Mô hình kinh tế Hiệu Quả Bước Đầu Của Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp

Hiệu Quả Bước Đầu Của Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp

Publish date Friday. May 2nd, 2014

Hiệu Quả Bước Đầu Của Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp

Sơn Hòa là huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Để đa dạng hóa vật nuôi hướng tới phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Sơn Hòa đã triển khai dự án nuôi bồ câu Pháp và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi bồ câu Pháp được phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Sơn Hòa triển khai từ tháng 9/2013 với kinh phí 70 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Khoa học công nghệ. Theo đó, 70 cặp bồ câu Pháp được đưa về nuôi tại 2 hộ trên diện tích 100m2 đất vườn. Các hộ nuôi được hỗ trợ 100% giống và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.

Ông Đặng Kim Nhật, chủ nhiệm dự án cho biết: Sau một thời gian tìm hiểu tại một số tỉnh trong cả nước, chúng tôi nhận thấy nuôi bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc, lại thu hồi vốn nhanh…

Đây là hướng thoát nghèo bền vững cho các hộ nông dân. Hơn nữa, bồ câu Pháp cũng là giống vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của một huyện miền núi như Sơn Hòa.

Chị Võ Thị Hương ở xã Sơn Hà, nông dân tham gia mô hình chia sẻ: Không chỉ được hướng dẫn cách nuôi chim sinh sản, nhân đàn, gia đình tôi còn được hướng dẫn cách vỗ béo chim lấy thịt khi muốn nuôi thương phẩm.

Cụ thể, chim 20 hoặc 21 ngày tuổi với trọng lượng khoảng từ 350g đến 400g/con sẽ tách mẹ và nhồi thức ăn vỗ béo bằng cách sử dụng các loại nông sản sẵn có ở địa phương làm thức ăn là ngô (80%) và đậu xanh (20%). Những loại hạt này đem nghiền nhỏ, trộn với nước, viên thành viên, nhồi cho chim ăn…

Hiện trên địa bàn huyện Sơn Hòa chưa có trang trại nào chuyên cung cấp bồ câu thịt và bồ câu giống nên thành công của mô hình sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn sản vật địa phương, trở thành hàng hóa có giá trị, giúp nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Doanh thu từ nuôi bồ câu không chỉ do thịt chim bán được giá cao mà còn do chim sinh sản nhanh, liên tục. Trên thị trường, bồ câu Pháp ra ràng (28 ngày tuổi, đạt trọng lượng từ 530g đến 580g) xuất chuồng bán với giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/cặp, còn chim giống có giá từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/cặp tùy theo lứa tuổi.

Theo anh Hồ Tấn Trung, có chuồng nuôi tại xã Suối Bạc (Sơn Hòa), gia đình anh có 35 cặp chim ban đầu, một tháng sinh sản thêm 20 cặp.

Với giá bán hiện nay là 200.000 đồng/cặp, hàng tháng anh cũng thu về 4 triệu đồng. Thức ăn cho chim bồ câu gồm cám, bắp, lúa trộn lẫn, trung hình hết 8.000 đồng/kg, mỗi ngày 35 cặp chim ăn hết 3,5kg, một tháng ăn hết 105kg, tương đương 840.000 đồng. Như vậy mỗi tháng, trừ chi phí gia đình anh tăng thu nhập được hơn 3 triệu đồng từ nuôi bồ câu Pháp.

“Nghề “tay trái” mà cho thu nhập hơn 3 triệu đồng là cao hơn nuôi heo, gà mà lại sạch sẽ, nhẹ nhàng. Hơn nữa nuôi bồ câu chỉ cần thời gian nhàn rỗi, không ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa chính… Vì vậy, địa phương cần nhân rộng hơn nữa mô hình này”, anh Trung nói.

Ông Nguyễn Đình An, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Sơn Hòa cho biết: Đơn vị triển khai mô hình nuôi bồ câu pháp nhằm đa dạng hóa vật nuôi trên địa bàn huyện, tạo nghề nuôi mới cho lao động nông thôn.

Nuôi bồ câu Pháp có thể tận dụng thời gian lao động dư thừa, cũng như quỹ đất trống trong các hộ gia đình để tăng gia sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống. Mô hình này phù hợp với các hộ kinh tế còn khó khăn khi mà vốn đầu tư không cao lại nhanh thu hồi.


Đầu Ra Cho Các Sản Phẩm Rau Sạch Theo Tiêu Chuẩn VGAP Vẫn Còn Khó Khăn Đầu Ra Cho Các Sản Phẩm Rau Sạch… Ngậm Đắng Nuốt Cay Vì... Ớt Ngậm Đắng Nuốt Cay Vì... Ớt