Tin nông nghiệp Giống vịt ngon số một xứ Tuyên

Giống vịt ngon số một xứ Tuyên

Author Đào Thanh, publish date Tuesday. August 31st, 2021

Giống vịt ngon số một xứ Tuyên

Những con vịt bầu Minh Hương tròn lẳn, chỉ uống nước suối, ăn thức ăn từ núi rừng, cho chất lượng thịt thơm ngon khiến người ta nhớ mãi khi đã được thưởng thức.

Vịt bầu Minh Hương là loài gia cầm cho thịt thơm ngon nổi tiếng ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Đặc sản núi rừng

Giống vịt bầu ở xã Minh Hương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) là loại vịt được đánh giá là ngon số 1 xứ Tuyên. Đây là giông vịt bản địa, được nuôi thả tự nhiên từ nguồn nước suối của cánh rừng đặc dụng Cham Chu và ăn thức ăn của núi rừng.

Do được nuôi tự nhiên nên vịt cho thịt chắc, độ ngọt sâu, thơm ngon, ít mỡ, tỉ lệ nạc cao, hương vị đặc trưng khác biệt so với các giống giống vịt khác. Vịt có mình tròn, cổ ngắn, chân ngắn và màu vàng, mỏ vàng. Trung bình mỗi con vịt trưởng thành có thể xuất bán nặng từ 1,9 kg đến 2,2 kg/con, giá bán từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng/kg.

Vịt bầu Minh Hương có thể bán quanh năm, nhưng ngon nhất vào những tháng mùa hè. Đây là dịp vịt có dinh dưỡng cao và độ ngọt thịt cao nhất. Bí quyết vịt bầu Minh Hương ngon có lẽ đó chính là nguồn gen tự nhiên vốn có của giống vịt bản địa.

Bởi vịt bầu Minh Hương trọng lượng bé, con lớn đột biến cũng chỉ 2kg nên có một thời người ta nghĩ đến chuyện nuôi vịt lai cho nhanh lớn và nhiều thịt. Bởi thế mà có thời điểm vịt bầu Minh Hương chỉ còn lại vài trăm con và lác đác nuôi tại những hộ gia đình “sành ăn”.

Bà Nông Thị Lịch, Giám đốc HTX Vịt bầu Minh Hương kể rằng, trước đây vịt bầu Minh Hương nuôi mỗi nhà chỉ vài con để ăn. Đây là giống ngon nên cũng hay được làm quà biếu. Đồng bào miền núi Tuyên Quang, ngoài Tết cổ truyền thì ngày rằm tháng 7 âm lịch cũng là một trong những dịp được tổ chức linh đình.

Đây là dịp để con cháu tụ họp quây quần, vì vậy người ta thường nghĩ đến món vịt bầu Minh Hương trong bữa cơm đoàn tụ. Nhưng không phải hộ nào cũng có thể tìm mua được vì số lượng vịt bầu Minh Hương trong dân rất hạn chế.

Trước tình trạng này, bà Lịch vận động bà con trong làng, trong xã tìm cách khôi phục lại đàn vịt. Bà cùng với các hộ như chị Phạm Thị Vân, ông Phạm Văn Thi, bà Hoàng Thị Ngọc, bà Hoàng Thị Thành, anh Lương Văn Tiếp… tiên phong nuôi nhân rộng.

Chỉ trong vài năm, đàn vịt là thức ăn đáng tự hào của người dân Minh Hương đã nhân rộng lên gấp năm, gấp mười, rồi gấp cả trăm lần. Vịt bầu Minh Hương không chỉ dừng lại bữa ăn trong gia đình của người dân Minh Hương mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa cho người dân có thu nhập và làm giàu.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã công nhận nhãn hiệu cho vịt bầu Minh Hương. Đây là dấu ấn chắp cánh cho con vịt bầu Minh Hương của bà con vùng quê núi bay xa hơn cả về thương hiệu và giá trị kinh tế. Những món ngon như vịt hấp, vịt xào xả ớt chua cay, vịt om sấu… được chế biến từ nguồn nguyên liệu là thịt vịt bầu Minh Hương nhanh chóng làm nức lòng người tiêu dùng và du khách gần xa.

Trong cái khó “ló” cái... khó hơn!

Bà Nông Thị Lịch, Giám đốc HTX Vịt bầu Minh Hương chia sẻ, vận động người dân nuôi nhiều vịt bầu đã khó, nhưng đến khi nhiều hộ nuôi với số lượng lớn thì trong cái khó lại “ló” cái... khó hơn! Đó là vấn đề tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định.

Khi các hộ nuôi ít, việc tiêm phòng những bệnh cơ bản cho đàn vịt được đảm bảo, vịt khỏe mạnh, lớn nhanh. Nhưng khi quy mô lên đến vài trăm và cả nghìn con thì vấn đề phòng bệnh được đặt ra. Các hộ nuôi không dừng lại ở việc ngồi nghe tập huấn, mà phải được đào tạo các kỹ năng, kiến thức cơ bản thì việc chăn nuôi mới đảm bảo.

Muốn chăn nuôi vững, trước hết đàn vật nuôi phải ổn định, khỏe mạnh để có hàng hóa cung cấp cho thị trường. Sau nữa là vấn đề kết nối tiêu thụ. Những hộ bám trụ và nhân rộng tổng đàn ở địa phương sau nhiều năm đến nay đều đã làm được điều này.

Trăn trở gỡ những cái khó nêu trên, bà Lịch vận động các hộ thành lập HTX chăn nuôi vịt. Năm 2018, HTX Vịt bầu Minh Hương được thành lập, là dấu ấn quan trọng cho việc nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương. HTX khuyến khích các thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như lựa chọn giống, thực hiện ấp nở bằng máy ấp nở trứng gia cầm tự động, chú trọng công tác thú y…

HTX Vịt bầu Minh Hương cũng đã thực hiện liên kết chăn nuôi, thu mua sơ chế và tiêu thụ hết sản phẩm cho người dân trên địa bàn. Đến nay, vịt bầu Minh Hương đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những sản phẩm có chất lượng. Đặc biệt năm 2020, vịt bầu Minh Hương đã được chứng nhận đạt 3 sao OCOP và được bạn hàng từ các thị trường Hà Nội, Phú Thọ đón nhận.

Gia đình anh Phạm Văn Thi, thôn 13, Minh Quang, xã Minh Hương nuôi vịt bầu Minh Hương từ năm 2011. Hiện nay, toàn trang trại của anh có 4.000 gia cầm, trong đó vịt bầu Minh Hương là hơn 2.500 con.

Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán 2 lứa, mỗi lứa 300 đến 400 con vịt bầu Minh Hương. Ngoài các nhà hàng tại Tuyên Quàng, vịt của anh đã đến được các nhà hàng ở Phú Thọ, Hưng Yên. Từ nuôi vịt, mỗi năm anh lãi khoảng 400 triệu đồng. Năm nay, ảnh hưởng dịch Covid-19, vịt khó bán nên việc chăn nuôi của anh cũng gặp khó khăn.

Anh Thi chia sẻ, so với giống vịt thông thường, vịt bầu Minh Hương kháng bệnh tốt hơn. Nuôi giống vịt bầu Minh Hương anh Thi phải mất hơn 3 tháng chăm sóc mới được xuất chuồng vì chúng lớn chậm hơn. Thế nhưng vịt thông thường giá chỉ 40 đến 50.000 đồng/kg thì vịt bầu Minh Hương có giá 100.000 đồng/kg thịt hơi, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.

Ngoài nguồn gen quý, vịt bầu Minh Hương thơm ngon bởi chúng được ăn những thức ăn sạch. Đó là ngô trên núi, là rau cỏ vườn nhà. Mỗi ngày anh Thi cho chúng đi thể dục, để chúng tung tăng bơi lội trên dòng suối nước trong vắt từ nguồn núi Cham Chu rồi thỏa chí săn mồi và thưởng thức những con cá, con cua trên dòng suối.

Những năm qua, xã Minh Hương và các xã giáp ranh như Bình Xa, Tân Thành, Phù Lưu của huyện Hàm Yên đã chú trọng gia tăng đàn vịt bầu Minh Hương cả về số lượng và chất lượng. Do vậy đến nay, đã có khoảng 20 hộ nuôi từ 200 đến 300 con, cá biệt có hộ nuôi đến vài nghìn con vịt giống và thương phẩm.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên cho biết, nâng tầm thương hiệu vịt bầu Minh Hương, chính quyền địa phương đã chú trọng thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn như: Vốn dự án hỗ trợ chương trình giảm nghèo, vốn cải tạo nguồn gen của Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), vốn chương trình xây dựng nông thôn mới… để khuyến khích việc duy trì và nhân rộng mô hình chăn nuôi tại các hộ gia đình.

Hiện nay, tổng đàn vịt bầu Minh Hương tại các xã Minh Hương, Bình Xa, Tân Thành, Phù Lưu là 71.400 con, sản lượng thịt xuất chuồng hàng năm đạt 130 tấn. Riêng tại xã Minh Hương là 45.000 con, tổng sản lượng thịt xuất chuồng trên 81 tấn/năm.

Dù bước đầu đã có tiếng nhưng để nâng tầm thương hiệu vịt bầu Minh Hương, vẫn còn nhiều việc phải bàn. Bởi hiện nay hầu hết các hộ chăn nuôi còn nhỏ lẻ manh mún. Việc tiêu thụ vịt còn do các hộ chăn nuôi tự tìm thị trường, tự bán nên sự liên kết thành chuỗi giá trị còn lỏng lẻo và gần như chưa được hình thành. Bên canh đó, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến công tác thú y phòng bệnh chưa được chú trọng...


Sống khỏe nhờ bí kíp thụ tinh nhân tạo cho gà Sống khỏe nhờ bí kíp thụ tinh nhân… Ứng dụng TANO 606 trong ngăn ngừa và khắc phục thiếu Bo ở cây trồng Ứng dụng TANO 606 trong ngăn ngừa và…