Tin nông nghiệp Giàu lên nhờ loài cây dân dã

Giàu lên nhờ loài cây dân dã

Author Thanh Hải, publish date Friday. December 13th, 2019

Giàu lên nhờ loài cây dân dã

Cây măng bói vốn là một món ăn dân dã của người Tày ở Văn Bàn (Lào Cai). Giờ đây, loại cây này không những trở thành đặc sản mà còn là giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu.

Nhờ trồng măng bói, nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu.

Cây măng bói không kén chọn đất trồng, nhưng đòi hỏi đất có độ ẩm ướt cao, và ở trồng ở nơi có khí hậu mát mẻ, loại măng này cho củ to, ngọt hơn. Trong khi đó, diện tích ở Văn Bàn chiếm tới 90% là đồi núi, và tới 50% là rừng.

Nói về cây măng bói, không ai không biết tới ông La Đức Bình ở thôn 2, xã Dương Quỳ. Ông Bình là người đầu tiên ở xã có ý tưởng cây măng bói đem ra trồng đại trà, tăng thu nhập cho gia đình.

Sau một thời gian ấp ủ và tìm hiểu về kỹ thuật, đặc biệt là cán bộ khuyến nông đã giúp ông Bình trồng thành công những khóm măng bói đầu tiên.

Số măng bói thu được cứ tăng dần theo hằng năm, từ vài chục kg, rồi hàng tạ. Trong khi giá bán măng bói trên thị trường khoảng 15 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu được hơn 20 triệu đồng từ bán măng và bán cây giống.

Tuy nhiên, ông Bình không giữ riêng những kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình nhờ cây bói. Ông sẵn sàng chia sẻ với những bà con khác trong xã. Đến nay ở Dương Quỳ có nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ có thu nhập từ cây măng bói.

Cây măng bói nay không còn là “độc quyền” ở Dương Quỳ mà những người nông dân ở xã Khánh Yên Thượng thấy thổ nhưỡng phù hợp đã đem loại măng này về trồng.

Ông Chế tâm niệm rằng, cây măng không chỉ giúp mình cải thiện, phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp giữ đất, bảo vệ môi sinh. Ông Chế hiện cung cấp măng bói với số lượng lớn cho nhiều nơi ở Lào Cai.

Măng bói được người thành phố rất ưa chuộng bởi đây là thực phẩm sạch, khi trồng không cần chăm tưới bằng các chất hóa học.

Đặc biệt, ông Phan Văn Chế, người Khánh Yên Thượng là một trong những điển hình giàu lên từ cây măng bói. Cho tới nay, ông Chế có khoảng 22ha cây măng bói, tương đương hơn 4.200 khóm.

Chỉ tính riêng vụ thu hoạch từ tháng 4-10 năm nay và cây giống, trừ chi phí ông Chế thu về khoảng 300 triệu đồng. Số tiền trên không chỉ lớn đối với một hộ nông dân mà còn là mơ ước của nhiều hộ gia đình ở Văn Bàn.

Ông Nguyễn Hữu Thiện – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn cho biết, trước đây, người dân chỉ khai thác măng bói chủ yếu trong tự nhiên, thì nay loại cây này được trồng đại trà và trở thành thế mạnh của nhiều xã. Ở Dương Quỳ có khoảng 20ha măng bói, nhưng phân tán rộng, không tập trung.

Đặc biệt, Khánh Yên Thượng là nơi tập trung nhiều diện tích măng bói nhất ở Văn Bàn và ông Chế cũng là hộ có diện tích măng bói lớn nhất huyện. Xã này vừa có đề xuất quy hoạch phát triển trồng thêm 50ha cây măng bói ngay trong năm 2019-2020. Hiện xã có đang có khoảng 30ha loại cây này.

UBND tỉnh Lào Cai đã cho phép sử dụng địa danh “Văn Bàn” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Măng Văn Bàn” cho các sản phẩm măng bói, măng sặt, măng vầu của huyện Văn Bàn.

Do về mặt kỹ thuật, trồng măng bói không yêu cầu cao nhưng đây là dòng cây có gióng nên ưa độ ẩm, độ mùn cao cây sẽ phát triển tốt hơn. Trong khi nhiều nơi ở Văn Bàn có độ ẩm tự nhiên khá phù hợp, ngay cả ở nơi khô hơn thì người dân cũng có thể vòi tưới và không cần chăm tưới tỉ mỉ như các loại rau.

Tuy nhiên, lựa chọn giống, trồng ươm, tách mần cũng cần hết sức bài bản, cũng không dễ thực hiện. Để có cây giống phải tách hom từ thân ra rồi ươm 1-2 năm sau đó mới cho sản phẩm.

Theo ông Thiện, thực tế ở nhà ông Chế và nhiều hộ gia đình khác, vòng đời mỗi gốc 7-8 năm nay vẫn đang cho thu hoạch ổn định. Bởi giống tre, vầu nếu có chăm sóc sẽ phát triển rất tốt.

Về vấn đề đầu ra, ông Thiện cho biết, măng bói chưa bao giờ bị ế, thời điểm thấp nhất cũng 10 nghìn đồng/kg. Chỉ thị trường trong tỉnh Lào Cai cũng đã tiêu thụ hết sản lượng măng bói của bà con trong huyện. Măng bói giờ còn xuất hiện ở các nhà hàng trong thành phố, họ mua rất nhiều.

Cũng theo ông Thiện về lâu dài, có thể xây dựng nhà máy chế biến để luộc và hấp chân không để bảo quản măng bói trong thời gian lâu. Bởi ăn măng tươi chỉ trong ngày. Tuy nhiên do yêu cầu thị trường vẫn chuộng sản phẩm tươi và sản phẩm chưa cần đến mức bảo quản tích trữ nên chưa cần thực hiện bước này.


Trồng sương sâm trong vườn xoài Trồng sương sâm trong vườn xoài Kiếm tiền từ trứng nước tại An Giang Kiếm tiền từ trứng nước tại An Giang