Mô hình kinh tế Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát kkhổ vì quy trình ngược

Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát kkhổ vì quy trình ngược

Publish date Friday. May 22nd, 2015

Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát kkhổ vì quy trình ngược

Người dân “chạy” trước

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng bè đang phát triển “rộ” ở Lý Sơn. Nếu như vào thời điểm cuối năm 2012, chỉ có 10 hộ dân thả nuôi tôm hùm, thì đến thời điểm này, toàn huyện Lý Sơn có 61 hộ thả nuôi. Bên cạnh việc nuôi tôm hùm, người dân Lý Sơn cũng thí nghiệm nuôi cá mú, cá dìa, cá tà ma trên biển... Ngoài ra, một số hộ còn thử nghiệm nuôi tôm mú-ni để bán cho khách du lịch

Với giá mỗi con tôm hùm giống dao động từ 300-400 nghìn đồng, chỉ tính riêng tiền con giống, bình quân mỗi lồng bè, người dân đã phải đầu tư gần 100 triệu đồng. Đó là chưa kể kinh phí làm lồng bè, rồi tiền mua thức ăn cho tôm hùm (chỉ ăn các thức ăn tươi sống như sò, cua, ghẹ, cá tươi…). “30 lồng tôm của gia đình tôi mỗi ngày cần khoảng 70kg sò, 40kg cua ghẹ làm thức ăn. Vậy nên mỗi buổi sáng, tôi phải lặn xuống để vệ sinh lồng, kiểm tra lượng thức ăn tồn đọng, bởi nếu môi trường ô nhiễm, tôm sẽ rất dễ bị dịch bệnh”, anh Nguyễn Ngọc Hiệp, xã An Vĩnh (Lý Sơn), người đầu tiên đưa mô hình nuôi tôm hùm về đảo cho biết.

Hiện nay, khu vực nuôi trồng chính mà người dân Lý Sơn thả nuôi tôm hùm là khu vực gần cảng neo trú tàu thuyền thuộc xã An Hải. Với sự gia tăng nhanh chóng số lượng lồng bè nuôi tôm hùm một cách tự phát như hiện nay, việc đảm bảo luồng lạch cho tàu thuyền ra vào nơi neo đậu cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể, thời gian nuôi tôm hùm khá dài, phải từ 18-20 tháng mới có thể xuất bán, nên người dân hiện đang đánh cược với rủi ro, khi không có vùng nuôi trồng đảm bảo an toàn cho các lồng tôm vào mùa biển động.

Trong khi đó, tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), thấy hiệu quả trước mắt nên người dân “chạy theo” số đông, thả nuôi đồng loạt một cách tự phát mà không lường trước được những rủi ro. Nhất là khi nhiều vùng thả nuôi không thích hợp với việc nuôi trồng thủy sản. “Khu vực đầm Nước Mặn, xã Phổ Thạnh không nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương. Các chỉ số môi trường nước tại đây cũng không thích hợp cho nuôi cá, nhưng hàng loạt hộ dân lại tự ý thả nuôi cá trong lồng bè dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt”, ông Lê Thanh Tân - Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Đức Phổ cho biết.

Năm 2014, khoảng 12 hộ nuôi cá lồng bè của Phổ Thạnh đã trắng tay do cá chết hàng loạt. Nhận thấy mô hình nuôi cá không đạt hiệu quả như kỳ vọng, người dân lại xoay qua nuôi hàu Thái Bình Dương sau khi mô hình thí điểm do Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh hỗ trợ cho ông Văn Công Thanh, thôn Thạch Đức 2, xã Phổ Thạnh đạt kết quả tốt và đến thời điểm này, tổng số hộ tham gia nuôi hàu Thái Bình Dương và nuôi cá tại khu vực đầm Nước Mặn đã lên đến gần 100 hộ.

Lồng bè nuôi hàu tăng đột biến, không chỉ khiến ngư dân Phổ Thạnh “kêu trời” vì luồng lạch ra vào bị thu hẹp bởi các “chướng ngại vật”- lồng bè, mà còn khiến việc tìm đầu ra cho con hàu gặp nhiều khó khăn. “Trước đây, thị trường tiêu thụ hàu khá rộng, làm được bao nhiêu, xuất bán hết bấy nhiêu. Còn bây giờ, việc tiêu thụ đang có dấu hiệu chậm dần. Người dân chúng tôi đang phải tự tìm đầu ra khắp các tỉnh”, ông Văn Công Thanh cho biết.

Quy hoạch “theo” sau

Khi diện tích nuôi trồng thủy sản tăng cao, thì các địa phương mới bắt đầu loay hoay tìm vị trí quy hoạch. Thực hiện khoanh nuôi trước, thực hiện quy hoạch sau đã nảy sinh nhiều khó khăn cho cả người dân, lẫn chính quyền địa phương.

“Nếu gặp gió bão, các hộ nuôi tôm hùm trên lồng bè sẽ gặp phải rủi ro rất cao. Vì vậy, địa phương đã gấp rút hoàn thành xong kế hoạch quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản để trình lên cấp trên. Theo đó, trong số 50ha diện tích mặt nước ven biển sẽ được ưu tiên dành cho việc nuôi trồng thủy sản, thì  sẽ có 12ha dành riêng cho hoạt động nuôi tôm hùm lồng bè, tập trung ở khu vực gần cảng neo trú tàu thuyền tại xã An Hải”, ông Nguyễn Văn Lê- Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết

Tuy nhiên, việc quy hoạch như thế nào để vùng nuôi trồng không gây ảnh hưởng đến việc ra vào của tàu thuyền tại khu vực neo trú tàu thuyền là điều cần phải tính kỹ. Hơn nữa, “việc lường trước tác động về môi trường, khi số lượng lồng bè nuôi tôm hùm tăng nhanh cũng là một vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng, khi Lý Sơn đang chủ trương lấy phát triển du lịch làm trọng tâm”, ông Nguyễn Đức Hiền - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị trong đợt khảo sát tình hình thực tế tại Lý Sơn vừa qua.

Không để hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng đến việc quy hoạch, phát triển du lịch là một khuyến cáo rất hữu ích. Bởi, hệ lụy của việc chồng chéo quy hoạch giữa nuôi trồng thủy sản và du lịch tại bãi biển Nam Phước, xã Phổ Vinh (Đức Phổ) là một minh chứng.

Đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện đường xuống tận bờ biển, huyện Đức Phổ quy hoạch, đưa bãi biển Nam Phước vào đề án phát triển du lịch của huyện. Tuy nhiên, 83.000m2 bờ biển theo quy hoạch giờ vẫn chỉ lác đác vài hộ kinh doanh tự phát. Mà một phần nguyên nhân là do khu vực quy hoạch du lịch và khu vực nuôi tôm trên cát cách nhau chỉ vỏn vẹn 200m. Không có hệ thống xử lý chất thải, các chủ hồ xây dựng hệ thống ống thoát nước xả thẳng ra biển khiến cảnh quan, môi trường của bãi biển Nam Phước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay sát khu vực tắm biển, ăn uống, nghỉ ngơi… là các “ao” nước thải từ hồ tôm đen ngòm, bốc mùi thì làm sao du khách có thể an tâm nghỉ dưỡng?


Sản xuất vụ hè thu tăng cường giải pháp giống, đa dạng cây trồng Sản xuất vụ hè thu tăng cường giải… Nỗi buồn rong mơ Nỗi buồn rong mơ