Tin nông nghiệp Hạ mục tiêu, xuất khẩu gạo vẫn khó về đích

Hạ mục tiêu, xuất khẩu gạo vẫn khó về đích

Author Thuận Hải, publish date Saturday. November 5th, 2016

Hạ mục tiêu, xuất khẩu gạo vẫn khó về đích

Dù đã hạ mục tiêu cả năm xuống mức 5,65 triệu tấn, xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay được dự báo vẫn khó hoàn thành nhiệm vụ, khi thị trường nhập khẩu tới thời điểm hiện tại vẫn rất trầm lắng.

Các thị trường chính của gạo Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi… cũng đã hết hạn ngạch hoặc tăng thêm rào cản kỹ thuật, tăng cạnh tranh khiến gạo Việt thêm khó.

Xuất khẩu gạo giảm mạnh

Thông tin từ Bộ NNPTNT, khối lượng gạo xuất khẩu cả nước tháng 10.2016 ước đạt 368.000 tấn, với giá trị khoảng 164 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo cả nước ước đạt 4,2 triệu tấn với giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Trong các thị trường lớn, Trung Quốc vẫn chiếm vị trí đầu bảng về nhập khẩu gạo Việt Nam với 35,4% thị phần. Trong 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này đạt 1,35 triệu tấn và 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm gần 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Trong ảnh: Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam. ảnh: T.H

Dù là thị trường lớn của gạo Việt Nam, nhưng Trung Quốc hiện cũng đã hết quota nhập khẩu chính ngạch. Phân tích về nhu cầu của thị trường này, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang) cho biết, lâu nay doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập gạo Việt Nam loại hạt dài phải mua quota, còn gạo hạt tròn dưới 6mm thì chỉ áp thuế. Tuy nhiên, mới đây, nước này lại bổ sung quy định chiều ngang (độ mập) hạt gạo phải dưới 2mm.

Một số loại gạo thường xuất sang Trung Quốc đều không đảm bảo được yêu cầu trên, đơn cử như gạo hạt tròn, gạo Japonica hiện có chiều ngang 2,3mm. Điều này có nghĩa doanh nghiệp muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam thì vừa phải đóng thuế nhập khẩu vừa phải trả phí hạn ngạch.

Đa dạng hóa thị trường

Giá lúa gạo có xu hướng tăng

Theo dự báo của VFA, giá thu mua lúa gạo trong nước cũng như giá xuất khẩu trong thời gian tới có xu hướng ổn định ở mức cao. Trong khi đó, giá thu mua lúa tại ĐBSCL những ngày qua có tăng thêm từ 100 – 200 đồng/kg, tùy loại. Lúa tươi IR50404 có giá 4.400 đồng/kg trong khi các giống lúa hạt dài, chất lượng cao đạt mức giá 4.700 đồng/kg.

Theo đánh giá của một số thương nhân, nhiều doanh nghiệp không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu. Hiện tại, các doanh nghiệp đang phải đa dạng hóa thị trường, tìm thêm bạn hàng mới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, diễn biến thị trường lúa gạo năm nay khác nhiều với những năm khác. Tính tới thời điểm hiện tại, việc dự báo các tín hiệu thị trường gạo thế giới, nhu cầu nhập khẩu tăng – giảm… vẫn còn là ẩn số. Theo ông Năng, căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay cũng như hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt trên 5 triệu tấn, chưa bao gồm hơn 1 triệu tấn xuất khẩu qua đường mậu biên sang Trung Quốc.

Hiện có quá nhiều công ty Việt Nam xuất khẩu gạo thơm sang châu Phi. Tuy nhiên, thay vì liên kết để tăng giá trị hạt gạo, một số công ty  hạ giá bán để giành thị phần. Một số doanh nghiệp chào giá gạo thơm ở mức 420 - 430 USD/tấn, trong khi mức bình quân của các doanh nghiệp khác là 460-470 USD/tấn./.


Nhà nông dồn sức cho vụ hoa tết Nhà nông dồn sức cho vụ hoa tết Bưởi lạ vàng bóng: Tò mò ăn thử, lo sợ nguồn gốc Bưởi lạ vàng bóng: Tò mò ăn thử,…