Giống khoai ngon nức tiếng: Sâm đất Bảo Ninh
Dưới lớp vỏ lụa mỏng màu tím đậm là lớp bột trắng mịn như thể hàng nghìn tinh thể được gắn kết với nhau. Khoai bùi mà mịn nên khi ăn không bị nghẹn, thơm và ngọt nhẹ. Loại “sâm đất” Bảo Ninh này thật khéo được lòng cả những ai khó tính nhất trong ăn uống.
Trong ảnh: Người dân thôn Cừa Phú bắt đầu trồng khoai trở lại nhưng còn ở dạng nhỏ lẻ, tự phát.
Giống khoai ngon nức tiếng
"Khoai Bảo Ninh ngọt thơm, bột nhiều, luộc ăn hay dùng nấu chè, làm bánh đều ngon nên bán được giá lắm! Hồi xưa, có khoai là có tất cả, tui nuôi mấy đứa con là nhờ trồng khoai mang bán”, bà Nguyễn Thị Cặn ở thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới rổn rảng kể.
Cũng theo lời bà Cặn, khoai Bảo Ninh củ nhỏ, đều nhau, luộc dễ chín, khoai nhiều bột, lại thơm ngon nên khách họ rất ưa. Giờ trên thị trường, những loại khoai lang khác họ bán cân chỉ có 15-20 ngàn. Riêng khoai Bảo Ninh lúc nào cũng có giá 45-50 ngàn/kg mà không phải cứ ưng là có, vì chẳng mấy ai trồng nữa, nhà tui cũng bỏ từ lâu rồi.
Hỏi chuyện, sao khoai được giá vậy mà ít người trồng, bà bảo, khoai giờ toàn 3 tháng đã thu hoạch, khoai Bảo Ninh phải 6 tháng mới có ăn thì dù được giá, tính ra cũng chẳng ăn thua. Giờ chỉ có thôn Cừa Phú là còn trồng khoai này thôi.
Trồng cực, chăm êm
Thôn Cừa Phú gần như là nơi duy nhất còn “bảo tồn” giống khoai truyền thống của xã Bảo Ninh. Ông Nguyễn Ngọc Lần, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Cừa Phú cho biết, giống “sâm đất” này “du nhập” vào Bảo Ninh từ những năm chiến tranh chống Mỹ. Hồi đó, hợp tác xã lấy về 2 giống khoai nhưng chỉ loại vỏ màu tím mới hợp với thổ nhưỡng vùng cát, khoai ăn bùi, thơm ngon hẳn.
Ông Lần dẫn tôi đến cánh đồng trồng khoai và rau màu của thôn Cừa Phú. Xen giữa những luống đậu, mướp đắng... lá xanh non là những vạt khoai lang tím ngăn ngắt mà tôi chưa từng thấy. Ông Lần bảo: “Ngó tím đẹp rứa nhưng lá, ngọn của nó chát lắm, không ăn được mô, giống khoai ni chỉ có ăn củ thôi. Cũng nhờ vậy mà sâu không ăn, nên từ lúc mô đến chừ trồng khoai ni, không phải thuốc thang chi cả”.
Vợ chồng ông Lê Xuân Tụy, bà Hoàng Thị Hoa là một trong những hộ trồng khoai lâu năm nhất và nhiều nhất ở xã Bảo Ninh. Mùa hè đi biển, mùa đông, vợ chồng ông lại gắn bó với cánh đồng này. Bà Hoa (61 tuổi) chia sẻ, lấy chồng, ra ở riêng được vài năm là tui bắt đầu trồng khoai đổi gạo nuôi con. Có dạo, bỏ khoai chuyển sang trồng rau màu, sau thấy thị trường bắt đầu “ham” loại khoai này, gia đình trồng trở lại. Đến giờ cũng đã 35 năm.
“Giống khoai ni trồng cực mà chăm êm (dễ- PV)”, ông Tụy chia sẻ. “Hắn lạ lắm, chỉ ngon khi trồng giữa vùng đất cát và phải trồng đúng mùa, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch. Mà o biết rồi, thời điểm đó, vùng cát khô nóng như răng. Giâm cành xong, bọn tui phải tưới thường xuyên để dây khoai có thể sống sót qua những ngày nắng và bắt đầu bén rễ”.
Ông Nguyễn Ngọc Lần cho biết thêm, đến tận bây giờ, người trồng khoai ở Bảo Ninh vẫn giữ cách thức trồng, chăm sóc truyền thống như thời hợp tác xã. Thu hoạch xong, củ khoai giống được cất nơi thoáng mát. Đến mùa, bổ củ ra làm 4, làm 5 rồi giâm vào đất, đợi khi ra nhiều ngọn thì cắt dây khoai mang đi trồng. Sau đó, người trồng khoai phải lên rừng bứt bổi (các loại lá cây rừng làm phân xanh- PV) mang về, đào rãnh, chôn xuống một bên hàng khoai đã trồng.
“Cứ mỗi sào khoai phải kiếm cho được 1 tấn bổi. Như nhà tui, vụ vừa rồi, phải kiếm gần 20 tấn bổi để trồng khoai”, ông Tụy tiếp lời. Tại sao mình không mua phân bón cho khỏe? Nghe tôi hỏi, ông Tụy cười lớn: “Rứa tui mới nói trồng khoai ni cực đó! Bọn tui đã thử bón những loại phân khác rồi, khoai cho năng suất thấp, củ nhỏ và chẳng thể ngon như khi dùng bổi. Nhưng được cái qua đoạn cực ni là êm, cứ thả rứa cho đến khi thu hoạch”.
Tìm hướng đi cho “sâm đất” Bảo Ninh
Chị Trang Nhung, một người làm du lịch kể, trong dịp dẫn tour khách về thăm, tìm hiểu vùng sản xuất rau an toàn ở Cừa Phú, chị cùng đoàn khách được biết đến loại khoai đặc biệt này. Nảy sinh ý tưởng giới thiệu đặc sản khoai Bảo Ninh và chị thực sự ngạc nhiên trước sức hút của nó. “Chưa khách nào chê cả và liên tục đặt mua để làm quà, dù giá thành khá cao và vận chuyển khó. Tuy nhiên, nguồn cung cấp quá ít ỏi nên khó khăn trong việc giới thiệu rộng rãi hơn mặt hàng này”, chị Nhung chia sẻ.
Ông Lê Xuân Tụy cho rằng, phải tuân thủ cách trồng, chăm sóc truyền thống thì khoai mới cho năng suất, chất lượng.
Ông Lần cho rằng, sở dĩ người dân chưa thực sự mặn mà với chuyện trồng khoai là bởi 6 tháng mới cho thu hoạch nên giữ đất quá lâu. Cũng trên một đơn vị diện tích đó, nếu trồng các loại rau màu thì quay vòng kinh tế nhanh hơn, thu nhập cao hơn. Mấy năm lại đây, người dân trồng khoai trở lại nhưng vẫn còn ở dạng tự phát, nhỏ lẻ. Hiện, cả thôn có gần 30 hộ trồng khoai với tổng diện tích khoảng 6 ha.
Ông trăn trở, e ngại tái diễn tình trạng “được giá, trồng nhiều” đến lúc “trồng nhiều lại mất giá”. Giá như xây dựng được thương hiệu, gắn với vấn đề bao tiêu sản phẩm để giữ lại giống khoai quý này thì hay biết mấy, ông Lần tâm sự.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết: Xã đã xây dựng thành công thương hiệu rau sạch theo chuẩn VietGAP. Vừa rồi, trong Đảng ủy cũng đã có ý kiến về việc phát triển mô hình trồng khoai lang nhưng do những vướng bận giải quyết các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển nên tạm gác lại. Sang năm 2017, chúng tôi sẽ tính toán đến việc này.
Ở thời điểm thực phẩm sạch, an toàn, không biến đổi gen đang là lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng, thì việc “bảo tồn” giống khoai Bảo Ninh với phương thức sản xuất truyền thống không chỉ đơn thuần là câu chuyện phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đây còn là cơ hội để quảng bá đặc sản của Quảng Bình cũng như gợi mở về hướng phát triển du lịch gắn với nền nông nghiệp truyền thống.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao