Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Luân Canh Cá - Lúa
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang kết hợp Trạm Khuyến nông huyện Cai Lậy tổ chức thí điểm mô hình nuôi luân canh cá-lúa ở ấp Bắc, xã Tân Phú bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang thực hiện mô hình nuôi luân canh cá-lúa ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè với quy mô 1 ha, sau 8 tháng nuôi hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với ngoài mô hình nhờ năng suất lúa tăng lên 8-10%, đồng thời tiết kiệm các khoản chi phí giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2013 Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình ở 2 xã Tân Phú, huyện Cai Lậy và Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè với quy mô 2 ha.
Tại ấp Bắc, xã Tân Phú có 6 hộ tham gia mô hình nuôi luân canh cá-lúa, với diện tích 1 ha, thời gian thực hiện từ 4/6/2013 đến ngày 28/2/2014, trong đó cá sặc rằn chiếm 80%; cá rô đồng 15% và cá mè vinh 5%, mật độ thả bình quân 10 con/m2. Qua đánh giá mô hình nhiều nông dân cho biết cá dễ nuôi, thích nghi với với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, ít dịch bệnh, cá tăng trọng nhanh, trung bình 1.000 m2 đạt sản lượng từ 354 374 kg sau 4 tháng nuôi, năng suất đạt 3,54 3,74 tấn/ha so với kế hoạch.
Anh Trương Văn Xóm ở ấp Bắc cho biết: Trước đây gia đình anh sản xuất độc canh cây lúa, hiệu quả kinh tế không cao. Vừa qua, được tập huấn, hội thảo, tham quan các mô hình sản xuất đạt hiệu quả trong tỉnh, đồng thời được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện chọn làm điểm trình diễn mô hình nuôi luân canh cá lúa trên diện tích 0,3 ha, với 3 loại cá sặc rằn, cá rô và cá mè vinh, sau gần 4 tháng nuôi trên ruộng lúa, tiết kiệm chi phí phân, thuốc, lúa phát triển tốt, hạn chế sâu, rầy, bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá lúa và ô nhiễm môi trường. Đồng thời nuôi cá trong ruộng lúa làm cho đất tơi xốp, cung cấp lượng phân hữu cơ từ chất thải của cá, góp phần tăng năng suất lúa.
Nói về hiệu quả và những tiện ích của mô hình nuôi luân canh cá - lúa, anh Trương Văn Xóm phấn khởi cho biết: "Sau mấy tháng nuôi cá sặc rằn, cá mè vinh và cá rô, tôi thấy tỷ lệ cá hao hụt ít, tốc độ tăng trưởng cũng lẹ, tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôi giảm được chi phí đồng thời ruộng lúa phát triển tốt".
Mô hình nuôi luân canh cá lúa ở ấp Bắc bước đầu làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù còn khá mới mẻ đối với nông dân, nhưng về lâu dài mang tính khả thi cao, thích nghi với vùng sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân phá thế độc canh cây lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Đánh giá về quá trình thực hiện và định hướng mô hình này trong thời gian tới, ông Đặng Tấn Bá, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông-khuyến ngư huyện Cai Lậy cho biết: "Qua thời gian thực hiện mô hình cá-lúa đã mang lại cho bà con nông dân những kết quả đáng ghi nhận. Với tình hình giá lúa bấp bênh, bà con có thể chuyển đổi từ 3 vụ lúa xuống 2 vụ rồi nuôi cá trong ruộng lúa để tăng giá trị kinh tế. Sắp tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh có hướng mời bà con tham quan, tập huấn để nhân rộng mô hình phía Bắc lộ huyện Cai Lậy với các hộ có điều kiện ruộng gần nhà để dễ chăm sóc, quản lý".
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao