Hiệu Quả Từ Chính Sách Trợ Giá Giống Lúa Lai
Với chính sách trợ giá giống lúa lai của tỉnh và địa phương, 6 năm qua, thị xã An Nhơn đã đưa vào sản xuất hơn 8.075 ha bằng giống lúa lai trên diện tích sản xuất 2 vụ lúa/năm (bình quân hàng năm chiếm 13% tổng diện tích sản xuất lúa của thị xã).
Trong 6 năm qua, riêng ngân sách thị xã hỗ trợ giá giống lúa lai cho nông dân hơn 5,1 tỉ đồng và đã đem lại hiệu quả tích cực.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND thị xã An Nhơn, Phòng Kinh tế thị xã tổ chức triển khai thực hiện chủ trương hỗ trợ giá giống lúa lai theo chính sách hỗ trợ hàng năm của tỉnh và thị xã để nông dân đưa lúa lai vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân.
Tăng diện tích sản xuất lúa lai
Kết quả, sau gần 6 năm từ năm 2009 cho đến vụ Đông Xuân (ĐX) 2013-2014, tùy theo từng năm, tỉnh hỗ trợ từ 15% đến 30% giá giống lúa lai, thị xã cũng trợ giá thêm từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg giống lúa lai (bình quân thị xã hỗ trợ thấp nhất với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng/năm, cao nhất trên 1 tỉ đồng/năm).
Mặt khác, ngoài việc trợ giá của tỉnh và thị xã, một số xã cũng có chính sách trợ giá giống lúa lai nhằm khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa lai.
Tiêu biểu như: xã Nhơn Phúc năm 2012 trợ giá 5.000 đồng/kg giống lúa lai, đã khuyến khích nông dân địa phương từ sản xuất 29 ha lúa lai năm 2011 tăng lên 112 ha trong vụ ĐX 2013-2014; xã Nhơn Lộc năm 2012 trợ giá 5.000 đồng/kg, từ năm 2013 - 2014 trợ giá 10.000 đồng/kg, đã tăng diện tích sản xuất bằng giống lúa lai trên địa bàn...
Theo thống kê, năng suất lúa lai ở An Nhơn tăng bình quân từ 8% - 15% so với năng suất lúa bình quân trong vùng. Đặc biệt, các cánh đồng phía Tây thị xã (Nhơn Thọ, Nhơn Tân, Nhơn Lộc, Nhơn Khánh), sản xuất bằng giống lúa lai chiếm từ 50 - 70% diện tích.
Điển hình như xã Nhơn Thọ, vụ ĐX 2012-2013 sản xuất 234 ha lúa lai, đến vụ ĐX 2013-2014 diện tích lúa lai tăng lên 363 ha/529 ha tổng diện tích sản xuất lúa của xã. Xã Nhơn Tân từ 37 ha lúa lai năm 2011 đến vụ ĐX 2013-2014 tăng lên 224 ha.
Việc đưa lúa lai vào sản xuất với diện tích ngày càng cao đã góp phần tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nông dân.
Theo đánh giá của bà con nông dân sản xuất lúa lai ở các xã phía Tây An Nhơn, thực tế chi phí đầu tư sản xuất lúa lai tăng không đáng kể so với lúa thuần, trong lúc năng suất lúa lai LL tăng từ 8 - 17 tạ/ha so với lúa thuần, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một số hạn chế
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, việc mở rộng sản xuất lúa lai ở địa phương vẫn còn những hạn chế, khó khăn, nhất là việc chủ động nguồn giống, chất lượng một số giống lúa lai thiếu ổn định, giá giống lúa lai vẫn còn ở mức cao.
Bên cạnh đó, bà con nông dân đăng ký mua giống lúa lai để sản xuất thường xuyên thay đổi, nên phá vỡ quy hoạch vùng sản xuất và kế hoạch ban đầu ở địa phương, cơ quan không thể can thiệp, điều chỉnh được, nên khó khăn trong công tác quản lý. Mặt khác, lực lượng cán bộ kỹ thuật mỏng, không thể tập huấn cho tất cả nông dân có sản xuất lúa lai, nên hiệu quả chưa đồng đều.
Ngoài ra, vẫn còn một số địa phương chỉ mới vận động nông dân sản xuất lúa lai, nông dân đăng ký giống lúa lai tùy chọn, chưa quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo từng nhóm giống để chỉ đạo đầu tư kỹ thuật, quản lý dịch bệnh, nhằm khai thác tiềm năng năng suất. Diện tích sản xuất lúa lai ở một số vùng còn nhỏ lẻ, không theo chỉ đạo từ 5 ha trở lên.
Địa phương thiếu quyết liệt trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước về điều hành sản xuất nông nghiệp, chưa khắc phục được tình trạng nông dân sạ dày, ngại khó khi tiếp cận với quy trình sản xuất lúa lai, nhất là giai đoạn ngâm ủ, gieo sạ, chăm sóc ban đầu, vẫn còn một số diện tích sản xuất lúa lai năng suất chưa cao…
Hướng đến mở rộng diện tích lúa lai
Theo ngành chức năng của thị xã An Nhơn, để giữ vững và mở rộng diện tích sản xuất lúa lai trong những năm đến, ngành chức năng đã khuyến cáo các xã, phường khắc phục những nhược điểm nói trên, cần tập trung cải tạo đồng ruộng, đầu tư hạ tầng đồng bộ cho những vùng sản xuất lúa lai tập trung, bố trí quy mô sản xuất từ 5 ha, trên cơ sở chọn cơ cấu giống lúa lai có năng suất cao, cùng thời gian sinh trưởng với các giống lúa khác, cùng trên một vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngành chức năng sẽ tập trung hướng dẫn các xã, phường sản xuất lúa lai trên các vùng đã quy hoạch theo Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015”.
Quy hoạch bổ sung vùng sản xuất lúa lai tập trung, nghiên cứu đưa vào sản xuất giống lúa lai phù hợp với từng chân đất của địa phương. Đồng thời, ưu tiên bố trí mô hình khuyến nông, đối chứng các giống lúa lai sản xuất trong nước, giá thành thấp, để đưa vào sản xuất đại trà, giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao