Tin nông nghiệp Giống lúa lai CS 866 được chọn xây dựng cánh đồng lớn

Giống lúa lai CS 866 được chọn xây dựng cánh đồng lớn

Author Hoàng Long, publish date Monday. May 10th, 2021

Giống lúa lai CS 866 được chọn xây dựng cánh đồng lớn

Huyện Diễn Châu (Nghệ An) sẽ chọn giống lúa lai 3 dòng CS 866 làm giống chủ lực trên các cánh đồng lớn của huyện.

Lúa CS 866 có nhiều ưu điểm, được nông dân huyện Diễn Châu đón nhận. Ảnh: Hoàng Long.

CS 866 là giống lúa lai 3 dòng chất lượng, năng suất cao do Công ty Anhui Longping Trung Quốc lai tạo và sản xuất. Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Miền Trung đã nhập nội, khảo nghiệm, đăng ký bảo hộ và kinh doanh phân phối độc quyền.

CS 866 đã được khảo nghiệm cơ bản từ vụ mùa 2017 trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia tại các tỉnh phía Bắc, trên nhiều dạng địa hình, khí hậu và được đánh giá là giống có triển vọng về năng suất, chất lượng. Dự kiến, trong năm năm 2021, lúa CS 866 sẽ được công nhận lưu hành giống.

Trong các vụ xuân 2019, 2020, lúa CS 866 được trồng trình diễn sản xuất diện hẹp tại huyện Diễn Châu (Nghệ An), cho năng suất và chất lượng cao.

Vụ đông xuân 2021, Phòng nông nghiệp huyện Diễn Châu cho phép Công ty Cổ phần Nông nghiệp Miền Trung ký kết hợp đồng sản xuất cánh đồng mẫu lớn giống lúa CS 866, diện tích trên 70 ha tại 2 xã Diễn Đồng và Diễn Lợi.

Bà Bùi Thị Sơn, xóm 7, xã Diễn Đồng cho hay, để sản xuất cánh đồng mẫu lớn, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Miền trung về tập huấn kỹ thuật gieo trồng cho các hộ tham gia mô hình; phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, các hộ gia đình theo dõi và đánh giá. Mô hình lấy đối chứng là giống lúa lai ba dòng Nhị ưu 838.

Theo hướng dẫn, bà Sơn cấy mật độ 35 khóm/m2; 1-2 dảnh/khóm; mỗi sào (500 m2) bón 500kg phân chuồng, 13kg Ure, 25 kg supe lân lâm thao, 10 kg kali. Bón lót trước khi làm đất lần cuối toàn bộ phân chuồng và phân lân; bón thúc lần 1 khi cấy được 7-10 ngày, bón 2/3 lượng đạm và 1/2 lượng Kali. Bón thúc lần 2 khi lúa đã bước vào giai đoạn làm đòng (trước trỗ 20 ngày) với 1/3 lượng đạm và 1/2 lượng Kali.

Ông Hoàng Minh Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ kinh doanh xã Diễn Đồng nhận xét, lúa CS 866 có thời gian sinh trưởng tương đương Nhị ưu 838 trong vụ xuân và vụ mùa, bộ lá gọn, xanh bền, sau 128 ngày có thể thu hoạch.

Ưu điểm của lúa CS 866 là khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt bệnh bạc lá, đạo ôn, và đạo ôn cổ bông, chịu rét khá, đẻ nhánh khỏe, số hạt chắc trên bông cao. Thực tế, qua gặt thử, năng suất lúa CS 866 tại cánh đồng xã Diễn Đồng đạt 79,2 tạ/ha trong vụ xuân, cao hơn so với đối chứng 11,8%.

Theo ông Thành, qua nhiều vụ thử nghiệm cho thấy, giống lúa CS 866 có thời gian sinh trưởng vụ xuân là 128 – 132 ngày. Đây là giống đẻ nhánh khoẻ, cứng cây, bản lá trung bình, màu xanh đậm, lá đứng lòng mo, bông to dài, hạt xếp gối, hạt dài màu vàng có râu; thân cây cứng, độ thuần đồng ruộng tốt, trỗ thoát nhanh 3- 5 ngày.

"Thời gian sinh trưởng của lúa CS 866 thuộc nhóm ngắn ngày, thích hợp gieo trồng trên những chân đất vàn và vàn thấp chủ động nước, phù hợp cơ cấu mùa vụ trên địa bàn xã”, ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, qua nhiều năm trồng thử nghiệm, với nhiều ưu điểm vượt trội giống đối chứng và các giống trong bộ giống hiện nay, CS 866 đã được bà con nông dân đón nhận. Nguyện vọng của người dân Diễn Đồng là sử dụng giống lúa này trên những cánh đồng lớn để sản xuất hàng hóa, được bao tiêu đầu ra.

Còn ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu khẳng định, với nhiều ưu điểm vượt trội so với giống đối chứng, huyện Diễn Châu đề nghị Công ty Cổ phần Nông nghiệp Miền Trung sớm hoàn tất thủ tục lưu hành giống Quốc gia. Dự kiến, trong những vụ xuân tiếp theo, lúa CS 866 sẽ là giống chủ lực trên các cánh đồng lớn của huyện Diễn Châu.

Giống lúa CS 866 có năng suất trung bình 70 - 80 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 85 – 95 tạ/ha. Tỷ lệ gạo xát đạt 71-73%. Hạt gạo trong, thon dài, chất lượng gạo ngon, hạt gạo trong, cơm mềm, vị đậm.

Giống thích hợp với chân đất thích vàn cao, vàn và vàn thấp. Lượng giống sử dụng 20 – 25 kg/ha (cấy), gieo thẳng 30 - 35 kg/ha.


Lưu ý nuôi lươn thương phẩm Lưu ý nuôi lươn thương phẩm Giải pháp giảm thất thoát phân bón Giải pháp giảm thất thoát phân bón