Tin nông nghiệp Giống hồng vuông

Giống hồng vuông

Author Công Hào, publish date Wednesday. April 25th, 2018

Giống hồng vuông

2 giống hồng giòn có tên là Fuyu và Jito từ Nhật Bản có nhiều ưu điểm vượt trội so với một số giống hồng hiện có ở nước ta.

Hỏi: Vườn nhà tôi hiện có hơn 2 sào trồng giống hồng quả nhỏ của Lạng Sơn tuy sai quả, ít mất mùa nhưng vì giá thấp, nhiều khi không bán được nên hiệu quả không cao, đang định chặt đi để trồng cây khác. Tôi nghe nói ta mới nhập nội giống hồng vuông ăn ngon, chất lượng cao, bán rất đắt cũng muốn mua giống để trồng thay thế. Xin quí báo giới thiệu cho biết giống này, cách trồng và ở đâu có bán giống? (Hoàng Văn Đại - Thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy - Hòa Bình)

Trả lời: Theo yêu cầu của bạn, chúng tôi liên hệ với Viện Bảo vệ Thực vật, đơn vị nhập nội, trồng thử nghiệm thành công 2 giống hồng giòn có tên là Fuyu và Jito từ Nhật Bản. TS. Lê Đức Khánh, một trong những tác giả của giống hồng mới này cho biết, do có nhiều ưu điểm vượt trội so với một số giống hồng hiện có ở nước ta, hiện 2 giống hồng này đang được nhiều địa phương gây trồng hoặc ghép cải tạo để thay thế cho các giống địa phương.

Đặc điểm giống và yêu cầu sinh thái: Đặc điểm của 2 giống hồng này là quả to (200-300g/quả), mẫu mã đẹp, hình vuông hay hơi dẹt, vỏ chín có màu vàng đỏ, ruột vàng da cam, ăn giòn, ngọt, không chát, năng suất cao và khá ổn định (30-60kg/cây ở cây 5-6 năm). Ngoài ra 2 giống này còn có nhiều ưu điểm khác như: Quả chín sớm nên bán được giá cao (20-30 ngàn đồng/kg), thời gian chín kỹ thuật kéo dài khoảng 15 ngày, khi chín quả có thể để thêm 15 ngày mà vẫn giữ được độ cứng nên rất thuận tiện cho việc thu hái, vận chuyển, bảo quản và kinh doanh. Thời gian ra hoa vào cuối tháng 3, thu hoạch từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Hồng Fuyu và Joito thuộc nhóm không chát PCNA được trồng phổ biến ở nhiều nước có khí hậu ôn đới và á nhiệt đới, dùng ăn tươi và nguyên liệu chế biến hồng khô xuất khẩu rất có giá trị.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và ghép cải tạo giống: Theo các nhà khoa học, ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thông thường trong qui trình hướng dẫn trồng, chăm sóc cây hồng đã ban hành, bà con cần làm tốt một số việc sau đây khi trồng hoặc ghép cải tạo lại vườn cây bằng 2 giống hồng mới này:

- TS. Đỗ Đình Ca, Viện Nghiên cứu Rau quả khuyến cáo: Các giống hồng Fuyu và Jito chất lượng cao đòi hỏi điều kiện sinh thái khí hậu lạnh (từ 200-400 CU-đơn vị lạnh) do đó chỉ nên trồng ở những nơi có độ cao trên 500m so với mực nước biển, có điều kiện khí hậu mát, lạnh như Đà Lạt (Lâm Đồng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Ngân Sơn (Bắc Cạn) và những vùng có khí hậu lạnh tương tự (CU từ 200 trở lên); đồng thời phải có chế độ đầu tư, thâm canh lớn (phân bón, tưới tủ đầy đủ, cắt tỉa, tạo tán thường xuyên). Hồng Fuyu trồng ở nước ta sinh trưởng chậm, vì vậy việc tạo tán mất nhiều năm, có thể tạo theo kiểu bán cầu tròn và hình chữ Y kết hợp áp dụng kỹ thuật ghép nối đoạn cành vừa cải tạo vườn cũ vừa đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng để hình thành tán nhanh, sớm cho thu hoạch. Biện pháp tốt nhất là ghép cải tạo bằng giống Fuyu trên các giống hồng địa phương năng suất, chất lượng thấp, chỉ 2 năm là cho quả, 3 năm ổn định năng suất.

- Về kỹ thuật ghép cải tạo để thay giống, TS. Lê Đức Khánh hướng dẫn: Đốn loại bỏ hết những cành cách mặt đất 1-1,5m, cắt bỏ hết các cành nhỏ mọc ngược vào phía trong tán. Chọn 10-15 cành có đường kính 1,5-3cm để ghép bằng phương pháp chẻ bên hoặc ghép đoạn cành theo phương pháp ghép nối ngọn. Thời gian ghép thích hợp nhất là từ tháng 5 đến tháng 7 và ghép vào mùa cuối mùa đông. Sau khi các chồi mầm trên đoạn cành ghép phát triển, cắt bỏ tất cả các cành mọc phía dưới chỗ ghép nhằm kích thích cho mầm ghép mọc nhanh, mọc khỏe và duy trì thường xuyên chế độ chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh và đốn tỉa theo kiểu hình phễu để tạo ra bộ tán cho năng suất hồng cao nhất.


Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 24-30/4) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong… Lúa Nhật 'đánh bật' cả lúa lai lẫn lúa thuần Lúa Nhật 'đánh bật' cả lúa lai lẫn…