Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Ở Đại Đức (Hải Dương)

Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Ở Đại Đức (Hải Dương)

Publish date Friday. June 15th, 2012

Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Ở Đại Đức (Hải Dương)
Mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả ở Đại Đức (Hải Dương) đem lại hiệu quả kinh tế khá, đời sống người dân được cải thiện...

Ao rộng là một thế mạnh trong phát triển thủy sản ở xã Đại Đức

Năm 2009, xã Đại Đức (Kim Thành) chuyển đổi 71 ha đất chiêm trũng trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp ở Đầm Tôm (ngoài đê) sang nuôi thủy sản. 13 hộ ở thôn Văn Thọ đã mạnh dạn đấu thầu đất lập ao, vườn. Nuôi cá vẫn là chủ lực chính trong mô hình chăn nuôi tổng hợp ở đây. Lúc đầu, nông dân nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, trôi… nhưng đến nay, chủ yếu nuôi cá rô phi đơn tính và cá điêu hồng.

Sau 4 năm chuyển ra vùng đất chuyển đổi, kinh tế của các hộ đã thay đổi rõ rệt. Ông Vũ Giang Nam ở thôn Văn Thọ cho biết: “Năm 2009, tôi đấu thầu 3,6 ha ngoài bãi. Tôi đào 7 ao, mỗi ao rộng 2.000 m2, thả hơn 4.000 con cá rô phi Đường Nghiệp (nhập từ Trung Quốc). Để cá phát triển tốt, không bị dịch bệnh, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, sách vở, nhất là các lớp học nuôi trồng thủy sản do Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức. Trên bờ, tôi thả hơn 200 con gà, trồng các loại cây ăn quả như ổi trắng số 1, đu đủ, hồng xiêm… Mỗi năm, gia đình tôi thu lãi gần 300 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi tổng hợp này. Lúc mới ra vùng chuyển đổi, tôi vay hơn 1 tỷ đồng, nay đã trả hết nợ. Tôi đang có kế hoạch xây thêm các dãy chuồng để nuôi lợn nhằm tăng thêm thu nhập".

Tuy có hơn 2 ha ở vùng đất chuyển đổi, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Sinh ở thôn Văn Thọ cũng thu lãi được hơn 200 triệu đồng/năm. Với diện tích nhỏ, ông Sinh đào 2 ao thả cá, 1 chuồng trâu gồm 20 con và nuôi thêm vịt. Lúc đầu thả các loại cá truyền thống nhưng năng suất thấp, ông tích cực đi học hỏi kinh nghiệm và được bạn bè giới thiệu nuôi cá điêu hồng. Cuối năm 2010, ông mua 8.000 con giống thả vào ao rộng 4.000 m2. Ao nuôi cá được khử chua bằng vôi bột, bảo đảm nước được lưu thông thường xuyên. Cá được cho ăn 2 lần/ngày. Mỗi tháng, ông Sinh thả thuốc bệnh cho cá một lần (chủ yếu là bệnh loét mang). Qua 5 tháng thì cá được thu hoạch, đạt khoảng 1 kg/con, bán buôn với giá 45 - 50 nghìn đồng/kg cho các thương lái từ Hải Phòng, Hà Nội. Mỗi lứa, gia đình ông thu được hơn 4 tấn cá điêu hồng/ao, thu lãi gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nuôi 1 ao cá truyền thống trôi, trắm, mè... Sẵn có cánh đồng cỏ ở chân đê, ông Sinh thả 25 con trâu. Ông mới bán 5 con, con to được 17 - 18 triệu đồng, con nhỏ được 11 - 13 
triệu đồng.

Tuy nhiên, các hộ nuôi thủy sản ở Đại Đức cũng đang gặp khó khăn, nhất là việc chủ động nguồn giống và phòng trừ dịch bệnh cho cá. HTX thủy sản Đại Đức mới được thành lập, đang giúp bà con tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cũng “vào cuộc”. Ông Vũ Văn Mận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Đức cho biết: “Xã hiện có diện tích chăn nuôi tổng hợp nhiều nhất huyện Kim Thành. Địa phương tiếp tục khuyến khích người dân xây dựng đời sống mới trên đất chuyển đổi”.

Diện Tích Tôm Nhiễm Bệnh Tăng Nhanh Diện Tích Tôm Nhiễm Bệnh Tăng Nhanh Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Tạm Lắng Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Tạm Lắng