Hiệu quả sản xuất bưởi 5 roi theo hướng hữu cơ
Kế Sách được biết đến không chỉ có lúa gạo, tôm, cá mà còn là nơi có sản lượng lớn cây ăn quả ngon của tỉnh Sóc Trăng, là đầu mối cung cấp cho thị trường trái cây các chợ TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai và các tỉnh miền trung, miền tây nam bộ. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các xã Kế An, Kế Thành, Thới An Hội, Xuân Hòa... có tỷ lệ trồng chuyên canh cây bưởi cao nhất; tiếp theo là măng cụt, nhãn, vú sữa, cam sành, sầu riêng. Bưởi Năm Roi và bưởi Da Xanh huyện Kế Sách đã dần có thương hiệu trên thị trường trong nước. Mấy năm gần đây, nông dân trồng bưởi huyện Kế Sách nói chung luôn trúng mùa cả về năng suất và giá.
Kế Sách có điều kiện sinh thái phù hợp cho phát triển cây ăn trái nói chung và cây bưởi nói riêng. Xuất phát đầu tiên là bưởi Năm Roi, được bà con nông dân trồng chuyên canh cách đây hơn hàng chục năm, hiện tại đã có nhiều vườn bưởi Năm Roi đã dần trở nên già cỗi và cho hiệu quả kinh tế tương đối kém do kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế, nông dân còn sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, biến môi trường và đất canh tác ngày càng xấu đi, áp lực sâu bệnh ngày càng cao...
Trên vườn cây ăn trái, nếu giảm đạm hóa học và phân lân, tăng phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp cây trồng phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh làm cho tập đoàn vi sinh vật có ích trong đất phát triển và gia tăng mật số, có vai trò như tác nhân bảo vệ thực vật sinh học. Nấm sợi giúp phát triển rễ để tránh bị úng nước, héo úa. Nấm rễ làm tăng sinh khối rễ giúp cây tăng cường hấp thu dinh dưỡng, bảo vệ cây tránh khỏi vi khuẩn và ký sinh trùng, thúc đẩy sự phân hủy các chất hữu cơ.
Vì những lợi ích lâu dài và thiết thực nói trên, nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững trong tương lai, một số nhà vườn có tâm quyết với nghề đã mạnh dạn quyết định thực hiện canh tác bưởi theo hướng hữu cơ. Đặc biệt là đối với các vườn bưởi năm roi đã già cỗi (trên 10 năm), tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu hữu cơ vừa giúp cây hạn chế bệnh thối rễ, vừa góp phần trẻ hóa hệ thống các cây đã già cỗi, làm nâng cao năng suất cũng như hiệu quả sản xuất.
Một trong các nhà vườn tiên phong, đó là nhà vườn Đỗ Thị Thôi ở ấp Cầu Chùa, xã Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2015 đã thực hiện mô hình “Canh tác bưởi năm roi bằng biện pháp hữu cơ sinh học” trên diện tích canh tác 5000 m2, bước đầu đã đạt nhiều thành tích tốt. Mô hình đã sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nấm Trichoderma dạng tinh để tưới và phun để phòng bệnh và cải thiện môi trường sản xuất; sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm cải thiện hóa lý tính của đất, gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón, cải thiện sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của trái bưởi. Ngoài ra, nhà vườn thực hiện mô hình còn áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp như tỉa bớt bóng che, tỉa trái hợp lý, ghi chép sổ theo dõi…
Kết quả sau khi thực hiện mô hình, vườn bưởi phát triển xanh tốt, cải thiện tình trạng vàng lá thối rễ, các cây già cỗi dần phục hồi sau khi áp dụng các biện pháp trẻ hóa.
Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh phối hợp với phân hóa học đã giúp tăng hiệu quả sử dụng của phân bón trong vườn, thể hiện qua việc duy trì màu xanh của cây bưởi lâu hơn so với chỉ bón phân hóa học. Cây ra đọt tập trung, mập, mạnh hơn cách nhà vườn chăm sóc thông thường trước đây. Sức đề kháng của cây tăng giúp cây tốt hơn có thể chống chịu với hạn mặn và biến đổi khí hậu. Đất trong vườn tơi xốp, màu mỡ tạo điều kiện tốt cho hệ vi sinh vật có ích phát triển nên hiện tượng bệnh vàng lá thối rễ giảm hơn đáng kể so với thời điểm trước khi thực hiện mô hình.
Đối với chế phẩm Trichoderma thực hiện trong mô hình, nhà vườn trộn với phân hữu cơ bón cho cây và phun lên tán cây ở thời kỳ mưa tập trung. Kết quả cho thấy sản phẩm giúp các lá cây, tàn dư thực vật trong vườn phân hủy rất nhanh, giảm thiểu hiện tượng ngộ độc hữu cơ, đỡ tốn công thu gom đến nơi khác, giảm hiện tượng thối rễ cũng như xì mủ trên thân cành sau mùa mưa so với cùng kỳ các năm trước khoảng 20-30%.
Đối với thuốc trừ sâu sinh học Abamectin, Emamectin… dùng phòng trị sâu đục trái bưởi, qua thực tế sử dụng, nhà vườn thấy thuốc có hiệu lực cao đối với sâu tuổi nhỏ chưa đục sâu vào bên trong trái, ít gây chết kiến vàng trong vườn.
Hiện tại, các vườn trồng bưởi đang được khuyến cáo kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp như bao trái, thu gom và tiêu hủy trái bị nhiễm sâu để ngăn chặn sự lây lan. Đây là hướng quản lý tổng hợp có hiệu quả đối với sâu đục trái hiện nay.
Theo đánh giá của các Nhà vườn, việc tham mô hình giúp họ có ý thức hơn trong việc tổ chức hợp tác sản xuất bưởi an toàn bằng biện pháp hữu cơ sinh học, Nhà vườn đã từng bước biết lựa chọn phân bón cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, chú ý bón phân cân đối giữa phân hóa học với phân hữu cơ sinh học nhằm giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón và tăng tính bền vững cho vườn cây. Qua đó, tạo tiền đề liên kết với doanh nghiệp để sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra khả năng tăng sức tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. So sánh cho thấy, chi phí đầu tư thực hiện mô hình không cao hơn nhiều so với sách sản xuất đại trà nhưng lợi ích mang lại thì rất lớn, đạt cả về hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường.
Theo tính toán sơ bộ, với vườn bưởi năm roi hơn 10 năm tuổi, đang dần có dấu hiệu suy kiệt và già cỗi, sau khi áp dụng các kỹ thuật theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học đã dần phục hồi, năng suất vẫn duy trì và có xu hướng tăng cao hơn so với trước đây. Theo nhà vườn Huỳnh Công Luận, “hiện tại mỗi năm tôi thu được khoảng 2.300kg bưởi trên 1000 m2, tăng lên trước khi thực hiện mô hình khoảng 200-300kg, giá bán bình quân khoảng 25 ngàn đồng/kg. Thu nhập từ 5000m2 bưởi của tôi đạt khoảng 287 triệu đồng/năm, tăng lên khoảng 5-10% so với trước đây, nhưng điều quan trọng là tôi đã tạo ra sản phẩm bưởi an toàn cho người tiêu dùng bảo vệ sức khỏe và môi trường, tôi rất tự hào vì điều đó và tôi tin tưởng vườn bưởi của tôi sẽ tiếp tục tăng năng suất cũng như chất lượng trong tương lai nếu tôi vẫn tiếp tục duy trì cũng như phát huy thêm các phương pháp chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học này.”.
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nhu, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Kế Sách cho biết: “Canh tác bưởi năm roi già cỗi bằng biện pháp hữu cơ sinh học đã đáp ứng được nguyện vọng của người trồng bưởi là vườn ít sâu bệnh, cho thu nhập cao, ít gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm có sản lượng cao, chất lượng tốt tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm dễ dàng. Từ kết quả này, Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách khuyến cáo nông dân mạnh dạn áp dụng để hướng đến sản xuất ổn định, bền vững, đạt được hiệu quả kinh tế cao”.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả mang lại, trong quá trình thực hiện mô hình, cũng gặp một số khó khăn như sau: nhà vườn chưa tự ủ phân hữu cơ để sử dụng do khó tìm nguồn nguyên liệu, phải mua phân hữu cơ trên thị trường với giá cả tương đối cao, chất lượng lại chưa có sự đảm bảo; chưa có nhiều kiến thức về hữu cơ sinh học, phần lớn chỉ thực hiện theo kinh nghiệm nên đôi khi vẫn còn sử dụng nhiều thuốc hóa học; bán bưởi cho thương lái nên giá vẫn chưa cao và không ổn định. Vì vậy việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như có thêm đội ngũ cán bộ kỹ thuật hỗ trợ thêm về kiến thức, kỹ năng để giúp nhà vườn canh tác bưởi từng bước đi đúng hướng, ổn định, bền vững, an toàn và hiệu quả hơn đang là nhu cầu bức thiết của nhiều nhà vườn trồng bưởi nói riêng và trồng cây ăn trái nói chung hiện nay.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao