Mô hình kinh tế Gio An Chú Trọng Phát Triển Kinh Tế Đa Dạng Và Bền Vững

Gio An Chú Trọng Phát Triển Kinh Tế Đa Dạng Và Bền Vững

Publish date Wednesday. October 22nd, 2014

Gio An Chú Trọng Phát Triển Kinh Tế Đa Dạng Và Bền Vững

Từ lâu, xã Gio An (Gio Linh, Quảng Trị) luôn xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong đó chủ lực là trồng rừng, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Xã đã tiến hành khảo sát, thống kê về diện tích đất đai, điều kiện tự nhiên và những khó khăn, thuận lợi, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH phù hợp với thực tiễn địa phương, đưa ra các chương trình hành động cụ thể để khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở vùng gò đồi.

Trong đó, công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường được chú trọng. Tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích và tổng đàn nuôi. Chú trọng đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống tưới tiêu, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để đảm bảo sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng và thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các mô hinh kinh tế trang trại, gia trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, tổ chức có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng, phát triển trang trại, gia trại tổng hợp.

Hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết 03/NQ-HU của Huyện ủy Gio Linh về phát triển KT-XH vùng gò đồi và Chương trình hành động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nền nông nghiệp Gio An phát triển theo hướng đa dạng, bền vững, sản xuất theo hướng hàng hóa, năng suất, chất lượng đạt hiệu quả cao, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cung cấp cho công nghiệp chế biến, giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống người dân. Các tiềm năng, thế mạnh ở Gio An được đánh thức và phát huy hiệu quả.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Diện tích cây trồng ngắn ngày, dài ngày được mở rộng, trong đó, cây cao su tiểu điền đạt 403 ha, cho khai thác 143,8 ha; cây hồ tiêu đạt 84,3 ha. Diện tích trồng rừng phát triển mạnh với trên 50 ha, tập trung ở 3 thôn An Hướng, Tân Văn, An Nha.

Diện tích các loại cây lạc, sắn, khoai lang, môn từ tía trên 110 ha, trong đó có sự chuyển dịch về cơ cấu cây trồng, đó là diện tích lạc giảm để chuyển sang trồng sắn (80 ha) cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Các loại rau màu phát triển mạnh về diện tích, trong đó đặc biệt là cây xà lách xoong, có năng suất 32 tạ/ha, sản lượng 544 tấn.

Bên cạnh đó, Gio An luôn chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi. Toàn xã hiện có hơn 732 con trâu, bò, 579 con lợn, 6.528 con gia cầm, 2.000 con chim cút... Người dân trong xã còn tận dụng khai thác mặt nước ao, hồ hiện có, và chuyển một số diện tích đất hoang hóa, đất sản xuất lúa năng suất thấp sang phát triển nuôi trồng thủy sản với hơn 15,87 ha, sản lượng đạt trên 15 tấn/năm.

Nhờ sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương nên người dân đã đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa nhiều, có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, người dân đã đưa nhiều cây, con mới vào ứng dụng, đạt kết quả cao, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Hàng trăm mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp VAC, VACR… ra đời với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đặc biệt trên địa bàn xã có 1 trang trại và 17 gia trại cho thu nhập ổn định từ 300 triệu đồng/ năm trở lên. Tiêu biểu như mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Luyện ở thôn An Hướng cho thu nhập bình quân hàng năm trên 700 triệu đồng, hay như trang trại nuôi chim cút của gia đình anh Nguyễn Văn Tình ở thôn An Bình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Các ngành nghề ở địa phương ngày càng phát triển như cơ sở cơ khí sửa chữa, gò hàn, mộc, thương mại dịch vụ, các điểm thu mua hàng nông sản... cũng được mở rộng. Hiện nay các hộ kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh về số lượng, quy mô, có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Gio An hôm nay đã thực sự khởi sắc mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, hiện chỉ còn 8,39%. Kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá, điện thắp sáng đã được hoàn thiện góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Đây chính là đòn bẩy để Gio An tự tin trên hành trình khai thác có hiệu quả hơn nữa thế mạnh của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng nơi miền Tây Gio Linh.


Nhập Khẩu Các Mặt Hàng Xăng Dầu, Vải, Ngô... Tăng Mạnh Nhập Khẩu Các Mặt Hàng Xăng Dầu, Vải,… Kinh Tế Gò Đồi, Mũi Đột Phá Chiến Lược Ở Vùng Tây Gio Linh Kinh Tế Gò Đồi, Mũi Đột Phá Chiến…