Mô hình kinh tế Hãy Bảo Vệ Chăn Nuôi Chân Chính

Hãy Bảo Vệ Chăn Nuôi Chân Chính

Publish date Thursday. April 26th, 2012

Hãy Bảo Vệ Chăn Nuôi Chân Chính

Các tỉnh phía Nam trọng điểm chăn nuôi heo như Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM… đã đồng loạt ra quân phối hợp kiểm soát chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm chất cấm tại các tỉnh ngày càng thấp, vì thế người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt heo để bảo vệ người chăn nuôi chân chính.

TỶ LỆ NHIỄM TRÊN TỔNG ĐÀN RẤT NHỎ !

Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, sau khi Chi cục Thú y TPHCM thông báo một số mẫu thịt heo xuất từ tỉnh này vào TPHCM bị phát hiện nhiễm chất cấm, lập tức thanh tra Sở NN-PTNT kết hợp với các ngành liên quan liên tục “ra quân” kiểm soát chặt chẽ việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt heo.

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, tất cả các đàn heo trước khi xuất chuồng đều được lấy mẫu xét nghiệm và gần đây đều cho kết quả âm tính với chất cấm. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi, các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y không sử dụng, kinh doanh chất cấm để đảm bảo sự phát triển bền vững. Lãnh đạo Sở NN-PTNT Tiền Giang cũng khẳng định, tổng đàn heo của tỉnh trên dưới 500.000 con, trong khi đó chỉ có vài mẫu nhiễm chất cấm chứng tỏ tỷ lệ nhiễm trên tổng đàn là rất nhỏ. Vì thế, người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt heo nhằm bảo vệ người chăn nuôi chân chính đang chiếm đa số không bị “gục ngã”.

Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở NN-PTNT phối hợp với Chi cục Thú y liên tục kiểm tra đột xuất ngay tại chuồng nuôi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, các phương tiện vận chuyển và các cơ sở giết mổ gia súc. Hiện gần 100 lò giết mổ trên địa bàn tỉnh này thường xuyên được kiểm tra nguồn heo nhập. Nếu phát hiện trong thịt và gan có chất cấm thì lập tức bị tiêu hủy, xử phạt nghiêm khắc. Mạnh tay hơn, lò giết mổ trái phép và “siêu bẩn” sẽ bị đóng cửa ngay lập tức.

Phối hợp với các địa phương, TPHCM – nơi tiêu thụ nguồn thịt heo rất lớn từ các tỉnh đổ về, cũng “ra quân” kiểm tra gắt gao. Theo bà Trương Thị Kim Châu – Phó Chi cục trưởng thú y TPHCM, từ ngày 19/3 đến 11/4/2012, Chi cục đã lấy 115 mẫu nước tiểu tại 8 cơ sở giết mổ (do 34 nguồn hàng từ các tỉnh cung cấp) để phân tích ngay trên xe lưu động. Kết quả: Đối với chỉ tiêu Ractopamin có 12/115 mẫu và có 3/34 nguồn dương tính. Đối với chỉ tiêu Beta-agonist có 8/115 mẫu và 4/34 nguồn dương tính.

Kết quả này cũng cho thấy, có tới trên 90% nguồn thịt heo an toàn nhập về TPHCM là do những người chăn nuôi chân chính sản xuất và rất cần được người tiêu dùng bảo vệ không bị vạ lây!

ĐIỂM “NÓNG” ĐỒNG NAI ĐÃ HẠ NHIỆT

Theo ông Hoàng Sơn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, sau khi có thông tin một số trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại địa phương, người tiêu dùng đã giảm sử dụng thịt heo khiến giá bán sụt xuống còn 42 đến 45 triệu đồng/tấn, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Trước tình hình này, tỉnh Đồng Nai đã liên tục lấy mẫu tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và đến nay đã lấy được 106 mẫu thức ăn, nước tiểu, mẫu premix, mẫu thịt để kiểm tra. Kết quả định lượng bằng phương pháp sắc ký tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y TW 2 phát hiện 16 mẫu dương tính của 12 hộ chăn nuôi tập trung tại hai huyện Thống Nhất và Trảng Bom.

Kết quả này cũng cho thấy, các trường hợp vi phạm rơi vào một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn lại hầu hết các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi cung cấp chủ yếu nguồn heo lên tới 1,2 triệu con chưa hề phát hiện có chất cấm. Tuy nhiên, thông tin “nhiễu loạn” trong thời gian qua quả thực đã khiến hàng loạt trang trại chăn nuôi chân chính rơi vào khủng hoảng.

Kết quả khảo sát của tỉnh Đồng Nai cũng cho thấy, có 1/5 người tiêu dùng có tư tưởng tẩy chay thịt heo, số còn lại sẽ hạn chế ăn hoặc chỉ mua ở siêu thị và các cửa hàng uy tín. Trao đối với PV, một chủ trang trại chăn nuôi lớn có tổng đàn lên tới 30.000 con tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai ca thán, kết quả kiểm tra đàn heo của trại hoàn toàn không có chất cấm nhưng vẫn không thể cứu cho giá heo sụt thê thảm. Do giá bán mỗi tấn heo mất cả chục triệu đồng, trung bình 1 tháng trang trại này “bốc hơi” tới… 2 tỷ đồng!

Để giúp người tiêu dùng an tâm quay lại với nguồn thực phẩm thịt heo quen thuộc, tỉnh Đồng Nai đang thực hiện rất nhiều biện pháp và đến nay đã có nhiều kết quả tích cực. Đáng kể nhất là hoạt động thực hiện ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi dưới mọi hình thức được tổ chức liên tục trên nhiều địa bàn chăn nuôi trọng điểm của tỉnh. Hoạt động này đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng, đặc biệt là đang dần lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng trên cả nước.


Đà Nẵng: Điều Tra Tin Đồn Đà Nẵng: Điều Tra Tin Đồn "Bia Heineken… Đồng Bào Khmer Sóc Trăng Làm Giàu Từ Cây Hẹ Đồng Bào Khmer Sóc Trăng Làm Giàu Từ…