Hiệu Quả Cao Từ Cây Mãng Cầu Xiêm
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, cây mãng cầu xiêm đã "bén duyên" và ngày càng phát triển mạnh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Chính loại cây này góp phần lớn mang lại ấm no trên vùng đất cù lao đầy phèn - mặn này.
Trước đây, người dân Tân Phú Đông chỉ biết đến cây lúa, cây dừa. Thế nhưng, từ khi trồng thử nghiệm cây mãng cầu xiêm (ghép từ thân cây bình bát) có hiệu quả kinh tế cao, các ngành chức năng, ngành nông nghiệp đã mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm.
Có thị trường tiêu thụ lớn, giá ổn định, lợi nhuận kinh tế cao nên diện tích ngày càng tăng. Đến nay, Tân Phú Đông đã có trên 500ha mãng cầu xiêm (gần 400ha đang cho trái) tập trung nhiều tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh… Dự kiến, đến năm 2016 diện tích mãng cầu xiêm của Tân Phú Đông có thể đạt 600ha và trở thành cây ăn trái chủ lực của huyện.
Giá mãng cầu xiêm dao động từ 15.000 - 35.000 đồng/kg. Hiện tại hơn 300ha mãng cầu xiêm đang thu hoạch nghịch mùa nhờ kinh nghiệm xử lý của bà con, giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều nhà vườn thu lãi rất cao. Đặc biệt thương lái đến tận vườn để đặt hàng mua khi trái còn nhỏ khiến nhiều nông dân phấn khởi hơn. Một héc-ta mãng cầu xiêm xử lý cho trái mùa nghịch thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng (gấp đôi so với mùa thuận), bỏ xa nhiều loại cây trồng khác.
Ông Hồ Văn Truyền, ấp Tân Xuân, xã Tân Thới, cho biết: Từ khi nắm được thông tin cây mãng cầu xiêm thích hợp trên vùng đất này và làm theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ông bỏ ngay cây lúa, đốn bỏ nhiều cây dừa để trồng cây mãng cầu.
Nhờ học hỏi kinh nghiệm và được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc nên diện tích mãng cầu xiêm của gia đình luôn cho trái nghịch mùa, hằng năm thu về hàng trăm triệu đồng. "Trồng mãng cầu xiêm lợi nhuận cao hơn so với nhiều cây trồng khác. Bây giờ, gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả, có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang, mua xe gắn máy và nhiều đồ dùng tiện nghi khác…" - ông Truyền phấn khởi chia sẻ.
Ông Lương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh, cho biết: "Phú Thạnh là một trong những xã có diện tích trồng mãng cầu xiêm lớn nhất huyện. Trên 30 hộ đã thoát nghèo nhờ trồng loại cây này. Hiện tại, hầu hết người dân trong xã đã chuyển đổi từ lúa, dừa sang trồng mãng cầu xiêm".
Trung bình, mỗi công đất có thể trồng khoảng 50 gốc mãng cầu xiêm. Nếu chăm sóc tốt, sau 2 năm cây bắt đầu cho trái và cho trái ổn định từ 4 năm tuổi trở lên, xử lý đúng cách cây sẽ cho trái quanh năm. Mỗi công mãng cầu xiêm có thể thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng.
Gần 10 năm nay, vùng đất này cũng hạn chế được tình trạng nhiều hộ dân rời quê hương đi làm ăn ở những nơi khác. Anh Trần Văn Chức, xã Tân Phú, chia sẻ: "Trước đây tôi thường tới các khu công nghiệp tìm việc. Nhưng từ khi cây mãng cầu xiêm phát triển mạnh trên vùng đất này, tôi giữ đất và gắn bó với cây mãng cầu. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững".
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, cho biết: "Chúng tôi luôn khuyến cáo, tìm cách ngăn chặn kịp thời các loại bệnh tấn công cây mãng cầu để bảo vệ vùng chuyên canh 500ha mãng cầu xiêm lớn nhất khu vực ven biển Nam bộ này".
Trước tiềm năng cây mãng cầu xiêm, Hội Nông dân phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và các nơi cung cấp thuốc bảo vệ thực vật… thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây giống và phân, thuốc BVTV cho người trồng. Đồng thời, Hội Nông dân huyện cũng có đề nghị tỉnh hội hỗ trợ 500 triệu đồng giúp hộ nông dân muốn chuyển sang trồng loại cây này nhưng đang còn thiếu vốn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao