Hiệu Quả Mô Hình Sản Xuất Cà Phê Theo Tiêu Chuẩn UTZ
Sau khi sản xuất cà phê bền vững theo quy tắc 4C, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ cho 60 hộ sản xuất 30 ha cà phê bền vững tại xã Đăk Hring và Hà Mòn (Đăk Hà) theo Bộ nguyên tắc UTZ CERTIFIER. Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ là hướng đi mới, là xu thế hiện nay… để nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt.
Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, UTZ CERTIFIED là một chương trình chứng nhận toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn về sản xuất và kinh doanh cà phê có trách nhiệm. UTZ, có nghĩa là “tốt” trong tiếng Maya, đem đến sự đảm bảo chất lượng về mặt xã hội và môi trường trong sản xuất cà phê mà các thương hiệu và người tiêu dùng mong đợi.
Còn Bộ nguyên tắc UTZ CERTIFIER về mặt quản lý là tăng lợi nhuận và quản lý rủi ro lâu dài của nông dân; hiệu quả sản xuất nông nghiệp gia tăng (giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm), chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường; hệ thống quản lý tốt hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và đáng tin cậy hơn.
Về mặt thực hành nông nghiệp tốt là tăng năng suất, duy trì và cải thiện chất lượng nước và đất. Về điều kiện làm việc, người lao động được hưởng lợi từ quyền lợi và dịch vụ cơ bản tại nơi làm việc; không có lao động trẻ em; sống lành mạnh, an toàn và điều kiện làm việc tốt. Về môi trường, sử dụng nước hiệu quả; năng lượng hiệu quả; quản lý chất thải hiệu quả và giảm trên một đơn vị sản phẩm; bảo vệ và phục hồi môi trường sống tự nhiên.
Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ cho 60 hộ ở xã Đăk Hring, Hà Mòn sản xuất 30 ha cà phê theo nguyên tắc UTZ CERTIFIER.
Thực hiện chương trình, Trung tâm đã kịp thời chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ vật tư cho nông dân, đến nay, các hộ dân tham gia thực hiện mô hình đã đáp ứng được các yêu cầu UTZ CERTIFIER đặt ra.
Theo đánh giá, các hộ sản xuất cà phê theo mô hình UTZ CERTIFIER, năng suất cà phê nhân bình quân đạt 4,35 tấn nhân/ha (tăng 0,65 tấn nhân/ha so với sản xuất đại trà), lãi 56,03 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất đại trà 21,8 triệu đồng/ha).
Người trồng cà phê UTZ còn được bao tiêu sản phẩm thông qua Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng với giá bán được cộng thêm 200 đồng/kg cà phê nhân so với giá chung trên thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất cà phê theo mô hình UTZ trên địa bàn huyện vẫn còn có nhiều tồn tại như: các vườn cây cà phê thiếu cây che bóng (do cây che bóng mới trồng); việc ghi chép trong sổ nhật ký sản xuất của nhiều hộ không kịp thời; nhiều hộ tự tăng thêm mức đầu tư phân bón nhưng không cân đối; các kho đựng vật tư (dụng cụ, phân bón) còn tạm thời và chưa có tủ thuốc bảo vệ thực vật. Song, đây là những tồn tại có thể khắc phục được, nếu các hộ có quyết tâm nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho cà phê theo tiêu chuẩn UTZ.
Từ những thành công ban đầu này, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng có 400 hộ đang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. Dự kiến trong năm 2014, trên địa bàn huyện Đăk Hà có 1.000 hộ tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ.
Từ kết quả sản xuất và thị trường đang đặt ra, có thể nói việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ là xu hướng tất yếu, nếu người nông dân muốn nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Điều này còn phù hợp với chủ trương xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà và mong đợi của ngành cà phê Việt Nam.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao