Mô hình kinh tế Giống Yếu Tố Hàng Đầu Trong Nuôi Tôm

Giống Yếu Tố Hàng Đầu Trong Nuôi Tôm

Publish date Friday. February 28th, 2014

Giống Yếu Tố Hàng Đầu Trong Nuôi Tôm

Sau khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đến nay, ở Cà Mau, một số nông dân nắm bắt kịp thời kỹ thuật nuôi tôm đã trở thành tỷ phú. Nhưng vẫn còn hàng ngàn gia đình lao đao, nợ nần, khốn khó... Nguyên nhân do đâu?

Nếu khẩu hiệu hành động trong sản xuất lúa là nước - phân - cần - giống thì trong nuôi tôm lại khác: giống - môi - cần - thuốc. Trong đó, con giống đứng hàng đầu, môi trường đứng hàng thứ hai, cần (bao gồm kiến thức khoa học - kỹ thuật) đứng hàng thứ ba, còn thuốc (gồm cả thức ăn) đứng hàng thứ tư. Trong trồng lúa, giống không được tốt, nông dân vẫn không mất trắng, nhưng trong nuôi tôm, giống không tốt, người nuôi phá sản.

Chất lượng tôm giống - nhiều điều cần bàn

Hai mươi năm trước đây, khi tôm thiên nhiên đứng trước nguy cơ cạn kiệt, người ta tìm cách cho tôm đẻ và thuần dưỡng để nuôi lớn. Lúc đầu, người ta chỉ biết cho mỗi con tôm mẹ, sau khi giao vĩ, đẻ từ 1 - 2 lần. Đến khi bị cắt mắt, một con tôm mẹ có thể đẻ thêm mấy lần nữa.

Rồi sau khi lột và giao vĩ tiếp, con tôm mẹ đó có thể đẻ thêm rất nhiều lần nữa. Một con tôm mẹ có trọng lượng từ 150 - 500 gam, có thể đẻ đến 50 lần (!). Lúc nhỏ, đẻ khoảng 200.000 ấu trùng/lần; khi lớn có thể đẻ đến 1 triệu ấu trùng/lần.

Điều trớ trêu là, mỗi con tôm mẹ, đẻ hai lứa đầu, nuôi rất tốt, nhưng từ lứa thứ tư trở đi, tôm con sẽ èo uột, nuôi lâu lớn hoặc chỉ làm mồi cho các loài thủy sản khác, thậm chí còn trở thành thức ăn cho đồng loại. Nếu chọn được tôm mẹ là con tôm "phụng" (tướng tốt như rồng như phụng) sẽ cho giống tôm con tốt, nuôi mau lớn, năng suất cao và ngược lại.

Chủ trại và "kỹ sư" chăm sóc tôm cũng quyết định chất lượng tôm giống. Nếu cho tôm giống ăn thức ăn rẻ tiền, môi trường không tốt, kháng sinh nhiều... tôm vẫn lớn, vẫn bán được, nhưng khi đưa vào nuôi, nó không đủ sức mạnh và "bản lĩnh" để thích nghi hoàn cảnh mới, từ đó dễ bị nhiễm các loại bệnh.

Theo quy định chung, tôm bước vào "thị trường cuộc đời" (xuất xưởng) nhỏ nhất phải là P15. Giống như con người, tuổi trưởng thành ít nhất phải qua vị thành niên. Thế nhưng, gặp lúc thị trường khan hiếm, người ta có thể cho ra lò loại P12 hoặc P10, lúc đó con tôm chưa xòe đuôi, chưa thấy rõ mắt, đương nhiên chất lượng không bảo đảm.

Làm sao tìm được con giống tốt để mua nuôi, đó là trăn trở của hầu hết nông dân. Có thể nói đến giờ này, chưa có kỹ sư dạn dày kinh nghiệm nào dám nói chắc rằng chỉ nhìn “tướng” mà biết được con tôm đẻ vào lứa thứ mấy. Thế là, người mua đành phải gởi hết tiền bạc, vốn liếng của mình vào “mệnh trời”.

Hiện thực thị trường tôm sú giống

Từ những ngày đầu, người sản xuất tôm giống rất chú ý đến chất lượng. Bởi chất lượng không bảo đảm, thị trường không chấp nhận.

Nhưng đến khi phong trào nuôi tôm phát triển đại trà, nước mặn, lợ, ngọt đều nuôi được và người nuôi do không am hiểu kỹ thuật, nhắm mắt học theo bạn bè, cứ mua thả liên tục (thả gối đầu) với số lượng lớn (nuôi quảng canh chỉ thả 10.000 con/ha là vừa nhưng có người lại thả đến 20 - 30 ngàn hoặc 40 - 50 ngàn con/ha) làm cho thị trường tôm giống trở nên khan hiếm, người nuôi dễ bị thương lái lợi dụng.

Trong khi hiện nay con tôm bố mẹ cũng không còn dồi dào như trước, thậm chí phải nhập từ nước ngoài, người sản xuất chạy theo số lượng, đành để cho con tôm mẹ sinh nở quá nhiều lần.

Rồi do biết tôm nuôi không thể sống, người ta bán hạ giá đến mức kỷ lục, chỉ bằng 1/7 hoặc 1/10 của con tôm có chất lượng cao. Bà con nông dân thấy rẻ lại thích, không biết rằng đó là nguyên nhân gây cảnh thất mùa hết năm này sang tháng khác.

Hiện nay có một số chủ trại tôm giống, do ý thức được vị trí hàng đầu của con tôm giống, họ không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, tìm cách đưa đến tận tay người nuôi, không qua đại lý, không qua thương lái, không qua trung gian, càng không giới thiệu, quảng cáo... tất nhiên, tôm chất lượng cao, giá cũng cao, số lượng thả ít, đạt đầu con nhiều (tất nhiên là với ao nuôi đúng kỹ thuật).

3 yếu tố quan trọng sau giống

Khi nuôi tôm, môi trường, chăm sóc, thuốc men và thức ăn không thể xem nhẹ. Trong cuộc hội thảo “Nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản” tại Thới Bình, Tiến sĩ Vũ Nam Sơn và nhà sản xuất tôm giống Dương Hưng trình bày rất chi tiết về cách làm ao nuôi, đầm nuôi hoặc ruộng nuôi (một lúa - một tôm); chỉ rõ độ sâu, độ phèn, kiềm, khoáng, các loại vi sinh, thức ăn, cách chăm sóc, ngừa bệnh...

Nhưng sự giới hạn thời gian của một cuộc hội thảo không thể giúp bà con nông dân am hiểu tường tận làm thế nào để nuôi tôm đạt chất lượng và năng suất cao.

Nhiều năm qua, ngành thủy sản, các cơ quan chức năng và một số nhà doanh nghiệp đã tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật, nhưng có thể nói “liều lượng” chưa đủ để bảo đảm cho bà con nông dân nuôi tôm đạt năng suất cao.

Trong cuộc họp sơ kết đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm - lúa ngày 3/11/2010 vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh kết luận: Chúng ta chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của đề án; nhận thức của cán bộ cơ sở trong thực hiện, triển khai đề án thời gian qua là rất hạn chế. Trong thời gian tới sẽ có bước đi, lộ trình phù hợp cho công việc này.

Phải có biện pháp tối ưu và cứng rắn

Bước đi và lộ trình của việc nuôi tôm các loại đều phải tuân thủ nghiêm ngặt "giống - môi - cần - thuốc". Nhà nước phải tập trung tối đa cho việc sản xuất con tôm giống. Nếu chỉ dừng lại như cách làm nhiều năm qua thì việc nuôi tôm của Cà Mau chỉ là "dã tràng xe cát".

Biện pháp cứng rắn trước nhất tập trung vào khâu kiểm tra con giống và kiểm tra dịch bệnh. Nếu tôm không đủ kích cỡ hoặc mang mầm bệnh, phải lập tức bị tịch thu, hủy bỏ, người vi phạm phải bị xử lý theo luật định một cách nghiêm khắc. Đặc biệt là tôm ngoại nhập, không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc, xuất xứ nhưng bị pha trộn, lồng ghép, tôm chưa xòe đuôi, mở mắt phải cấm lưu hành triệt để trên thị trường.

Cần biểu dương, duy trì và phát triển các trại sản xuất tôm giống chất lượng cao; đồng thời tiến hành kiểm tra và xử lý tận gốc các trại sản xuất tôm chạy theo số lượng (cho tôm đẻ quá nhiều lần). Công việc này rất phức tạp nhưng không phải không thực hiện được.

Nhà nước nên dành kinh phí thỏa đáng cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật từ tỉnh đến xã, ấp; xem đây là yếu tố quyết định sự thành bại của nền kinh tế địa phương.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra mục tiêu trong 5 năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5 tỷ USD. Với điều kiện tự nhiên của Cà Mau, mục tiêu trên không phải quá lớn, nhưng nếu không có biện pháp mạnh và đúng, trong đó tôm sú giống giữ vai trò số 1 thì dù cố gắng đến đâu, phát động đến đâu cũng không thể mang lại kết quả như mong muốn.


Công Nghệ Nuôi Cá Lồng Xa Bờ Ở Trung Quốc Công Nghệ Nuôi Cá Lồng Xa Bờ Ở… Ôm Nợ Vì Cao Su Ôm Nợ Vì Cao Su