Hệ Lụy Phát Triển Nóng Cây Thanh Long
Nhiều năm qua, thanh long trở thành loại cây trồng “ưa chuộng” của nông dân tỉnh Bình Thuận. Dù giá cả có lúc trồi sụt nhưng về tổng thể, trồng thanh long hiện vẫn cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa và cao gấp hàng chục lần so với một số loại hoa màu khác.
Thực tế tại Bình Thuận đã có nhiều nông dân khá lên nhờ cây thanh long. Và theo tâm lý của nông dân, thấy gì có lợi trước mắt là đổ xô làm, nông dân Bình Thuận đang ồ ạt phát triển diện tích thanh long, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Xem qua con số thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận có thể thấy tốc độ phát triển chóng mặt cả về diện tích và sản lượng thanh long. Năm 2005, diện tích thanh long chỉ có 5.800ha, sản lượng hơn 96.000 tấn; đến năm 2010, diện tích đã tăng trên 13.000ha, sản lượng 300.000 tấn. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, cây thanh long trên địa bàn Bình Thuận phát triển “phi mã” và đến năm 2014 đã đạt trên 22.000ha, sản lượng khoảng 400.000 tấn.
Việc phát triển quá “nóng” diện tích thanh long tại Bình Thuận đã phá vỡ quy hoạch, gây mất cân đối từ khâu sản xuất đến đầu ra cho sản phẩm. Trước hết, đó là mất cân đối về cấp điện và nước tưới. Tại huyện Hàm Thuận Nam (nơi có diện tích thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận), nguồn nước từ các công trình thủy lợi hiện chỉ đảm bảo tưới tiêu cho 40% diện tích thanh long.
Diện tích còn lại do nông dân dùng giếng khoan, hoặc tự đào hồ, chặn suối tích nước, phá vỡ quy luật tự nhiên. Mặc dù vậy, vào mùa khô, nhiều diện tích thanh long tại địa phương này vẫn không đủ nước tưới, chỉ sống cầm cự chứ không thể cho trái trong vụ điện (chong điện cho ra trái). Điều mất cân đối tiếp theo là thiếu điện.
Theo tính toán, cứ 1ha thanh long cần một trạm biến áp 25kVA để cấp điện. Như vậy, lượng điện cung cấp cho diện tích 22.000ha thanh long tại Bình Thuận là quá lớn. Thực tế, thời gian qua, ngành điện chưa thể đáp ứng đủ, một số thời điểm phải cúp điện luân phiên, dẫn đến thanh long ra trái không đều, năng suất thấp.
Nhưng có lẽ sự mất cân đối lớn nhất đó là đầu ra của sản phẩm. Hiện sản lượng thanh long toàn tỉnh Bình Thuận khoảng 400.000 tấn/năm, trong đó gần 80% bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (hình thức biên mậu, không chính ngạch).
Hình thức bán buôn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Thông thường các thương lái Trung Quốc chỉ giao dịch bán mua theo kiểu hàng chợ, không ký hợp đồng nhằm ép giá khi thanh long trúng mùa, sản lượng lớn. Minh chứng cho điều này là những đợt dội chợ, ứ hàng với hàng chục xe container nằm nối đuôi tại cửa khẩu trong những năm trước.
Bên cạnh đó, không chỉ tỉnh Bình Thuận mà nhiều địa phương khác trong nước, nhất là ở các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên… cũng đã trồng thanh long. Đáng chú ý hơn, ngay tại thị trường tiêu thụ chính sản phẩm thanh long Bình Thuận là Trung Quốc cũng đang phát triển hàng chục ngàn hécta thanh long ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây.
Điều này có nghĩa trái thanh long Bình Thuận đã và sẽ chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt. Không những vậy, thanh long là loại trái cây không có tính cạnh tranh cao trên thị trường so một số loại trái cây khác. Bởi vậy, như thời điểm hiện tại, khi các loại trái cây khác vào vụ thu hoạch thì thanh long “đuối sức”, bị rớt giá thảm hại.
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, điều cần nhất hiện nay không phải là tăng diện tích mà cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ; đầu tư hạ tầng và tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng trái thanh long, làm ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa khâu phát triển thị trường, nhất là vươn đến các thị trường khó tính theo đường chính ngạch, để tránh bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao