Mô hình kinh tế Giúp Nông Dân Giữ Nghề Truyền Thống

Giúp Nông Dân Giữ Nghề Truyền Thống

Publish date Saturday. February 22nd, 2014

Giúp Nông Dân Giữ Nghề Truyền Thống

Nghề làm nhang (hương) tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng trước đây do người dân chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công nên năng suất thấp, cuộc sống người làm nhang cũng vì thế mà không ổn định.

Để giúp nông dân ở đây phát triển kinh tế cũng như giữ lại ngành nghề truyền thống, Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân đã mạnh dạn đầu tư vốn mua máy móc, vật tư, hỗ trợ cho các hộ nghèo ở đây có điều kiện phát triển nghề làm nhang.

Cuối năm 2011, Hội Nông dân xã thành lập tổ hợp tác làm nhang với số lượng 90 thành viên. Từ tổ hợp tác này, Hội đã chủ động đề xuất huyện và thành phố hỗ trợ vốn, để hội viên nông dân xã mua máy móc, vật tư, nhằm tăng số lượng nhang làm ra hằng ngày. Cũng như đầu tư máy móc, thiết bị nên năng suất của các hộ làm nhang tăng vượt trội so với làm thủ công như trước đây.

Ông Nguyễn Văn Tư - Chi hội trưởng Chi hội ấp 2 cho biết, máy làm nhang ở đây được chia làm hai loại: Loại máy se tay và loại máy tự động. Đối với máy se tay, trung bình 1 người kiếm được 100.000 đồng/ngày, còn máy tự động thì 1 người kiếm được 200.000 đồng/ngày. Trước đây se nhang bằng tay năng suất không cao, trung bình 1 người 1 ngày chỉ làm được từ 8 - 9 thiên nhang (một thiên là 1.000 cây) nên chỉ kiếm được trên 30.000 đồng.

Cũng nhờ có sự hỗ trợ của Hội nên nhiều người làm nhang đã ổn định cuộc sống, yên tâm giữ nghề. Điển hình là hộ bà Phan Tuyết Lan ở ấp 2, trước đây thuộc diện hộ nghèo, đã được Hội hỗ trợ vốn mua một máy se nhang. Đến nay bà đã mua thêm được hai máy, trung bình mỗi ngày gia đình bà kiếm được 300.000 đồng. Tương tự, hộ ông Huỳnh Văn Tám và hộ ông Trương Văn Bảo (cùng ngụ ấp 2) cũng được Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn mua máy, nên đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Như Lan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân cho biết, đến nay hầu hết các hộ sản xuất nhang trong tổ đều có máy se nhang. Để phát triển nghề, ngoài nguồn vốn mà huyện và thành phố hỗ trợ, xã còn vận động các hộ khá hỗ trợ máy cho bà phát triển nghề nhang và nhận được sự ủng hộ tích cực.

Trong đó có đóng góp lớn bà Nguyễn Cát Bụi Thúy - Tổ trưởng Tổ hợp tác se nhang của chi hội 2. Bà đã hỗ trợ được 81 máy cho các hộ làm nhang, mỗi máy bà hỗ trợ 50% vốn không tính lãi, sau đó các hộ trả dần cho bà. Bên cạnh đó, bà Thúy còn chịu trách nhiệm thu gom nhang của các hộ để ổn định đầu ra.

Tuy nhiên theo bà Như Lan, hiện nay các hộ trong tổ hợp tác cần được hỗ trợ thêm vốn để nâng cấp máy se nhang tay lên máy tự động. Có như vậy thì khoảng 30 hộ thuộc diện nghèo của tổ hợp tác sẽ vươn lên thoát nghèo bền vững.


Nuôi Con Thành Tài Nhờ Cá Kiểng Nuôi Con Thành Tài Nhờ Cá Kiểng Xã Lê Minh Xuân Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Giá Trị Cao Xã Lê Minh Xuân Chuyển Đổi Cơ Cấu…