Tin nông nghiệp Hàng loạt chủ trang trại khó vay được vốn cấp chứng nhận nếu nguồn gốc đất rõ ràng

Hàng loạt chủ trang trại khó vay được vốn cấp chứng nhận nếu nguồn gốc đất rõ ràng

Author Thanh Xuân, publish date Friday. December 25th, 2015

Hàng loạt chủ trang trại khó vay được vốn cấp chứng nhận nếu nguồn gốc đất rõ ràng

Thưa ông, như Báo NTNN phản ánh, một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nam Định có trang trại trị giá khoảng 18 tỷ đồng  nhưng chỉ vay được của ngân hàng 200 triệu đồng, và rất nhiều chủ trang trại phản ánh việc không được ngân hàng chấp thuận cho vay vốn.

Theo ông, vì sao lại có sự khó khăn như vậy?

- Theo tôi, vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay cũng có nhiều thành phần gặp khó khăn, nhưng đối với trang trại hiện là đối tượng khó khăn nhất.

Câu chuyện ông Đinh Văn Thiểm ở Nam Định có tài sản trang trại tới 18 tỷ đồng, song chỉ vay được 200 triệu đồng là tình trạng chung hiện nay ở nhiều địa phương.

Tôi có đi thực tế HTX Bò sữa Evergrowth, họ xây nhà xưởng mấy chục tỷ đồng trên một khu đất được Nhà nước giao, nhưng khi đem tài sản đó đi thế chấp, ngân hàng nói đất này Nhà nước có thể lấy lại bất cứ lúc nào nên không đồng ý coi đó là tài sản thế chấp để cho vay vốn.

Rõ ràng, các quy định liên quan tới định giá tài sản thế chấp hiện giờ có vấn đề.

Hay HTX Thanh long Tầm Vu (Long An), họ thuê của 6 hộ dân để xây dựng kho lạnh, sau đó mang kho lạnh đó đi thế chấp nhưng ngân hàng cũng không công nhận tài sản đó bởi nếu hợp đồng thuê đất đó bị  hủy thì kho cũng không đủ điều kiện làm tài sản thế chấp.

Để tháo gỡ những thủ tục vướng mắc về vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 thay thế Nghị định 41.

Vậy tại sao, đến nay các ngân hàng vẫn chưa thể triển khai theo nghị định này?

- Tín dụng nông nghiệp là gì và cho vay lĩnh vực nông nghiệp khác ở chỗ nào? Đầu tiên là cho vay theo các chu kỳ của sản xuất, ví dụ cây lâu năm là cho vay trung hạn, dài hạn, còn cây ngắn ngày là vay 3-6 tháng theo chu kỳ kinh doanh của nông nghiệp.

Ngoài thế chấp tài sản, người ta cũng dùng phương án kinh doanh để làm căn cứ cho vay nhưng để vay được không dễ.

Ngoài ra, phải có sự khai thông với các lĩnh vực khác như bảo hiểm nông nghiệp.

Vì lĩnh vực nông nghiệp là có nhiều rủi ro, nếu không “bắt chéo” được thị trường này thì tín dụng nông nghiệp không được hình thành một cách đầy đủ.

Như vậy, cái chung có 3 yếu tố là chu kỳ sản xuất, phương thức cho vay và thị trường bắt chéo, nếu không thể hoàn chỉnh thì tín dụng nông nghiệp sẽ không hoàn chỉnh.

Ngoài cái chung đó, riêng với các trang trại đang khó khăn ở điểm gì mà không tiếp cận được vốn, theo ghi nhận của ông?

- Như tôi đã nói, sản xuất nông nghiệp của chúng ta có sự rủi ro cao  - cũng chính là điều các ngân hàng lo ngại nhất.

Do đó, họ muốn bảo đảm rủi ro thì phải dựa vào tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh tín dụng hay bảo hiểm.

Đối với thế chấp, trang trại có tài sản đầu tiên là đất, tuy nhiên hiện vấn đề cấp giấy chứng nhận đất cho trang trại là rất khó khăn.

Nguyên nhân là đa số các trang trại đi thuê lại hoặc gom lại… với nguồn gốc đất rất khác nhau, hoặc từ nhiều hộ khác thành đất trang trại của mình.

Mặt khác, tài sản trên đất trang trại như mùa màng, cây, con thì liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp nhưng bảo hiểm chưa có.

Còn tài sản trên đất như cơ sở hạ tầng, nhà xưởng… cũng không dùng thế chấp được.

Hiện nay, cấp quyền sử dụng đất do Bộ TNMT còn cấp chứng nhận chủ trang trại là do Bộ NNPTNT, liệu việc này có vướng mắc gì không?

- Bộ NNPTNT cấp chứng nhận trang trại là dựa vào quy mô sản xuất bao nhiêu thôi, còn nguồn gốc đất đó có hợp đồng là được.

Vì đất đai đó là tài sản, tư liệu sản xuất, khi họ sản xuất quy mô lớn thì đủ điều kiện là trang trại.

Tuy nhiên, nếu tự trang trại có 3ha thì chẳng chủ trang trại nào đủ cả, họ phải đi mua, đi thuê.

Từ đó gặp tình trạng là có 5-7 ông bán lại, nhưng thường khi dồn lại có thời hạn, mục đích sử dụng khác nhau, có đất lúa, đất thủy sản, đất thổ cư, đất lâm nghiệp… nên địa phương không dám xác nhận, khi lên tới  tỉnh không cấp giấy chứng nhận nên cứ mãi ở vòng tròn không có lối thoát về tài sản thế chấp bằng đất.

Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có giải pháp gì để các chủ trang trại tiếp cận được với nguồn vốn dễ dàng hơn?

- Theo tôi, tiêu chí số 1 vẫn là phải cấp giấy chứng nhận cho các chủ trang trại.

Nếu như đất của họ có nguồn gốc rõ ràng thì phải rà soát lại và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho  và có cơ chế xác định rõ tài sản trên đất.

Ngoài ra, cần có nhiều hình thức hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho trang trại như hỗ trợ về bảo hiểm, hỗ trợ về dịch bệnh, xử lý môi trường, hỗ trợ về khoa học công nghệ… để các ngân hàng có “niềm tin” hơn đối với các trang trại khi thẩm định tài sản thế chấp cho vay.

Xin cảm ơn ông!

     TS Lê Đức Thịnh cho biết: Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại đang được Bộ NNPTNT lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình lên Thủ tướng phê duyệt.

Dự thảo có nội dung, các trang trại được vay tới 10 tỷ đồng không cần thế chấp.

Tuy nhiên, để các HTX, trang trại tiếp cận được vốn thì vẫn phải giải quyết được câu chuyện nguồn gốc đất và tài sản trên đất.

Ngoài ra, cần phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp, dù là khó nhưng nếu không “bắt chéo” được với bảo hiểm thì thị trường vốn sẽ không thể khai thông được. 


Bị hiểu sai sau khi tố cáo chất cấm Bị hiểu sai sau khi tố cáo chất… Hợp tác xã nông nghiệp thiếu cán bộ giỏi Hợp tác xã nông nghiệp thiếu cán bộ…