Tin nông nghiệp Hiệu quả lớn từ phát triển cây trồng công nghệ cao

Hiệu quả lớn từ phát triển cây trồng công nghệ cao

Author Minh Sáng - Sơn Trang, publish date Monday. July 17th, 2017

Hiệu quả lớn từ phát triển cây trồng công nghệ cao

Cây trồng công nghệ cao tuy còn tương đối mới mẻ với quy mô chưa lớn, nhưng đang từng bước lan tỏa ở nhiều địa phương, bao gồm trồng trọt, sản xuất giống, thu hoạch, bảo quản…

Nhân giống lan cắt cành bằng cấy mô ở một trang trại trên địa bàn huyện Hóc Môn (TP.HCM)

Lan tỏa các mô hình

Chúng tôi tìm đến trang trại dưa “Ba Hưng Sài Gòn”, khi anh Võ Minh Hưng, người chịu trách nhiệm kỹ thuật của trang trại, đang miệt mài chuẩn bị cho vụ dưa lưới sắp tới. Quệt giọt mồ hôi, anh Hưng hào hứng khoe: “Chỉ với mấy sào đất nông nghiệp, trong vụ dưa vừa rồi, sau khi đã trừ hết tất cả các chi phí, trang trại đã thu về hơn 100 triệu đồng tiền lời”.

Để có được thành quả này, anh đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư và nhận chuyển giao quy trình trồng dưa lưới CNC từ các kỹ sư của của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp CNC, Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Anh Hưng chia sẻ: “Ban đầu khi mới được giới thiệu về mô hình, tôi cũng rất đắn đo, vì số vốn bỏ ra không phải nhỏ, lên tới mấy trăm triệu đồng, làm nông nghiệp khi nào mới lấy lại được số tiền đó. Tuy nhiên, thông qua các lớp tập huấn được thấy tận mắt những quả dưa lưới tròn, đẹp nên tôi đã quyết tâm làm”.

Theo anh Hưng, đội ngũ kỹ sư của trung tâm nhiệt tình, theo sát anh trong các công đoạn từ chỉ dẫn kỹ thuật, cung cấp nguồn giống, hướng dẫn phân bón cho đến tìm kiếm đầu ra. Với cách trồng không quá phức tạp, chỉ trong thời gian ngắn, anh và những người làm đã thành thục các công đoạn trồng và chăm sóc. Dự tính, với diện tích 1.500m2, sau khi trừ hết tất cả các chi phí, mỗi vụ anh lời được khoảng 40 triệu đồng. Nếu chăm sóc và xoay vòng tốt, mỗi năm có thể trồng được 4 vụ dưa lưới với thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Cho đến nay, dưa lưới Ba Hưng Sài Gòn trở thành thương hiệu khá nổi tiếng. Sản phẩm dưa to, tròn, lưới đẹp nên được các thương lái rất ưa chuộng. Theo anh Hưng, trồng dưa lưới không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ rủi ro gần như không có.

Tương tự, với trang trại dưa lưới có diện tích rộng hơn 8.000m2 ở ấp Thới Tây 1 (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM), anh Nguyễn Lê Cẩm Tú đã thu về hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Được đào tạo bài bản từ Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp CNC, anh quyết định thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản, mở rộng diện tích vườn, xây dựng hai nhà màng, tổng chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng.

Theo anh Tú, dưa lưới là loại cây khó tính và dễ mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại, việc chăm sóc phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu, từng giai đoạn phát triển. Thời vụ trồng dưa lưới là 3 tháng, cùng với thời gian làm đất, chuẩn bị… Hiện anh Tú đang trồng 3 vụ dưa/năm.

Hiện đã có hàng chục cá nhân, tổ chức tại TP HCM và các tỉnh thành lân cận đang mạnh dạn tiếp cận sản xuất nông nghiệp CNC như kỹ thuật cấy mô invitro cây lan hồ điệp, quy trình trồng nấm linh chi, trồng rau thủy canh trong nhà phố…

Về chi phí sản xuất, anh Tú chia sẻ, đối với đầu tư cố định ban đầu, chi phí bình quân khoảng 400 triệu đồng/1.000m2, trong đó bao gồm nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, bạc phủ, giá thể, dây leo… Chi phí sản xuất theo vụ bình quân khoảng 50 triệu đồng/vụ, gồm công lao động, hạt giống, phân bón, giá thể, điện, nước… Ngoài việc tạo ra thu nhập tốt cho gia đình, mô hình đang sử dụng 10 lao động phổ thông thường xuyên cho diện tích 6.000m2, chủ yếu là lao động tại địa phương.  

Giải bài toán giống

Tuy nhiên, trong phát triển cây trồng công nghệ cao, một khó khăn lớn mà các DN và nông dân đang gặp phải là nguồn giống. Theo anh Nguyễn Lê Cẩm Tú, hiện 100% nguồn hạt giống dưa lưới đều phải nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản, Israel… Cái khó của việc phụ thuộc giống ngoại không chỉ về giá cả, chất lượng khó kiểm soát mà còn về tính thường xuyên của mặt hàng.

“Có những lúc, một số giống dưa rất được thị trường ưa chuộng thì sau 1 - 2 vụ, nhà cung cấp giống hết hàng, không có giống nên người trồng dưa không thể sản xuất, không có hàng để đáp ứng người tiêu dùng. Như vậy thì không ổn định mặt hàng, không giữ chân khách được”, anh Tú chia sẻ...

Nhiều DN sản xuất giống ở TP.HCM nhờ áp dụng công nghệ tốt, không chỉ đứng vững được ở thị trường trong nước mà cũng đã XK được các giống rau ra nước ngoài. Năm ngoái, các DN giống ở TP đã XK được 225 tấn hạt giống rau các loại. 6 tháng đầu năm nay, lượng hạt giống XK tăng tới 34% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 220 tấn, trong đó có tới 114 tấn là hạt giống rau.

Gần đây, một số viện, DN đã thành công trong việc nhân giống khoai tây bằng công nghệ khí canh (trồng cây không sử dụng đất, nước, mà trồng trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng). Đây là một công nghệ mới, có sự tích hợp công nghệ sinh học, tin học, vật liệu mới và công nghệ tự động hóa. Cả 4 công nghệ này đều được coi là CNC. Khoai tây nhân giống bằng công nghệ khí canh đảm bảo sạch bệnh 100% có khả năng kháng bệnh cao, năng suất nhân giống cao gấp nhiều lần so với nuôi cấy mô, giảm tới 90% chi phí nước, 95% chi phí phân bón, 99% chi phí thuốc BVTV…  

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Áp dụng CNC không chỉ đem lại hiệu quả sản xuất rất ấn tượng mà còn làm thay đổi rõ rệt hiệu quả kinh tế cho nhiều loại cây trồng chủ lực mà lâu nay vẫn được sản xuất theo lối truyền thống. Cơ giới hóa mạnh mẽ trong sản xuất mía ở nhiều nông trường, trang trại là một ví dụ điển hình

Cơ giới hóa trong sản xuất mía ở Đông Nam bộ

Trong niên vụ 2015/2016, nông trường Thành Long (xã Thành Long, Châu Thành, Tây Ninh) đã tiến hành cơ giới hóa từ khâu làm đất bằng máy công suất lớn, tới bón phân, xử lý cỏ và thu hoạch. Bên cạnh đó, nông trường còn đầu tư hệ thống tưới mía hiện đại Center pivot và Rain gun, để tưới mía một cách hữu hiệu hơn.

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, GĐ Nông trường Thành Long, riêng hệ thống tưới hiện đại này đã đưa năng suất bình quân từ 65 tấn/ha lên 98 tấn/ha (tăng khoảng 50%). Sau khi trừ chi phí khấu hao, phí nhân công, nguyên liệu, chỉ riêng việc áp dụng hệ thống tưới công nghiệp đã giúp nông trường thu lợi nhuận thêm từ 13 - 15 triệu đ/ha.

Nhờ ứng dụng CNC, niên vụ 2015 - 2016, năng suất mía nguyên liệu và mía giống ở Nông trường Thành Long tăng 34 - 35% so với vụ trước; giá thành mía bình quân chỉ còn 547.365 đ/tấn (giảm 20%); chữ đường mía nguyên liệu tăng 10% và đạt bình quân 9,83 CCS; sản lượng đường quy đổi theo CCS tăng 1.796 tấn (tăng 33%).

Lão nông Đặng Văn Hùng, người sở hữu gần 40ha mía ở Mỏ Công (Tân Biên, Tây Ninh), cũng nhờ mạnh dạn chuyển từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa ở nhiều khâu quan trọng, đồng thời thay đổi công nghệ tưới, mà có được thu nhập tốt hơn nhiều từ cây mía. Trong niên vụ 2015 - 2016, năng suất mía bình quân của ông đạt 115 tấn/ha (cao hơn vụ trước đó 10 tấn/ha), chữ được bình quân 10,2 CCS (cao hơn 0,9 CCS), thu nhập bình quân 67 triệu đ/ha (cao hơn 23 triệu đ/ha).

Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng BQL Khu Nông nghiệp CNC TP.HCM:

"Làm nông nghiệp CNC, thách thức về tiêu thụ là không nhỏ, bởi lẽ, nếu áp dụng CNC thành công sẽ mang lại những bước nhảy vọt về năng suất, có thể gấp 20 - 30 lần so với các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, trước sức ép từ nông sản các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam, nông nghiệp CNC là sự lựa chọn tất yếu nhằm đảm bảo sự cạnh tranh của nông sản Việt và gia tăng thu nhập cho bà con nông dân".


Chè Thái Nguyên bao giờ bay ra thế giới? Chè Thái Nguyên bao giờ bay ra thế… Một xã thu hơn 25 tỷ đồng từ cây nghệ vàng Một xã thu hơn 25 tỷ đồng từ…