Tin nông nghiệp Hà Giang: Thu nhập cao từ chăn nuôi tổng hợp

Hà Giang: Thu nhập cao từ chăn nuôi tổng hợp

Author Phạm Văn Phú - Chi cục BVTV tỉnh Hà Giang, publish date Saturday. May 20th, 2017

Hà Giang: Thu nhập cao từ chăn nuôi tổng hợp

Đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Lý Thị Chấu, dân tộc Mông, thôn Nặm Đăm xã Quản Bạ huyện Quản Bạ (Hà Giang), mọi người đều thán phục trước nghị lực và lòng quyết tâm thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu của người phụ nữ này.

Chị Chấu đang chăm đàn gà xương đen của gia đình

Sinh sống tại một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, trong những năm qua, gia đình chị Lý Thị Chấu đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò, dê và gà xương đen, mỗi năm cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với người dân vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chị Chấu cho biết, nhận thấy trồng ngô và cấy lúa cho hiệu quả kinh tế thấp, nên từ năm 2010, chị đã mạnh dạn vay thêm tiền ngân hàng để mua 2 con bò, 5 con dê và 50 con gà xương đen giống về nuôi. Sau hơn một năm chăn nuôi, số lượng gà xương đen của gia đình được nhân lên trên 200 con. Khi gà lớn, chị bán đi 140 con, còn lại để làm giống. Trọng lượng của gà trưởng thành trung bình đạt từ 1,8 - 2,0 kg/con, cá biệt có con đạt trọng lượng từ 2,5 - 2,7 kg/con. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư chăn nuôi gà gia đình còn lãi trên 50 triệu đồng. Từ cuối năm 2012, đàn bò đẻ thêm được 2 con và đàn dê tăng lên được 15 con. Bắt đầu từ năm 2013, từ tiền bán gà chị đã trả hết nợ ngân hàng. Số tiền còn dư chị tiếp tục mở rộng qui mô chăn nuôi thêm đàn bò và đàn dê. Từ năm 2014 đến nay, tiền bán bò, dê và chăn nuôi gà, bình quân gia đình chị thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư.

Riêng về chăn nuôi gà, để cho gà mau lớn, gia đình chị Chấu đã dùng phân bò để nuôi giun quế cho gà ăn thêm. Ngoài ra, để cho gà có chất lượng thịt thơm ngon, gia đình chị Chấu thường nuôi theo cách thả vườn có quây rào chắn xung quanh để cho gà kiếm thêm các loại thức ăn ngoài tự nhiên.

Để phát triển chăn nuôi bò, gà và dê, chị Chấu đã tìm hiểu các thông tin về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tài liệu kỹ thuật. Chị cũng tích cực tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm do Trạm Khuyến nông và Trạm Thú y của huyện tổ chức để nâng cao kiến thức về chăn nuôi của bản thân

Chị Chấu cho biết thêm: “Nuôi gà xương đen không những cho thu nhập cao mà việc phát triển chăn nuôi gà xương đen hiện nay còn giúp địa phương phục hồi lại giống gà quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do nhu cầu tiêu thụ của thị trường quá lớn. Gà xương đen là giống gà dễ nuôi, mắn đẻ lại có sức đề kháng cao, rất ít khi bị dịch bệnh so với các giống gà khác của địa phương. Ngoài ra, gà xương đen rất thích hợp với phương thức chăn nuôi bán chăn thả và chăn nuôi hoang dã trên các đồi rừng của đồng bào các dân tộc vùng cao. Thức ăn chủ yếu của gà là thóc, ngô hạt và các loại rau cỏ thông thường. Vì vậy, hiện nay đã có nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Quản Bạ đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi gà xương đen với số lượng lớn trên các đồi rừng của gia đình”.

Từ những kết quả đạt được, gia đình chị Lý Thị Chấu đã được UBND, Hội Nông dân huyện Quản Bạ tặng nhiều giấy khen do có thành tích làm kinh tế giỏi từ năm 2014 đến nay.

Ông Lệnh Thế Hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết, gia đình chị Lý Thị Chấu là một tấm gương điển hình của huyện Quản Bạ trong phát triển chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập cao. Ngoài ra, mô hình phát triển chăn nuôi gà xương đen của gia đình chị Lý Thị Chấu đã giúp địa phương phục hồi lại giống gà quý hiếm trước nguy cơ bị tuyệt chủng do nhu cầu tiêu thụ gà xương đen quá lớn.


Vì sao giá tiêu sụt giảm bất thường? Vì sao giá tiêu sụt giảm bất thường? Quy trình chế biến heo sữa sạch tại Quảng Nam Quy trình chế biến heo sữa sạch tại…