Mô hình kinh tế Gỡ Khó Cho Tôm, Cá

Gỡ Khó Cho Tôm, Cá

Publish date Thursday. July 18th, 2013

Gỡ Khó Cho Tôm, Cá

Ngày 5/7/2013, tại Cần Thơ, Chính phủ cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thủy sản vùng ĐBSCL. Trong đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng rất được quan tâm.

Theo ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình nuôi tôm 6 tháng đầu năm chuyển biến lạc quan. Trên vùng nuôi tôm từng xảy ra tôm chết vì dịch bệnh nặng nề trong 2 năm trước, vụ thả tôm năm nay đang hồi phục. Mức độ thiệt hại giảm chỉ còn 20% diện tích thả nuôi. Đó là nhờ bước đầu tìm ra tác nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý hiệu quả Hội chứng tôm chết sớm. Hiện nay giá tôm tăng cao là cơ hội cho người nuôi tôm.

Tuy nhiên trở ngại lớn nhất là hạ tầng vùng nuôi còn bất cập. Đáng lo nhất là vùng nuôi thâm canh cao. Bức xúc lớn nhất là còn 40% diện tích chưa thả nuôi được do những hộ dân này không có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, vì còn nợ từ mấy vụ nuôi tôm thất bại vừa qua. Hơn nữa, nhiều hộ dân nuôi tôm, nhất là hộ nghèo trông chờ triển khai chính sách bảo hiểm tôm nuôi.

Ngành hàng cá tra từng chứng minh sức tăng trưởng mạnh mẽ và lợi thế lớn. Nhưng mấy năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2013 đến nay, khó khăn nhiều chưa từng thấy; vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL giảm diện tích, chỉ có 4.300 ha thả nuôi và đã thu hoạch hơn 2.000 ha, sản lượng 545.718 tấn. Hiện, giá thức ăn thủy sản tăng 300 - 500 đồng/kg, thuốc thú y tăng 10%. Giá thành cá tra nuôi 20.000 - 24.500 đồng/kg. TP Cần Thơ tổng sản lượng 64.000 tấn, giảm 74% so cùng kỳ năm trước.

Người nuôi cá tính sau khi trừ chi phí, giá cá nguyên liệu bán ra lỗ 3.000 đồng/kg, sản xuất cá tra giống lỗ trung bình 1.000 đồng/kg. Cần Thơ đang có 3 hình thức nuôi cá tra: Doanh nghiệp có vùng nuôi, hộ dân nuôi gia công cho doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra riêng lẻ gặp khó khăn nhất hiện nay vì mua thức ăn tiền mặt, giá cao, một số thiếu vốn do doanh nghiệp nợ tiền cá nên sản xuất cầm chừng hoặc treo ao.

Giải pháp chấn chỉnh

Làm thế nào vực dậy và đưa ngành cá tra ra khỏi khủng hoảng, tạo chuyển biến trong sản xuất và tăng giá trị xuất khẩu?

Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), cho rằng trong 6 - 7 năm qua sản lượng nuôi cá tra khoảng 1,2 triệu tấn/năm là đã thừa nên giá giảm; thêm vào đó là hiện tượng tranh mua tranh bán. Cơ quan quản lý nhà nước cần chấn chỉnh và kiểm soát giảm sản lượng. Đây cũng là biện pháp kiểm soát môi trường vùng nuôi. Theo ông Kịch, nếu cần thì có thể giảm 30% sản lượng, giá cá sẽ không giảm nữa.

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) bức xúc: Trong 7 năm từ khi thành lập doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tôi nhận thấy hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp "nhảy vào" cạnh tranh làm tổn hại, phá thị trường bằng cách lạm dụng chất phụ gia, tăng tỷ lệ mạ băng và hậu quả như đã thấy... cá tra rớt giá. Chất lượng cá tra là yếu tố sống còn. Cá tra Việt Nam sẽ không chết. Cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp mạnh kiểm soát tỷ lệ mạ băng và hỗ trợ vốn cho người nuôi cá tra.

Để chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị: Trước mắt, các doanh nghiệp phải chấm dứt hình thức cạnh tranh không lành mạnh; nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chủ động tham gia, xây dựng các chuỗi phân phối sản phẩm. Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ trong việc đối phó các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật bất hợp lý.

Đối với sản phẩm cá tra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu phải chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến; cần phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Với con tôm thị trường đang tốt, nhưng không được lơ là, cần kiểm soát dịch bệnh môi trường trên phạm vi rộng để mở rộng sản xuất.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Về lâu dài, triển khai tạo chuyển biến căn bản trong việc thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng về tái cơ cấu nông nghiệp. Trên cơ sở đó quy hoạch lại sản xuất, cơ cấu mùa vụ cây trồng vật nuôi gắn với cung - cầu thị trường, gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản.

Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các bộ và địa phương quy hoạch sản xuất theo từng giai đoạn, từng vùng, liên kết vùng và có dự báo thông tin thị trường. Tổ chức sản xuất liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp với nông dân, tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp cá, tôm. Sắp tới, Chính phủ sẽ có sự hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng phục vụ yêu cầu sản xuất.


Xác Định 10 Đối Tượng Nhập Lậu Cá Tầm Trung Quốc Vào Việt Nam Xác Định 10 Đối Tượng Nhập Lậu Cá… Niềm Vui Từ Vụ Tôm Xuân Hè 2013 Niềm Vui Từ Vụ Tôm Xuân Hè 2013