Tin thủy sản Hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi

Hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi

Author Thu Hằng, publish date Wednesday. December 21st, 2016

Hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai dự án ”Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi” nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, mang lại hiệu quả bền vững cho sản xuất.

Trong ảnh: Kiểm tra mô hinh nuôi tôm xen lúa

Ngay sau khi được phê duyệt dự án, Trung tâm đã tổ chức chọn địa điểm và chọn hộ triển khai mô hình tại 3 tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, có 34 hộ tham gia với diện tích 60 ha. Mỗi tỉnh lựa chọn ít nhất 2 cán bộ có chuyên môn về thủy sản và trồng trọt để theo dõi, chỉ đạo kỹ thuật mô hình.

Với tôm càng xanh giống: Sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực là một bước đột phát trong sản xuất, có sự thay đổi lớn trong kỹ thuật nuôi và hiệu quả đạt được. Mặc khác con giống đực được lựa chọn từ các cơ sở cung cấp giống có uy tín đảm bảo chất lượng, trong quá trình nuôi tỷ lệ con cái rất ít, ở mức dưới 5%. Với số lượng 2.400.000 con tôm càng xanh toàn đực/60 ha, trong đó: Nhà nước hỗ trợ: 1.700.000 con, chủ mô hình đối ứng: 700.000 con, cỡ giống: PL12 – PL15.

Chăm sóc: Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên dành cho tôm sú và tôm càng xanh có độ đạm 25 - 35%, tùy theo từng giai đoạn phát triển của tôm. Mật độ nuôi luân canh: 7 con/m2, nuôi xen canh: 2,5 con/m2. Tỷ lệ sống đạt trên 60%. Hệ số thức ăn 1,5 – 1,7 (đối với nuôi luân canh), 1,3 (đối với nuôi xen canh).

Với lúa cấy/sạ trên ruộng nuôi:

Mô hình tại Cần Thơ nuôi luân canh, hiện đang thu tôm và sẽ sạ lúa trong tháng 12. Tại Đồng Tháp, hỗ trợ 2.000 kg lúa giống, đến nay đã thu hoạch lúa đạt năng suất 3,3 - 5,7 tấn/ha; Tại Bạc Liêu, các hộ đã xuống giống và cấy vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Hiện lúa phát triển tốt, cây vươn cao, không bị sâu bệnh.

Qua theo dõi cho thấy, tôm nuôi phát triển tương đối đồng đều, tốc độ tăng trưởng nhanh. Sau 2 tháng nuôi đạt cỡ 90 - 110 con/kg, sau 3 tháng nuôi có thể đạt 60 con/kg, sau 5 tháng nuôi có thể đạt 35 con/kg và sau 6 tháng nuôi có những cá thể đạt cỡ 20 con/kg. Dự kiến kết quả mô hình rất khả quan, đạt 58 tấn tôm càng xanh và 260 tấn lúa, cao hơn kế hoạch đề ra. Lợi nhuận thu được từ mô hình cũng cao hơn rất nhiều so với trồng lúa đơn thuần và nuôi tôm càng xanh thường. Đối với nuôi luân canh đạt hơn 1.600 kg tôm/ha, đối với nuôi xen canh đạt hơn 650 kg tôm/ha và 3,3 - 3,5 tấn lúa/ha, cỡ tôm thu hoạch đạt 50 g/con.

Điểm mới của mô hình này là áp dụng kỹ thuật bẻ càng cho tôm càng xanh: Sau khi thả nuôi từ 60 - 75 ngày có thể tiến hành bẻ càng nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (hạn chế ăn lẫn nhau), tôm phát triển đồng đều, giảm tỷ lệ hao hụt, đạt giá bán cao. Tuy nhiên, việc bẻ càng phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật để tránh hao hụt sau khi bẻ càng: Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên. Tuy nhiên, kỹ thuật này mới chỉ áp dụng ở một số hộ tham gia mô hình.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực - lúa đã tạo tư duy mới cho người dân tham gia và những hộ quanh vùng, thay vì chỉ trồng lúa như trước đây người nông dân trồng lúa đã chấp nhận đầu tư thêm để sản xuất 2 đối tượng trên cùng một diện tích. Với những người nuôi thủy sản đã có những thay đổi về ứng dụng nông nghiệp thông minh, sản xuất bền vững, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao trong nuôi tôm càng xanh toàn đực - lúa bởi sự đầu tư sẽ hiệu quả và phát triển lâu dài hơn, thân thiện với môi trường hơn. Tại hội thảo sơ kết dự án năm 2016, nhiều đại biểu đã đưa ra những kinh nghiệm, cách làm hay, những khó khăn khi triển trai dự án:

Ông Trần Chí Tâm ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ chia sẻ: Trước đây, gia đình ông nuôi ghép tôm càng xanh và cá mè trắng nên đã cải tạo được môi trường nuôi, giảm được 50% chi phí sản xuất, nhưng nay thay bằng giống tôm càng xanh toàn đực cho thấy tôm phát triển rất tốt, tôm lớn nhanh hơn.

Ông Mai Nam, cán bộ kỹ thuật tham gia mô hình (Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ) cho biết: Qua quá trình triển khai, khó khăn nhất là vấn đề con giống tôm toàn đực chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường do kỹ thuật sản xuất giống yêu cầu cao, phải ký hợp đồng trước với đơn vị sản xuất giống từ 1 – 3 tháng mới có thể có con giống, chi phí con giống cao; Sự thay đổi bất thường của thời tiết làm tác động đến các điều kiện tự nhiên sản xuất; Đầu ra cho sản phẩm không ổn định do chỉ bán trực tiếp cho thương lái nên giá thu mua bấp bênh, không có cơ sở chế biến, sơ chế nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo.

Để giải quyết vấn đề con giống, ông Huỳnh Quốc Khởi, PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bạc Liêu đề xuất: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần xây dựng kế hoạch sớm để ngay từ đầu năm đơn vị có kế hoạch đặt mua con giống, đồng thời hỗ trợ địa phương chuyển giao công nghệ sinh sản tôm càng xanh toàn đực để hạ giá thành sản xuất, người nuôi được tiếp cận và thuận lợi trong mua và vận chuyển giống.

Cũng liên quan đến con giống, nhiều đơn vị tham gia cho biết về việc bất hợp lý khi phải thực hiện tổ chức đấu thầu để chọn đơn vị cung cấp, việc làm này không thể mua được con giống đảm bảo chất lượng mà giá thành lại rẻ.

PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu đề nghị: Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm có quy hoạch vùng nuôi tôm – lúa, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho vùng nuôi. Các viện, trường tiếp tục nghiên cứu để tạo con giống, cây giống chất lượng cao, nhanh lớn, kháng bệnh, giá bán thấp để cung cấp đủ giống cho bà con. Các chi cục thủy sản, chi cục thú y quản lý tốt con giống, tăng cường kiểm soát thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học. Trung tâm khuyến nông các tỉnh nghiên cứu quy trình nuôi và hướng dẫn bà con nuôi để đạt hiệu quả cao, liên kết tổ chức sản xuất gắn với thị trường. Các hộ nông dân cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật của mô hình này (kỹ thuật rũ càng tôm càng xanh) để đạt được hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để ngày càng phổ biến và nhân rộng mô hình này hơn nữa.

Hội thảo sơ kết dự án năm 2016

Hiện nay mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa là hình thức canh tác thông minh gồm nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp hữu cơ, mang lại lợi ích kép, lợi nhuận tăng thêm từ tôm 50 – 150 triệu đồng/ha so với cấy lúa. Thực hiện mô hình này còn hạn chế được ô nhiễm môi trường, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phân bón, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Nuôi tôm càng xanh không cần kỹ thuật thâm canh cao, các bệnh thường gặp trên đối tượng này dễ kiểm soát và quản lý, đầu tư vốn không nhiều nên thích hợp với tất cả người dân sản xuất, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Triển khai dự án ”Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi“ là rất cần thiết và là một trong những giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả và bền vững. Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và đơn vị triển khai sẽ tiếp tục hướng dẫn các hộ tham gia mô hình chủ động triển khai sớm để đạt hiệu cao hơn.


Tiềm năng lớn trong nuôi trồng thủy sản của các hồ chứa tại Ấn Độ Tiềm năng lớn trong nuôi trồng thủy sản… Kỹ thuật nuôi tôm trong ruộng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải mặn, tích ngọt Kỹ thuật nuôi tôm trong ruộng lúa thích…