng phân bón, thuốc hóa học.

Tuy nhiên, sản xuất đàng hoàng rất tốn kém, nếu không được bao tiêu sẽ dễ rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, thua lỗ nặng.

“Trước khi ký hợp đồng với VinEco, tui cũng từng tính đầu tư trồng trái cây VietGAP nhưng nghĩ đến cảnh không bán được trái cây khi vào mùa thu hoạch, phải mang ra mương đổ bỏ nên không dám làm”, ông Bửng nói.

Tương tự, ông Nguyễn Công Minh, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất ổi Minh Thọ (Cao Lãnh, Đồng Tháp), cho biết: “Từ khi sản xuất theo hợp đồng, tôi thấy khỏe hơn nhiều, cứ lo trồng cho cây ra trái thiệt ngon, còn chuyện bán mua đã có người ta lo, giá cả và lợi nhuận luôn ổn định chứ không còn lo trúng mùa thất giá như trước”.

Theo bà Ngô Phương Anh - chủ nhiệm dự án liên kết 1.000 nông hộ (VinEco), hoạt động liên kết với nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, do nông dân vẫn ưa sản xuất kiểu mua đứt bán đoạn tại vườn, không tuân thủ kế hoạch.

“Nhưng sản xuất theo phương thức này rất rủi ro, chất lượng nông sản không được kiểm soát, khó có thể chen chân ra thị trường”, bà Phương Anh cho biết.

Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó tổng giám đốc VinEco, cho biết không chỉ tuyển chọn kỹ những nông dân đủ điều kiện tham gia liên kết, DN này cũng tổ chức giám sát kỹ việc đảm bảo các tiêu chuẩn chứ không thể buông lỏng quản lý chất lượng, bởi các nông dân có trình độ sản xuất và tính tình khác nhau.

“Ngoài việc thường xuyên tập huấn kỹ thuật trồng trọt, cập nhật công nghệ mới cho nông dân, chúng tôi cũng phải có những giải pháp phát triển hạ tầng sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm cho phù hợp với đòi hỏi của thị trường”, bà Thảo khẳng định.

VinEco ký hợp đồng với 500 nông dân

Cũng tại hội thảo, VinEco (Tập đoàn Vingroup) cho biết đã ký hợp đồng hợp tác với 500 hộ sản xuất thuộc các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây.

Trước đó ngày 1-9-2016, tập đoàn này đã công bố khởi động chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” thông qua việc liên kết bước đầu với 1.000 HTX và hộ sản xuất.

Đến ngày 15-4, chương trình đã nhận được 2.000 đơn đăng ký từ các hộ nông dân trên toàn quốc.

Và sau quá trình sàng lọc, DN này đã chọn được 500 hộ sản xuất phù hợp, đến từ các vùng nguyên liệu nổi tiếng như Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây và một số tỉnh ở miền Bắc (Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương...) để ký kết hợp đồng và tổ chức sản xuất theo chương trình liên kết.


Quy trình chăn nuôi thân thiện cho ra sản phẩm thịt lợn sạch Quy trình chăn nuôi thân thiện cho ra… Người nuôi heo 'chết', đại lý thức ăn chăn nuôi cũng đang ngắc ngoải Người nuôi heo 'chết', đại lý thức ăn…