Mô hình kinh tế Gỡ khó cho vùng nuôi tôm

Gỡ khó cho vùng nuôi tôm

Publish date Wednesday. July 22nd, 2015

Gỡ khó cho vùng nuôi tôm

Để tìm giải pháp vực dậy cho ngành hàng tôm, vừa qua tại TP Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị "Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ", các doanh nghiệp (DN) chế biến XK và chủ trang trại nuôi tôm đã đề xuất nhiều biện pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn.

Vùng nuôi gặp khó

Tính đến hết tháng 6-2015, cả nước thả nuôi hơn 616.000 ha, đạt 90% kế hoạch và bằng 96% so cùng kỳ 2014, sản lượng thu hoạch trên 230.900 tấn, chỉ đạt 32,5 % kế hoạch và bằng 88 % so với cùng kỳ. XK tôm ước đạt 1,3 tỉ USD, giảm 27 % so với cùng kỳ 2014

Theo Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2015 vụ nuôi tôm nước lợ diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết. Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao; xâm nhập mặn sớm hơn cùng kỳ, độ mặn tăng cao trên 32‰; mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm làm cho dịch bệnh phát triển mạnh gây chết tôm, như: Bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng.

Dịch bệnh vẫn là mối đe dọa thường xuyên. Cục Thú y cho biết, đến ngày 8-7-2015 có hơn 17.300 ha nuôi tôm bị thiệt hại, giảm hơn 15.000 ha (53,3%) so cùng kỳ 2014. Trong đó nuôi thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại nhiều nhất, chiếm hơn 12.000 ha, còn lại nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm-lúa bị thiệt hại hơn 5.300 ha. Riêng diện tích tôm bị bệnh giảm, chỉ khoảng 9.000 ha, bằng 40,85 % so với cùng kỳ. Nguyên nhân do biến đổi môi trường, thời tiết và chỉ có gần 1.300 ha không xác định được nguyên nhân.

Riêng dịch bệnh bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy đáng lo ngại nhất. Trong 6 tháng đầu năm bệnh đốm trắng xảy ra trên địa bàn 211 xã thuộc 21 tỉnh, thành phố với trên 3.800 ha (trong đó tôm thẻ hơn 1.300 ha, tôm sú hơn 2.500 ha), chiếm gần 6% diện tích nuôi tôm của tổng diện tích thả nuôi của các xã có dịch. Nhưng so với cùng kỳ, bệnh đốm trắng có chiều hướng giảm. Còn bệnh hoại tử gan tụy có chiều hướng tăng. Đến nay có hơn 2.300 ha nuôi tôm thẻ, hơn 2.300 ha nuôi tôm sú bị bệnh. Trong đó có 4.600 ha bị thiệt hại, chiếm 0,75% tổng diện tích thả nuôi. Theo nhận định của Cục Thú y, mặc dù trong 6 tháng vừa qua, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tuy giảm nhưng tổng diện tích bị thiệt hại và bị bệnh đang có chiều hướng tăng mạnh. Dự báo sẽ tăng cao trong các tháng 7, 8 sau đó mới giảm dần.

Trong khi đó, vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thú y thủy sản không giảm, thậm chí một số loại còn tăng giá. Do đó người nuôi tôm chưa mạnh dạn đẩy nhanh tiến độ thả giống, nhất là với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Mặt khác, nguyên nhân sản lượng tôm nguyên liệu trong nước vừa qua sụt giảm còn do yếu tố khó khăn về thị trường. Các nước trong khu vực phục hồi sản xuất, sản lượng tôm vào vụ tăng cao, giảm giá bán, cạnh tranh gay gắt khiến giá tôm nguyên liệu trong nước giảm mạnh 20 - 30 % so với cùng kỳ.

Liên kết sản xuất

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), nói: "Tình hình nuôi tôm của hiệp hội chưa bao giờ bi đát như lúc này. Trong những tháng đầu năm, có lúc chỉ thả nuôi 20 - 30% diện tích. Tình cảnh này đã có một số thành viên trong hiệp hội "bỏ chạy". Có hai nguyên nhân chính, đó là do môi trường ô nhiễm, dịch bệnh hoành hành. Hai là do giá thấp, người nuôi liên tục thất bại, dẫn đến thiếu vốn tái đầu tư. Đây chính là vấn đề thật sự nan giải đối với người nuôi, vì không nâng được giá tôm thì chắc chắn người nuôi rơi vào cảnh bán tôm thấp hơn giá thành sản xuất".

Trước tình hình dịch bệnh quá nhiều, ông Nhiệm đề nghị các nhà khoa học sớm vào cuộc nghiên cứu tìm giải pháp cứu người nuôi tôm. Các cơ quan chuyên ngành liên quan hỗ trợ khâu tổ chức phát triển sản xuất tập thể và trong kinh tế tập thể cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân, để người dân nhận thức rõ vào tập thể sẽ được trợ lực những gì.

Bà Hồ Thị Kiểng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú, cho rằng: Muốn phát triển bền vững thì phải phát triển theo hướng liên kết bốn nhà. Các DN đều cần nguồn cung nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, một số người nuôi tôm chưa nhận thấy rõ lợi ích từ việc làm này. Như trong việc thả tôm giống, có người chỉ muốn mua giống giá thấp, không cần biết tôm giống đến từ đâu, do ai sản xuất và có nhiễm mầm bệnh gì... Do vậy, cần có biện pháp để nâng cao ý thức của người dân nuôi tôm, để tạo nguồn nguyên liệu sạch, phục vụ xuất khẩu.

Ông Dương Văn Hùng, Giám đốc DN Tôm giống Dương Hùng, kêu gọi: Các DN chúng ta phải đồng lòng kéo ngành tôm đi lên. Mỗi DN phải hy sinh một ít, cùng nhau gánh vác, cần đưa người dân vào thành lập tổ hợp tác, mời thầy vào dạy cách làm. Bởi vì nếu người nuôi tôm không tiếp tục sản xuất, DN cũng khó sống. Vừa qua chúng tôi đã chủ động mời người dân các tỉnh lân cận, làm hội thảo suốt một tháng trời để cùng người dân tìm giải pháp khắc phục khó khăn.

Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT - Cao Đức Phát, nhận định: Vừa qua do bị ảnh hưởng bởi tỷ giá đồng tiền dao động tại một số nước nhập khẩu thủy sản; thời tiết, nguồn nước không thuận lợi. Tuy nhiên, triển vọng ngành hàng tôm sẽ sớm phục hồi, giá bán sẽ tăng lên, do sắp tới các nước nhập khẩu hàng nhiều chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm và tỷ giá đồng tiền sẽ có sự điều chỉnh.

Bộ Trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh vai trò quan trọng của DN trong phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm. DN là tiên phong mở rộng thị trường. Do đó, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ DN; các cơ quan đơn vị chuyên ngành cần sớm liên hệ với các thị trường đang có vướng mắc, tìm ra nguyên nhân, nhanh chóng khắc phục giải quyết vấn đề; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở đường cho DN xuất khẩu tôm ra nước ngoài...


Tận dụng ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc Tận dụng ưu đãi thuế quan để đẩy… Bình Định thành lập 369 tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản Bình Định thành lập 369 tổ đội đoàn…